January 14, 2015 | 06:35 GMT+7

Sáp nhập ngân hàng: Thêm những tình huống bất ngờ

Việt Hoàng

Xuất hiện những cái tên mới được thị trường đề cập trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

Nhiều thông tin chính thức liên quan đến kế hoạch sáp nhập các ngân hàng vẫn chưa được công bố.
Nhiều thông tin chính thức liên quan đến kế hoạch sáp nhập các ngân hàng vẫn chưa được công bố.
Những ngày đầu năm 2015, xuất hiện những diễn biến mới có thể xảy ra trong các bước sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng thương mại. Điểm nhấn là bóng dáng các “ông lớn” quốc doanh bắt đầu xuất hiện.

Sau đại hội cổ đông bất thường mới đây, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã thông qua chủ trương tìm kiếm và sáp nhập một ngân hàng thương mại khác.

Trước đó, tại Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB), đã xuất hiện “tâm tư” của một bộ phận cán bộ nhân viên trước thông tin Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đến tìm hiểu kế hoạch hợp tác…

Và đầu tuần này, thị trường lại chú ý với một diễn biến nữa: một số báo trong và ngoài nước đề cập đến khả năng Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng sẽ nhập cuộc tái cơ cấu.

Cuối tuần qua lại có thông tin “dự đoán” Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank) dự định hợp tác để có thể sáp nhập vào Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Bất ngờ vì GP.Bank là ngân hàng cuối cùng trong nhóm 9 thành viên yếu kém xác định đợt đầu (cuối 2011), phải thực hiện tái cơ cấu. Sau đó, hướng đi được thông tin là đàm phán và bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài. Kế hoạch đó kéo dài và cho đến nay lại có thông tin mới theo hướng trên.

Tuy nhiên, được biết LienVietPostBank không hợp tác ở kế hoạch này, vì hiện không có chủ trương sáp nhập ngân hàng khác. Lý do từng được lãnh đạo ngân hàng này nhấn mạnh, họ đã thực hiện sáp nhập Tiết kiệm Bưu điện trước đây, đã sẵn có quy mô và tiềm năng lớn từ đó để phát triển.

“Chúng tôi từng nói hình ảnh, việc sáp nhập Tiết kiệm Bưu điện đã giúp LienVietPostBank có một bước tiến bằng cả trăm năm, với hơn 10.000 điểm giao dịch của hệ thống đối tác sau sáp nhập. Những năm qua và trước mắt, chúng tôi cần tập trung khai thác mạnh tiềm năng này, trong khi các ngân hàng khác muốn tìm đối tác sáp nhập chủ yếu cũng để phát triển mạng lưới kinh doanh là chính”, vị lãnh đạo LienVietPostBank cho VnEconomy biết.

Như vậy, bên cạnh kế hoạch sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) vào Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Mê Kông (MDB) vào Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank), những thông tin phảng phất gần đây đang hướng đến những “cuộc hôn nhân” mới.

Các thông tin chính thức liên quan đến kế hoạch sáp nhập các ngân hàng vẫn chưa được công bố. Nếu các diễn biến trên hiện thực, được Ngân hàng Nhà nước chính thức chấp thuận nguyên tắc, mùa đại hội đồng cổ đông các ngân hàng sắp tới sẽ dần sáng tỏ…
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate