Diễn đàn Thượng đỉnh Năng lượng bền vững Đan Mạch và Việt Nam cùng với hai hội thảo chuyên đề về Năng lượng gió và Năng lượng hiệu quả diễn ra song song từ 09.45 – 14.30 ngày 01/11/2022 tại Hà Nội.
Đây là sự kiện được tổ chức bên lề chuyến thăm của Hoàng gia Đan Mạch tới Việt Nam trong hai ngày 1-2/11/2022.
Với chủ đề “Cùng kiến tạo một tương lai xanh hơn”, chương trình sẽ có sự hiện diện của Thái tử kế vị Frederik cùng Công nương Mary của Đan Mạch, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và đoàn doanh nghiệp cấp cao gồm 36 doanh nghiệp Đan Mạch; trong đó có 22 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng gió và 14 doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng hiệu quả. Đây đều là những doanh nghiệp Đan Mạch đầu ngành với nhiều sáng kiến nhất trong lĩnh vực hoạt động của họ.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Việt Nam là quốc gia sử dụng điện nhiều thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Điều này mở ra cơ hội rất lớn cho các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào ngành năng lượng tại Việt Nam nói chung hay năng lượng tái tạo nói riêng.
Tính đến cuối năm 2021, các nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam có tổng công suất lắp đặt là 20.670 MW, chiếm 27% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống (76.620 MW); tổng sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo đạt 31.508 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng toàn hệ thống.
Cụ thể, về điện gió, Việt Nam có 70 dự án với tổng công suất đạt 3.987 MW đã đưa vào vận hành thương mại, sản lượng điện sản xuất đạt 3,34 tỷ kWh trong năm 2021, tương đương 1,3% sản lượng toàn hệ thống.
Về điện mặt trời, sản lượng điện sản xuất từ năng lượng mặt trời chiếm khoảng 10,8% tổng sản lượng điện toàn hệ thống năm 2021.
Trong năm 2021, việc thu hút được nhiều dự án mới và quy mô lớn với 5,7 tỷ USD, chiếm 18.3% tổng vốn đầu tư đăng ký đã giúp ngành sản xuất và phân phối điện xếp thứ 2 trong số các ngành thu hút FDI.
Theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam sẽ cần một phương pháp tiếp cận có hệ thống để huy động lượng lớn tài chính cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng, theo ước tính con số này rơi vào khoảng 12-14 tỷ USD mỗi năm.
Những đổi mới kịp thời trong môi trường đầu tư phù hợp với từng lĩnh vực sẽ thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, giúp thu hút phần lớn các khoản đầu tư cần thiết.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng cần ban hành các quy định tạo điều kiện cho tài chính công, bao gồm phân bổ nguồn vốn ODA và các quỹ khí hậu cho ngành điện để tạo hiệu ứng hỗ trợ và thúc đẩy khu vực tư nhân, chẳng hạn như phát triển lưới điện hay các dự án PPP.