June 13, 2009 | 11:58 GMT+7

Sắp tới thời của khủng hoảng nợ công?

Kiều Oanh

Cơn bão kinh tế tồi tệ nhất từ thập niên 1930 tới nay có thể đã bắt đầu tan, nhưng một đám mây đen khác lại đã hình thành

Xét trong dài hạn, việc mạnh tay vay nợ của ngày hôm nay là không bền vững.
Xét trong dài hạn, việc mạnh tay vay nợ của ngày hôm nay là không bền vững.
Cơn bão kinh tế tồi tệ nhất từ thập niên 1930 tới nay có thể đã bắt đầu tan, nhưng một đám mây đen khác lại đã hình thành phía chân trời. Đám mây đó chính là những khoản nợ chính phủ khổng lồ.

Thời gian qua, các nước giàu đã vay nợ với tốc độ chóng mặt do suy thoái làm giảm số tiền thuế thu về, trong khi các khoản chi thì cứ tăng vùn vụt vì hoạt động giải cứu, hỗ trợ thất nghiệp và những nỗ lực kích thích kinh tế.

Những số liệu mới mà các nhà kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra cho thấy, nợ công của 10 quốc gia giàu có hàng đầu thế giới sẽ tăng từ mức 78% GDP vào năm 2007 lên mức 114% GDP vào năm 2014. Chính phủ các nước này tới khi đó sẽ nợ khoảng 50.000 USD tính trên đầu mỗi công dân của họ.

Thế gọng kìm

Từ Chiến tranh Thế giới thứ 2 tới nay, chưa khi nào lại có nhiều chính phủ cùng vay nợ với tốc độ nhanh chóng tới như vậy. Thêm vào đó, không giống như thời kỳ có chiến tranh, tình trạng nợ nần gia tăng của ngày nay sẽ không phải là câu chuyện của một sớm một chiều. Ngay cả sau khi suy thoái đã kết thúc, hiếm nước giàu nào có thể thắt chặt ngân sách tới mức đủ để số nợ mà họ đang gánh tăng thêm.

Tệ hơn, bữa tiệc vay nợ này đang diễn ra ngay trước thời kỳ được dự báo là sẽ xảy ra tình trạng vỡ ngân sách từ từ ở nhiều quốc gia giàu có do chi trả lương hưu và bảo hiểm y tế gia tăng cho dân số đang ngày càng lão hóa. Tới năm 2050, người ở độ tuổi trên 60 sẽ chiếm 1/3 dân số ở các nước giàu. Các khoản chi lương hưu và bảo hiểm y tế cho đối tượng này có khả năng sẽ phình to lên mức lớn gấp 10 lần thiệt hại mà cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay gây ra cho ngân sách chính phủ các quốc gia giàu có.

Những dự báo đáng báo động này đặt các nhà hoạch định chính sách tài các nước phát triển vào thế gọng kìm khó xử lý. Trong ngắn hạn, hoạt động vay nợ của chính phủ là một liều thuốc cần thiết để chống suy thoái. Nếu không giải cứu các ngân hàng, sự đổ vỡ trong ngành tài chính sẽ trở thành thảm họa. Nếu không kích thích kinh tế, suy thoái toàn cầu sẽ nhấn kinh tế thế giới chìm sâu hơn, trong một thời gian kéo dài hơn, và như thế nền tài chính công càng ở thế rủi ro hơn.

Tuy nhiên, xét trong dài hạn, việc mạnh tay vay nợ của ngày hôm nay là không bền vững. Cơn khát vốn của các chính phủ rốt cục sẽ đè bẹp hoạt động đầu tư công và làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đáng ngại hơn, quy mô vay nợ có thể lên tới mức đẩy các chính phủ vào tình trạng vỡ nợ, hoặc buộc phải cắt giảm chi phí đi vay thực tế thông qua con đường in thêm tiền, qua đó gây lạm phát.

Hai mối lo của các nhà đầu tư

Dù các chính phủ hành động theo hướng nào trong hai cách này, các nhà đầu tư cũng đều lo sợ.

Những lo ngại về nguy cơ vỡ nợ chính phủ thời gian qua đã đổ dồn về những quốc gia bị xem là yếu hơn trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu, đồng Euro, đặc biệt là các nước Hy Lạp, Ireland, Italy, Bồ Đào Nha, và Tây Ban Nha. Ở những nước này, việc sử dụng đồng tiền chung đã loại bỏ lựa chọn in tiền đơn phương. Nợ công của Ireland đã bị đánh tụt hạng tín nhiệm lần thứ hai vào ngày 8/6 vừa qua.

Song song với đó, những nỗi lo lạm phát tập trung vào nước Mỹ, nơi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã đạt mức gần 4% vào ngày 10/6 vừa qua, từ mức trên 2% ở thời điểm tháng 12 năm ngoái.

Sự leo thang của lợi suất kho bạc Mỹ xuất phát chủ yếu từ niềm tin về sự phục hồi kinh tế hơn là mối quan ngại về tình trạng ngân sách của Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, mức thâm hụt ngân sách gia tăng chóng mặt và những biện pháp chưa từng có tiền lệ trong chính sách tiền tệ mà nước Mỹ đang áp dụng, trong đó có việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) - giống như Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) - in tiền để mua trái phiếu chính phủ, đang làm dấy lên những lo ngại về sự trở lại của lạm phát.

Dù có lý hay vô lý, chính bản thân những mối lo này sẽ gây hại. Sự phục hồi kinh tế có thể sẽ chết yểu nếu lãi suất được điều chỉnh tăng quá nhanh và quá xa. Thêm vào đó, những liều thuốc chính sách đang áp dụng có thể trở nên vô hiệu. Chẳng hạn, việc in thêm tiền để mua trái phiếu có thể khiến lợi suất các loại trái phiếu dài hạn tăng cao thêm, thay vì hạ thấp đi.

Giải pháp nào?

Vậy các nhà hoạch định chính sách nên làm gì? Đột ngột thắt chặt ngân sách sẽ là một sai lầm. Ngay cả khi đã ngừng sụt giảm, các nền kinh tế vẫn ở trạng thái yếu. Vào năm 1997, việc tăng thuế tiêu thụ đã đẩy kinh tế Nhật trở lại với suy thoái. Kinh nghiệm này cho thấy, việc vội vã thắt chặt ngân sách có thể phản tác dụng, đặc biệt sau một cuộc khủng hoảng trong hệ thống nhà băng.

Bởi vậy, thay vì tìm cách cắt giảm mạnh thâm hụt ngân sách ở thời điểm hiện nay, chính phủ các nước giàu cần đưa ra cam kết rằng họ sẽ làm vậy một khi nền kinh tế của họ đã trở nên khỏe mạnh hơn.

Nhưng làm thế nào để những lời hứa này được tin cậy? Bản thân lời hứa của các chính trị gia thường không có nhiều giá trị. Do đó, bất kỳ cam kết nào về sự cẩn trọng ngân sách trong tương lai cũng cần bao gồm những quy tắc cụ thể nêu rõ thâm hụt ngân sách sẽ được giảm xuống bằng cách nào, hay những biện pháp khó khăn về mặt chính trị nhưng có tác dụng tạo thặng dư ngân sách về sau mà không ảnh hưởng nhiều tới hiện tại, chẳng hạn như tăng tuổi nghỉ hưu…

Nói rộng ra, các chính phủ cần cam kết cải thiện nền tài chính công bằng cách cắt giảm chi tiêu trong tương lai, thay vì đánh thuế cao hơn.

Phần lớn các quốc gia châu Âu đều đã không còn nhiều cơ hội để tăng thuế. Tại nhiều nước thuộc châu lục này, doanh thu từ thuế đã lên tới mức 40% so với GDP. Cải cách thuế chỉ đặc biệt cần thiết ở những quốc gia vốn đã phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu thuế từ thị trường tài chính và địa ốc như Anh và Ireland. Ngay tại Mỹ, nơi doanh thu từ thuế bằng chưa đầy 30% GDP, việc tăng thuế cũng không phải là giải pháp tốt nhất. Do đó, việc kiểm soát chi tiêu công nên được đặt ở vị trí ưu tiên, mặc dù cơ hội để tăng thuế ít nhiều vẫn có.

Bước tiếp theo là tăng cường mức độ tin cậy của những quy tắc này bằng những quy định và thể chế nhằm đẩy mạnh quyết tâm thực hiện của các chính trị gia trong tương lai. Đảng Bảo thủ của Anh tỏ ra sáng suốt khi có ý muốn thành lập một cơ quan độc lập có tên Văn phòng Giám sát ngân sách nhằm đánh giá các kế hoạch của Chính phủ. Nước Đức thì đang chuẩn bị thông qua hiến pháp sửa đổi trong đó giới hạn thâm hụt ngân sách cơ cấu ở mức 0,35% GDP từ năm 2016 trở đi. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama thì muốn phục hồi lại những quy định về kiểm soát thâm hụt ngân sách.

Những điều chỉnh như vậy cần được thiết kế với sự thận trọng, và nước Đức có thể sẽ bị xem là hành động quá cứng nhắc. Tuy nhiên, kinh nghiệm của Chile và Thụy Sỹ cho thấy, những biện pháp kiểm soát ngân sách như vậy có thể ngăn chặn được hoạt động chi tiêu thái quá.

Mặc dù vậy, chẳng gì có thể phát đi tín hiệu mạnh mẽ hơn nếu các chính phủ dám đưa ra những quyết định khó khăn ngay ở ngày hôm nay. Một ưu tiên cần thực hiện là tăng tuổi nghỉ hưu, qua đó sẽ tăng doanh thu từ thuế (do người lao động làm việc trong thời gian dài hơn) và cắt giảm chi phí lương hưu trong tương lai. Nhiều nước giàu đã làm điều này, nhưng họ cần tiến xa hơn và nhanh hơn.

Một mục tiêu lớn nữa là mảng chăm sóc sức khỏe. Nước Mỹ được xem là quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe lãng phí nhất thế giới. Tương lai nền tài chính công của nước này có thể được cải thiện nếu như Quốc hội Mỹ thông qua những cải cách nhấn mạnh việc kiểm soát một số loại chi phí như chi phí cho việc mở rộng mạng lưới chăm sóc y tế mà Tổng thống Barack Obama muốn thực hiện.

Nhiều năm qua, chính phủ các nước giàu đã thất bại trong vấn đề kiểm soát chi phí lương hưu và bảo hiểm cho dân số đang lão hóa của họ. Chính cuộc khủng hoảng tài chính này, với một tác động tiêu cực là đẩy nợ công tăng vọt, lại đem tới cơ hội để đi tới những bước độ phá trong chuyện kiểm soát những chi phí trên. Nếu các chính phủ không làm được điều này, một cuộc khủng hoảng nữa sẽ đợi họ ở phía trước.

(Theo Economist)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate