Trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2018, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thị trường bất động sản cơ bản được kiểm soát, tiếp tục tăng trưởng, chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn; giá cả ổn định; thanh khoản duy trì ở mức khá cả về số lượng và giá trị giao dịch.
Cơ cấu hàng hóa bất động sản ngày càng đa dạng, phong phú cả về chủng loại và phân khúc sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân và xã hội, hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của thị trường.
Đáng lưu ý, tồn kho bất động sản giảm mạnh. Tính đến ngày 20/6/2018, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 24.072 tỷ đồng, giảm 81,27% so với thời gian đỉnh điểm quý 1/2013 và giảm 5,16% so với tại thời điểm tháng 12 năm 2017.
Riêng các khu vực vùng ven Tp.HCM, huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là các địa bàn dự kiến thành lập đặc khu kinh tế Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh; Phú Quốc tỉnh Kiên Giang và Bắc Vân Phong tỉnh Khánh Hòa xuất hiện tình trạng sốt cục bộ đất nền, giá tăng cao bất bình thường.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tình hình dần ổn định trở lại và bước đầu được kiểm soát sau khi các cơ quan Trung ương và các địa phương tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân biến động và bước đầu thực thi một số biện pháp phù hợp.
"Thị trường bất động sản nhìn chung ổn định, nhu cầu thực chất sử dụng bất động sản ngày càng tăng cho thấy những dấu hiệu bền vững hơn", báo cáo nêu rõ.
Nguồn vốn chảy vào khu vực bất động sản tiếp tục xu hướng tăng. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, 8 tháng năm 2018, dòng vốn FDI vào bất động sản đạt 5,9 tỷ USD, chiếm chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trước đó, năm 2017, tồn kho bất động sản của cả nước còn khoảng 25.700 tỷ đồng. Hà Nội và Tp.HCM tiếp tục là hai địa phương có giá trị tồn kho bất động sản lớn nhất, chiếm tới 40% tổng lượng tồn kho của cả nước.