Tuần trước, giá dầu có tuần giảm thứ ba liên tiếp, chuỗi tuần giảm dài nhất từ đầu năm đến nay. Nhưng đợt giảm này được dự báo sớm chấm dứt và giá dầu sẽ chuyển sang trạng thái tăng - hãng tin CNBC cho hay.
“Cảm giác chắc chắn bây giờ là giá dầu đã chạm đáy rồi. Có nhiều dấu hiệu cho thấy điều đó”, Giám đốc phụ trách nghiên cứu hàng hoá cơ bản toàn cầu của Citi, ông Ed Morse, nhận định. “Lượng dầu tồn kho đã tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm, và sau đó đã giảm. Đó là một phần của tín hiệu cho thấy giá dầu đã tới đáy”.
Ông Morse nói thêm rằng thị trường dầu còn đang đối mặt với ảnh hưởng từ các động thái cắt giảm sản lượng mà OPEC+ công bố gần đây, đúng vào thời điểm thế giới bước vào mùa cao điểm tiêu thụ xăng dầu.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga. Tháng trước, liên minh này tuyên bố giảm sản lượng khai thác dầu 1,16 triệu thùng/ngày, bắt đầu tư tháng 5 và kéo dài cho tới hết năm nay. Quyết định giảm sản lượng này của OPEC+ đã khiến một số nhà phân tích cảnh báo giá dầu có thể vọt lên ngưỡng 3 con số ngay lập tức, nhưng dự báo như vậy đã không trở thành hiện thực.
“Chúng tôi cho rằng giá dầu trong quý 2 và quý 3 năm nay có triển vọng tốt hơn so với quý 1”, ông Morse nói.
Các chuyên gia của ngân hàng ANZ cũng tin rằng đợt giảm này của giá dầu sắp kết thúc do nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng khoảng 2 triệu thùng/ngày trong năm nay, khiến thị trường rơi vào tình trạng cung không đủ cầu cho tới hết năm.
“Việc OPEC+ giảm sản lượng và sự khởi sắc của nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc có thể bù đắp lại sự suy giảm nhu cầu ở nơi khác… Bởi vậy, chúng tôi cho rằng giá dầu sẽ sớm thoát đáy”, một báo cáo của ANZ hôm 8/5 nhận định.
Tương tự, ngân hàng Golman Sachs duy trì dự báo cho rằng giá dầu sẽ tăng. “Dự báo của chúng tôi vẫn là đến tháng 12, giá dầu Brent sẽ đạt 95 USD/thùng và đến tháng 4/2024, giá dầu Brent sẽ đạt 100 USD/thùng, vì chúng tôi tin thị trường dầu sẽ thiếu cung nghiêm trọng trong nửa sau của năm nay”, một báo cáo công bố vào cuối tuần vừa rồi của Goldman Sachs cho hay.
Giá dầu Brent hiện dao động quanh ngưỡng 77 USD/thùng, còn giá dầu WTI ở ngưỡng 73 USD/thùng.
Nếu tính từ đầu năm, giá dầu Brent đã giảm gần 11%, theo dữ liệu từ trang Trading View. Hôm thứ Tư tuần trước, giá dầu Brent có lúc giảm còn hơn 72 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Tương tự, giá dầu WTI cũng đã giảm hơn 9% từ đầu năm.
Nguyên nhân khiến dầu giảm giá là những mối lo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là kinh tế Mỹ.
Hôm thứ Tư tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, một động thái không nằm ngoài dự báo, nhưng vẫn đủ để khiến nhà đầu tư lo ngại rằng lãi suất cao sẽ khiến tăng trưởng kinh tế giảm tốc, từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Hôm thứ Năm, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có lần nâng lãi suất thứ 7 liên tiếp, với mức tăng là 0,25 điểm phần trăm.
“Sức ép từ nỗ lực chống lạm phát của cả Fed và ECB đã dẫn tới tăng trưởng nhu cầu dầu ảm đạm ở hầu hết các nền kinh tế thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), với rủi ro suy thoái đang hiện hữu”, ông Morse nhận định.
Giá dầu đã trượt dài từ mức hơn 120 USD/thùng vào đầu tháng năm ngoái, khi giới đầu tư lo ngại kinh tế Mỹ, thậm chí là kinh tế toàn cầu, rơi vào suy thoái.
Gần đây, các số liệu kinh tế ảm đạm tiếp tục gây áp lực giảm đối với giá dầu, trong đó có số liệu cho thấy hoạt động sản xuất tháng 4 của Trung Quốc bất ngờ sụt giảm, dẫn tới những hồ nghi về sự phục hồi nhu cầu hàng hoá cơ bản của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
“Đánh giá cho rằng thị trường dầu lửa sẽ thắt chặt trong năm nay vì nhu cầu của Trung Quốc tăng đang gặp phải thách thức”, một báo cáo của ngân hàng Commonwealth Bank of Australia viết trong một báo cáo hôm 8/5.
“Thị trường dầu có thắt chặt trong nửa sau của năm 2023 hay không sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào OPEC+, nhất là Nga”, chuyên gia Vivek Dhar của CBA nhận định. Trong khi đó, sản lượng khai thác dầu của Nga đang cho thấy sự ổn định hơn so với kỳ vọng.
“Sản lượng khai thác dầu và xuất khẩu dầu của Nga vẫn giữ ổn định cho dù nước này tuyên bố giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày”, ông Kang Wu, trưởng bộ phận phân tích nhu cầu dầu toàn cầu của S&P, phát biểu.
Theo chuyên gia Vishnu Varathan, đợt giảm gần đây của giá dầu có nhiều điểm tương đồng với đợt giảm hồi tháng 3 và dẫn tới việc thị trường rất quan tâm xem liệu OPEC+ có thực hiện đúng kế hoạch cắt giảm sản lượng đã công bố hay không.
Chuyên gia Wu của S&P cho rằng có một “sự bấp bênh lớn” về việc OPEC+ sẽ làm gì tiếp theo.
“Trừ phi OPEC+ nhận thấy sự huỷ diệt nhu cầu tiêu thụ dầu do nền kinh tế suy yếu hoặc do giá dầu tăng, có lẽ họ sẽ đợi thêm một thời gian để quyết định cần phải làm gì”, ông Wu nói.