September 16, 2024 | 16:19 GMT+7

Sau gần 3 năm động thổ, sân bay lớn nhất vùng Tây Bắc vẫn mỏi mắt tìm nhà đầu tư

Ánh Tuyết -

Sau gần 3 năm động thổ dự án Cảng hàng không Sa Pa với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, đến nay, dự án vẫn không có bất kỳ nhà đầu tư nào tham dự. Hiện UBND tỉnh Lào Cai đang xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án...

Trước đó, có 2 nhà đầu tư quan tâm dự án là Công ty TNHH Dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan Sa Pa (thuộc Tập đoàn Sun Group) và Công ty cổ phần Tập đoàn T&T.
Trước đó, có 2 nhà đầu tư quan tâm dự án là Công ty TNHH Dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan Sa Pa (thuộc Tập đoàn Sun Group) và Công ty cổ phần Tập đoàn T&T.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Thông báo số 72/TB - BKHĐT về kết luận cuộc họp của Hội đồng Thẩm định liên ngành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa (tỉnh Lào Cai) theo phương thức PPP.

VẮNG BÓNG NHÀ THẦU SAU 02 LẦN MỜI THẦU

Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1773/QĐ-TTg ngày 21/10/2021, với tổng mức đầu tư 6.948 tỷ đồng.  Sau khi đi vào sử dụng, cảng hàng không Sa Pa sẽ là sân bay lớn nhất Tây Bắc, có khả năng khai thác các loại máy bay như Aibus A320, A321...

Đến nay, tỉnh cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư cho giai đoạn 1 với tổng kinh phí là 420 tỷ đồng. Theo kế hoạch ban đầu, giai đoạn 1 của dự án khởi công vào năm 2023 song đến nay vẫn chưa được thực hiện do chưa tìm được nhà đầu tư.

Trong năm 2022, Sở Giao thông vận tải Lào Cai phát hành hồ sơ mời thầu 2 lần, đó là lần 1 từ ngày 21/5 đến ngày 25/7; lần 2 từ ngày 29/9 đến ngày 20/12. Cả hai lần phát hành hồ sơ đều không có nhà đầu tư dự thầu. Hiện UBND tỉnh Lào Cai đang xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Về việc không lựa chọn được nhà đầu tư, Hội đồng Thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Lào Cai tổng kết, rút kinh nghiệm về việc sau 02 lần mời thầu dự án không có nhà đầu tư tham dự để có phương án xử lý nếu phát sinh trường hợp tương tự trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư; đồng thời khảo sát thêm các nhà đầu tư quan tâm đến dự án. 

 

"Phân tích rõ lý do trước đây khi khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư có 02 nhà đầu tư quan tâm (Công ty TNHH dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan Sa Pa thuộc Tập đoàn SunGroup và Công ty cổ phần tập đoàn T&T), sau khi phát hành hồ sơ mời thầu lại không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu; trên cơ sở đó tổng kết kinh nghiệm về vấn đề này".

Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

"Phân tích sâu sắc hơn nữa mối quan hệ của việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước với việc không có nhà đầu tư tham dự thầu, trong khi đó đầu tư các dự án hàng không có tính chất rất đặc thù; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để làm rõ các điều kiện cần thiết, đảm bảo tính khả thi trong việc thu hút vốn đầu tư dự án", Hội đồng Thẩm định liên ngành yêu cầu.

Lý giải về việc không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, UBND tỉnh Lào Cai giải trình rằng việc đầu tư vào hạ tầng sân bay cần nguồn vốn rất lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn lại kéo dài nên nhiều nhà đầu tư còn e dè.

Đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như khó khăn trong lĩnh vực bất động sản nên sau 02 lần mời thầu dự án không có nhà đầu tư tham dự. Tuy nhiên, UBND tỉnh Lào Cai chưa tổng kết kinh nghiệm về vấn đề này để có phương án xử lý nếu phát sinh trường hợp tương tự trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư.

Vì vậy, lãnh đạo tỉnh UBND tỉnh Lào Cai đề xuất điều chỉnh tăng phần vốn nhà nước từ 39,29% lên 49,74% tổng mức đầu tư.

Nguyên nhân chính yếu dẫn đến việc chưa lựa chọn được nhà đầu tư ngoài nguyên nhân tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án còn thấp có thể còn có cả một số nguyên nhân khác chưa thực sự hấp dẫn như: dự kiến khung giá, phí, cơ chế bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu... ảnh hưởng đến tính khả thi dự án.

CẦN 44 NĂM THU HỒI VỐN, LOAY HOAY VAY VỐN TÍN DỤNG

Một trong những nội dung vẫn còn gây nhiều băn khoăn cho Hội đồng Thẩm định liên ngành khi tiến hành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án PPP đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa là hiệu quả đầu tư dự án.

Sau khi rà soát về các yếu tố đầu vào, thời gian hoàn vốn dự án dự kiến rất dài là 43 năm, 11 tháng, khó thu hút vốn từ các ngân hàng thương mại.

Thực tế, qua khảo sát thực tế tại một số dự án giao thông hiện nay đầu tư theo hình BOT, trong các năm đầu, nhà đầu tư các dự án này phải tìm các phương án bù đắp từ nguồn vốn tự có khác như dự án đường nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa, dự án Cảng hàng không Vân Đồn...

Đây hiện tại là trở ngại lớn nhất đối với việc huy động nguồn vốn tín dụng. UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh tiếp tục nghiên cứu, hoạch định các nguồn vốn huy động (vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp...) làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) nghiên cứu, tính toán phương án tín dụng đầu tư của Nhà nước để dự án tăng thêm sự quan tâm, thu hút các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng.

Cùng với đó, việc dự báo nhu cầu vận tải chưa đủ cơ sở thuyết phục. Hội đồng Thẩm định liên ngành cho rằng tỉnh chưa điều tra khảo sát, phân tích, đánh giá về số hành khách đi và đến từ các đường bay dự kiến khác nhau dẫn đến chưa dự báo được số lượng hành khách sẽ đi và đến cảng hàng không Sa Pa.

"Chưa có sự thuận tiện khi vị trí cảng hàng không cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 80km, phân lưu với các tuyến đường cao tốc, đường sắt kết nối tỉnh Lào Cai với các địa phương", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Đáng quan tâm, Cảng hàng không Lai Châu theo quy hoạch số 648/QĐ-TTg được duyệt đến năm 2030 là 0,5 triệu hành khách/năm, đến năm 2050 là 1,5 triệu hành khách/năm (cấp 3C), sau khi dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên hoàn thành năm 2026 sẽ chia sẻ lưu lượng hành khách với cảng hàng không Sa Pa.

Ngoài ra, phương pháp dự báo tăng trưởng nhu cầu vận chuyển hàng không dân dụng được tư vấn sử dụng trong hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án là phương pháp xét đoán chuyên gia, không được tính toán trên cơ sở căn cứ khoa học.

Căn cứ hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án được UBND tỉnh Lào Cai giải trình bổ sung, hoàn thiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao Vụ Phát triển hạ tầng và Đô thị khẩn trương hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án, gửi xin ý kiến biểu quyết của các thành viên Hội đồng Thẩm định liên ngành.

Trên cơ sở biểu quyết của các thành viên Hội đồng Thẩm định liên ngành, hoàn thiện báo cáo kết quả thẩm định trình Chủ tịch Hội đồng xem xét, ký gửi UBND tỉnh Lào Cai hoàn thiện báo cáo, để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate