Báo cáo của Bộ Tài chính tại hội nghị cho thấy, đến cuối năm 2021, tổng mức huy động vốn trên thị trường vốn đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng. Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP, gấp đến 3,5 lần quy mô năm 2015.
THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH PHẢI LÀ KÊNH DẪN VỐN DÀI HẠN
Trong đó, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP, tăng 3,37% so với cuối năm 2021 với 1.651 chứng khoán đang niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Các tiêu chuẩn và thông lệ về quản trị công ty đang từng bước cải tiến và áp dụng giúp nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết.
Quy mô thị trường trái phiếu năm 2021 đạt 39,7% GDP. Trong đó, khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ đạt trên 318.000 tỷ đồng năm 2021, nâng quy mô thị trường đạt 22,7% GDP và khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt kỷ lục trên 636.000 tỷ đồng, với dư nợ đạt 14,2% GDP.
Phát biểu tại hội nghị, ông Zafer Mustafaeglu, Giám đốc khối nghiệp vụ về tài chính, năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo, khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định những thành công và thành tựu đạt được trong phát triển các thị trường vốn Việt Nam tạo ra một khu vực tài chính đa dạng và giảm sự phụ thuộc quá mức vào khu vực ngân hàng để cung cấp kênh dẫn vốn dài hạn phục vụ phát triển.
“Việt Nam đang bắt kịp các quốc gia trong khu vực về quy mô thị trường. Đây là bằng chứng rõ ràng về những nỗ lực liên tục của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường thuận lợi cho thị trường, bao gồm thông qua các định hướng chính sách, quy định và rất nhiều diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức và sự đồng thuận về phát triển thị trường”, ông Zafer Mustafaeglu đánh giá.
Với khát vọng trở thành quốc gia thu nhập trung bình ở ngưỡng cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam có thể kỳ vọng chất lượng và chiều sâu của khu vực tài chính của quốc gia ít nhất cũng phải ngang bằng với các quốc gia so sánh.
Quy mô thị trường của Việt Nam quá lớn để ở lại thị trường cận biên (Frontier). Thị trường cổ phiếu của Việt Nam có trọng số trên 30% trong chỉ số thị trường cận biên toàn cầu của MSCI, đây là trọng số lớn nhất, tiếp theo là Maroc với 10%. “Việt Nam giống như võ sĩ hạng trung nhưng vẫn đang tham gia thi đấu trong nhóm hạng nhẹ”, ông Zafer Mustafaeglu ví von.
Vì vậy, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực nâng cấp lên thị trường mới nổi (EM).
Điều đó không chỉ đem lại cải thiện về chất lượng mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế thứ hạng lớn đến Việt Nam.
Chẳng hạn, trên thị trường cổ phiếu, việc nâng cấp thành thị trường mới nổi có thể đem lại thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp cho Việt Nam, trong đó, riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2-5 tỷ USD.
Tuy nhiên, cùng sự lớn mạnh của thị trường vốn, hàng loạt vụ án rúng động trong thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp chính thức bị phanh phui những tháng đầu năm 2022 khiến thị trường bất ổn, khiến không ít nhà đầu tư mất bình tĩnh.
Chia sẻ nguyên nhân gây ra những vụ việc gây bất ổn thị trường tài chính vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, tiếp tục phát sinh rủi ro do có các nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp.
Một số trường hợp có hành vi gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Bên cạnh đó, tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế; một số doanh nghiệp có mục đích sử dụng vốn không đúng với thông tin công bố.
Mặc dù triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu các tổ chức kinh doanh chứng khoán, chất lượng hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường còn chưa đồng đều, còn xảy ra các hành vi tiêu cực. Một số tổ chức kiểm toán, tổ chức thẩm định giá năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng các chuẩn mực nghề nghiệp. Nhiều tổ chức đại lý phát hành, tổ chức phân phối trái phiếu doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng pháp luật.
KHÔNG SIẾT QUÁ CHẶT, CẢN TRỞ THỊ TRƯỜNG PHÁT TRIỂN
PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng việc xử lý tiêu cực trên thị trường tuy được đánh giá là chậm nhưng chúng ta làm nhanh, quyết liệt, tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Để tiếp tục phát triển thị trường vốn một cách an toàn, minh bạch, hiệu quả và bền vững, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân kiến nghị, về thị trường cổ phiếu, phải kịp thời phát hiện và xử lý ngay và nghiêm đối với tất cả các vi phạm trên thị trường chứng khoán ở tất cả các mặt. “Chúng ta cần xây dựng các tiêu chí, kiểm tra ngay các biến động bất thường của các cổ phiếu có dấu hiệu thao túng trong thời gian sớm nhất”, ông Ngân nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn định chế tài chính quốc tế, đại diện WB đưa ra gợi ý về 6 “con mắt”, được coi như 6 vấn đề tạo nền tảng vững chắc giúp thị trường vốn hoạt động hiệu quả.
Thứ nhất, thể chế. Sau khi chính sách, quy định được ban hành, việc giám sát và thực thi hiệu quả chính là chìa khóa. Quy định không nên quá chặt chẽ làm cản trở sự phát triển của thị trường, nhưng cũng không nên quá lỏng lẻo để những cá nhân xấu và tác nhân xấu trên thị trường lợi dụng trục lợi một cách không công bằng.
Thứ hai, hạ tầng giúp giao dịch và thanh toán hiệu quả và an toàn, đồng thời, khiến cho thị trường trở nên minh bạch hơn và là điều kiện cần để thị trường hoạt động hiệu quả. Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tổ chức đánh giá định mức tín nhiệm là một phần quan trọng của hạ tầng thông tin.
Thứ ba, đối với bên phát hành, chính sách cần tạo thuận tiện cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, dù lớn dù nhỏ, là doanh nghiệp nhà nước hay dân doanh, là công ty đại chúng hay tư nhân, đều có thể huy động vốn trên thị trường vốn thông qua các kênh phù hợp, một cách lành mạnh, an toàn, hiệu quả.
Thứ tư, nhà đầu tư chính là “máu” đưa ô-xy đến các bộ phận của thị trường. Bảo vệ nhà đầu tư là ưu tiên hàng đầu trong các quy định về chứng khoán. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần được giáo dục về thị trường.
Tuy nhiên, cũng nên ghi nhận rằng không phải tất cả các loại chứng khoán đều phù hợp với mọi nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư cá nhân. Một số loại chứng khoán, ví dụ như trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, cần được duy trì trong thị trường chuyên nghiệp hoặc đòi hỏi trình độ cao hơn.
Định nghĩa về nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể được thắt chặt, để ngăn ngừa các nhà đầu tư thiếu kiến thức và kỹ năng phân tích mua chứng khoán mà thực sự không phù hợp. Thông thường các quỹ đầu tư hoặc quy tín thác, có vai trò hữu ích để tập hợp các khoản tiết kiệm và đầu tư một cách chuyên nghiệp.
Thứ năm, liên quan đến các tổ chức trung gian, đòi hỏi phải được cấp phép và giám sát chặt chẽ. Các tổ chức trung gian khác nhau có vai trò khác nhau. Chẳng hạn, môi giới chứng khoán không được nhận tiền gửi kỳ hạn, đại diện bán của ngân hàng không thể bán chứng khoán (cổ phiếu hoặc trái phiếu) cho khách hàng. Những người này phải được cấp phép hành nghề, phải tuân thủ chuẩn mực hành vi tốt và chịu trách nhiệm giải trình về bất kỳ sai phạm nào.
Thứ sáu, công cụ. Hiểu được các công cụ khác nhau là chìa khóa để ban hành chính sách. Trên thị trường chào bán đại chúng, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục hài hòa quy trình phê duyệt phát hành và niêm yết trái phiếu, thủ tục nhanh hơn.
Đồng thời, nên khuyến khích các doanh nghiệp tốt tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp đại chúng để tiếp cận mạng lưới các nhà đầu tư rộng hơn. Liên quan đến chính sách về thị trường phát hành riêng lẻ, nhu cầu đặt ra là cần thắt chặt các quy tắc về nhà đầu tư chuyên nghiệp, sao cho không hạn chế các doanh nghiệp tham gia.
"Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát khi phát hiện những sai phạm, xử lý mạnh tay, dứt khoát, đồng thời công bố thông tin đại chứng để mọi nhà đầu tư được biết, không né tránh.
Phạt tiền gấp nhiều lần lợi nhuận có được từ việc làm giá và cần sửa Nghị định 156/CP ngày 31/12/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, điều này sẽ tạo thêm các hàng hoá có chất lượng ở trên thị trường. Mặt khác, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ‘không nên hình sự hoá các quan hệ dân sự, các hoạt động kinh tế”.
"Với những nhiễu loạn hiện nay trên thị trường, WB cho rằng thị trường Việt Nam còn tương đối non trẻ, không nên có phản ứng quá mức gây hạn chế cho sự phát triển trong dài hạn.
Việt Nam cũng nên cam kết đẩy nhanh lộ trình nâng cấp thành thị trường mới nổi. Điều này có nghĩa là Việt Nam cần mở hơn nữa với các nhà đầu tư gián tiếp trên quốc tế, đồng thời nâng cao chất lượng thị trường.
Việt Nam có thể cân nhắc các biện pháp làm tăng nguồn cung chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường sâu hơn, đa dạng hơn, sẽ làm giảm cơ hội thao túng và trục lợi”.