Bà Ika Krishnayanti còn nhớ như in lần cuối cùng những trận cháy lớn quét qua Indonesia năm 2015. Những vụ cháy này sau đó được cho có liên quan tới hơn 100.000 ca tử vong sớm trên khắp Indonesia - cũng như các nước láng giềng Malaysia và Singapore - do khói mù bao phủ toàn khu vực.
Góp phần vào những đám cháy này là hiện tượng thời tiết được gọi là El Nino, thường kéo dài vào mùa khô ở Indonesia, làm thay đổi mưa mùa và đang càng trở nên tồi tệ hơn khi trái đốt nóng lên và biến đổi khí hậu.
“Những đám cháy như vậy gây thiệt hại rất lớn cho Indonesia và người nông dân”, bà Krishnayanti, một nông dân và cũng là một cán bộ về quan hệ quốc tế của Hiệp hội Nông dân Indonesia, cho biết. “Năm nay, nếu El Nino xảy ra, Indonesia cần chuẩn bị hết sức kỹ càng bởi nó có thể một lần nữa gây nguy hiểm cho rừng và người nông dân”.
EL NINO TRỞ LẠI VÀO NĂM 2023
Trong 3 năm qua, hiện tượng ngược lại với El Nino thường làm nhiệt độ toàn cầu giảm nhẹ, được gọi là La Nina, đã xảy ra. Tuy nhiên, các nhà khoa học về khí hậu dự báo El Nino sẽ trở lại vào năm 2023, gây ra thời tiết nóng và khô dễ cháy.
Các nhà khí tượng học đã cảnh báo về nhiệt độ tăng cao kỷ lục trên khắp châu Á trong năm nay, đẩy khu vực này rơi vào tình trạng ngột ngạt do các đợt nắng nóng tàn khốc. Khu vực cũng được báo có thể đối mặt với một tương lai “nóng đến mức khó xử lý”.
Tháng trước, tại nhiều khu vực của Thái Lan, nhiệt độ đã lên tới mức 50 độ C. Còn ở Ấn Độ, ít nhất 13 người đã chết vì say nắng và hàng chục ngườ khác phải nhập viện khi nhiệt độ lên tới gần 45 độ tại một lễ trao giải tổ chức gần Mumbai vào giữa tháng 4. Tại Trung Quốc, gần một năm kể từ đợt nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng năm 2022, hơn 100 trạm thời tiết đã đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong tháng trước.
Trên toàn cầu, 8 năm qua là giai đoạn nóng nhất từng được ghi nhận. Các sự kiện thời tiết khắc nghiệt đang trở nên phổ biến hơn. Giới chuyên gia cảnh báo rằng tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng cũng như những hiện tượng tương tự sẽ chỉ tăng nhanh khi biến đổi khí hậu tiếp tục xảy ra.
“Tháng trước là tháng 4 nóng nhất trong lịch sử ở châu Á”, Tiến sĩ Wang Jingyu, trợ lý giáo sư tại Viện Giáo dục Quốc gia ở Singapore và là người nghiên cứu mô hình khí hậu cũng như tương tác đất-khí quyển, nhận xét.
Ông cho rằng nắng nóng kỷ lục này là do hiện tượng El Nino sắp quay trở lại cùng những tác động của nó, bao gòm lượng mưa giảm và nhiệt độ tăng.
Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên hợp quốc (UN) tuần trước dự báo rằng khả năng El Nino trở lại vào tháng 10 năm nay là 80%, còn khả năng trở lại sớm nhất vào tháng 7 là 60%.
Tháng trước, một cậu bé 11 tuổi ở Malaysia đã chết vì say nắng và mất nước giữa lúc nhiệt độ tại một số khu vực ở nước này tăng vột lên 40 độ. Ngoài ra, ít nhất 5 người khác đã cần phải điều trị y tế.
Cũng trong tháng 4, thành phố cao nguyên Luang Prabang của Lào ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục 42,7 độ C, còn nhiệt độ ở Myanmar có nơi lên tới khoảng 45 độ C.
Tại Bangladesh, truyền thông đưa tin về mặt đường chảy nhựa dưới cái nóng thiêu đốt tại thủ đô Dhaka. Ở Ấn Độ, Chính phủ đã đóng cửa các trường học, còn các bộ trường kêu gọi học sinh ở trong nhà để tránh đau đầu và mệt mỏi vì nắng nóng.
“Sóng nhiệt ở mức độ này không thể chỉ bắt nguồn từ El Nino”, ông Benjamin Horton, giám đốc Đài quan sát Trái đất Singapore tại Đại học Công nghệ Nanyang, nhận định. “Vẫn còn những nguyên nhân khác nữa. Trái đất đang ngày càng nóng lên với độ ẩm trong khí quyển cao hơn đáng kể".
Theo ông, các chu kỳ khí hậu dao động tự nhiên không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra “số lượng các sự kiện thời tiết khắc nghiệt kỷ lục gần đây”.
Các hoạt động của con người, bao gồm đốt nhiên liệu hóa thạch, phá rừng và thay đổi trong trong cách sử dụng đất đã thúc đẩy cuộc khủng hoảng khí hậu bằng cách giải phóng lượng khí nhà kính ngày càng lớn vào khí quyển, khiến Trái Đất nóng lên.
Lượng khí thải nhà kính toàn cầu tiếp tục tăng trong năm 2022 bất chấp cảnh báo từ UN rằng lượng khí thải này phải đạt đỉnh vào năm 2025 để tránh gây ra thảm họa - và nhiệt độ hiện đang ở mức cao hơn ít nhất 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
“Nắng nóng kỷ lục đã gây gián đoạn hoạt động canh tác, gây ra tình trạng khó khăn cho xã hội và dẫn đến mức tiêu thụ năng lượng tăng cao”, ông Horton nói.
CẦN CÓ KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CHỐNG SÓNG NHIỆT
Theo thống kê của Tổ chức Khí tượng Thế giới, trong giai đoạn từ năm 1992-2020, gần 26.000 người đã chết trong các đợt nắng nóng trên khắp Ấn Độ. Những năm gần đây đã chứng kiến sự gia tăng về tần suất, thời gian và cường độ của các đợt nắng nóng, thường xảy ra ở nước này từ tháng 3-7.
Năm nay, cơ quan dự báo thời tiết của Ấn Độ dự báo nhiệt độ và sóng nhiệt ở trên mức bình quân sẽ kéo dài tới hết tháng 7. Khả năng nhiệt độ tăng cao hơn nữa do El Nino cũng có thể xảy ra.
Tuy nhiên, nhiều người đân tại Ấn Độ, bao gồm cả các quan chức, vẫn thiếu kiến thức về cách thức ứng phó tốt nhất với nắng nóng khắc nghiệt, trong khi dữ liệu về tử vong liên quan tới nắng nóng vẫn còn ít.
“Bộ Y tế cũng như cơ quan ứng phó thảm họa của Ấn Độ đã không tính toán kỹ về những tác động có thể xảy ra với người dân nếu tình trạng nắng nóng trở nên tồi tệ hơn trong năm nay”, ông Dileep Mavalankar, giám đốc Viện Y tế công Gandhinagar có trụ sở tại Gujarat, Ấn Độ, nhận xét. “Nếu El Nino làm gián đoạn mùa gió mùa ở Ấn Độ, thì tình trạng thiếu mưa sẽ xảy ra và điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp và trồng trọt, kéo theo hệ của cả nền kinh tế”.
Từng là người đứng sau kế hoạch hành động ứng phó với nắng nóng đầu tiên cho một thành phố ở Ấn Độ sau khi có 800 người chết vì một tuần siêu nóng ở Ahmedabad năm 2020, ông Mavalankar cho rằng giáo dục cho cộng đồng là việc hết sức quan trọng.
Kế hoạch của ông cho Ahmedabad bao gồm các giải pháp đơn giản như hướng dẫn người dân phải làm gì khi nhiệt độ tăng cao và chuẩn bị hệ thống y tế để ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về nhiệt. Kế hoạch này đã giúp giảm 30-40% tổng số ca tử vong trong các đợt nắng nóng cao điểm ở thành phố này.
Nỗ lực triển khai các kế hoạch này đã được thực hiện tại nhiều thành phố tại Ấn Độ. Tuy nhiên, hiện tại, những mối quan ngại cấp bách hơn như lạm phát cao và mất an ninh lương thực được ưu tiên hơn. Theo ông Mavalankar, điều này có thể gây ra thảm họa cho đất nước hơn 1,4 tỷ dân.