Nga sẽ lại một lần nữa cắt giảm dòng chảy khí đốt cung cấp cho châu Âu. Tuyên bố này được đưa ra đúng vào lúc xuất hiện những tia hy vọng rằng sức ép kinh tế sẽ giảm bớt trong tuần này khi hoạt động xuất khẩu ngũ cốc trên Biển Đen được nối lại.
Liên hiệp quốc nói rằng những chuyến tàu chở ngũ cốc đầu tiên từ Ukraine đang chuẩn bị lên đường sau khi các bên ký kết một thoả thuận vào hôm thứ Sáu – theo tin từ Reuters - bất chấp vào cuối tuần vừa rồi, Nga có một cuộc không kích nhằm vào cảng Odessa của Ukraine.
Giá năng lượng tăng vọt và nạn đói đe doạ hàng triệu người ở các quốc gia nghèo đã cho thấy cuộc xung đột vũ trang lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã có ảnh hưởng không chỉ gói gọn ở Ukraine. Nổ ra từ cuối tháng 2, cuộc chiến này đến nay đã bước sang tháng thứ 6.
Việc thiếu khí đốt có thể đẩy kinh tế Đức rơi vào suy thoái và gây “đau ví” cho người tiêu dùng vốn dĩ đang vất vả vì sự leo thang của lạm phát. Nga thì nói mình chẳng có lợi lộc gì trong việc dừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Trong tháng 7 này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo phương Tây rằng các biện pháp trừng phạt mà họ áp lên Moscow nhằm đáp trả cuộc chiến tranh Nga-Ukraine có nguy cơ khién cho giá năng lượng toàn cầu tăng mạnh hơn nữa.
Hãng khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga ngày 25/7 nêu chỉ dẫn của cơ quan giám sát ngành năng lượng Nga, nói rằng dòng chảy khí đốt Nga tới Đức qua đường ống Nord Stream 1 sẽ giảm còn 33 triệu mét khối mỗi ngày kể từ ngày thứ Tư tuần này. Lượng khí đốt này chỉ bằng một nửa so với dòng chảy hiện tại, mà mức cung cấp hiện tại chỉ bằng 40% công suất bình thường của đường ống.
Trước chiến tranh, năng lượng nhập khẩu từ Nga đáp ứng 40% nhu cầu khí đốt và 30% nhu cầu dầu của Đức.
Điện Kremlin giải thích rằng việc giảm cung cấp khí đốt sắp tới là do những vấn đề về bảo trì đường ống và lệnh trừng phạt của phương Tây. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) từ lâu đã cáo buộc Moscow dùng năng lượng để “tống tiền” - một cáo buộc mà phía Nga phủ nhận.
Đức nói nước này nhận thấy không có lý do kỹ thuật nào cho cho động thái giảm cung cấp khí đốt mới nhất của Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cảnh báo rằng Nga đang mở một “cuộc chiến khí đốt công khai” nhằm vào châu Âu.
Từ trước khi Gazprom đưa ra tuyên bố ngày 25/7, các chính trị gia ở châu Âu từ lâu đã cảnh báo rằng Nga có thể cắt giảm cung cấp khí đốt trong mùa đông năm nay. Việc thiếu khí đốt có thể đẩy kinh tế Đức rơi vào suy thoái và gây “đau ví” cho người tiêu dùng vốn dĩ đang vất vả vì sự leo thang của lạm phát.
Nga thì nói mình chẳng có lợi lộc gì trong việc dừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Lại nói về xuất khẩu ngũ cốc, trước khi xảy ra chiến tranh, Nga và Ukraine chiếm gần 1/3 xuất khẩu lúa mì toàn cầu. Hôm thứ Sáu, giới chức Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên hiệp quốc nhất trí sẽ không có thêm cuộc tấn công nào nhằm vào tàu chở hàng từ Biển Đen tới eo Bosphorus ở Thổ Nhĩ Kỳ và đi tới các thị trường.
Nói về cuộc không kích hôm thứ Bảy, Nga bác bỏ những lo ngại cho rằng thoả thuận xuất khẩu ngũ cốc có thể bị phá hỏng. Moscow nói quân Nga chỉ nhằm vào hạ tầng quân sự. Nhà Trắng nói cuộc không kích này khiến Nga mất uy tín và đang theo dõi xem liệu Nga có thực hiện đúng các cam kết không.
Xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine qua các cảng biển trên Biển Đen đã bị ngưng trệ kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine hôm 24/2. Moscow cáo buộc các biện pháp trừng của phương Tây là nguyên nhân khiến hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga bị ngưng trệ, đồng thời cáo buộc Ukraine gài mìn khắp các lối vào cảng biển Nga.
Phát biểu trong chuyến công du châu Phi, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavro ngày 25/7 nói rằng chẳng có trở ngại nào đối với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine và thoả thuận chẳng có nội dung nào ngăn Moscow tấn công hạ tầng quân sự Ukraine.
Điện Kremlin cũng nói Liên hiệp quốc cần đảm bảo dỡ các hạn chế đối với xuất khẩu phân bón và các mặt hàng khác của Nga, thì thoả thuận về xuất khẩu ngũ cốc Ukraine mới có thể được thực thi đầy đủ.