December 24, 2021 | 09:21 GMT+7

Sau thuốc của Pfizer, FDA phê duyệt thêm thuốc đặc trị Covid của Merck

An Huy -

Cùng với thuốc Paxlovid của Pfizer, thuốc Molnupiravir của Merck sẽ là công cụ quan trọng để chống lại sự lây lan chóng mặt của Omircon...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Liên bang Mỹ (FDA) ngày 23/12 phê duyệt thuốc viên uống đặc trị Covid-19 của hãng dược Merck để dùng cho một số đối tượng bệnh nhân nguy cơ cao là người trưởng thành. Trước đó một ngày, FDA đã phê duyệt thuốc đặc trị Covid dạng viên dùng đường uống của hãng Pfizer.

Theo tin từ Reuters, FDA nói rằng thuốc của Merck có thể được sử dụng khi các phương pháp điều trị khác không có hoặc không phù hợp về mặt lâm sàng.

Thuốc có tên Molnupiravir, được Merck đồng phát triển với Ridgeback Biotherapeutics, đã cho thấy khả năng giảm 30% nguy cơ nhập viện và tử vong trên thử nghiệm lâm sàng ở những bệnh nhân Covid nguy cơ cao trong giai đoạn đầu mắc bệnh.

Sự phê chuẩn của FDA cho phép sử dụng thuốc Molnupiravir để điều trị Covid thể nhẹ đến vừa. Cùng với thuốc Paxlovid của Pfizer, thuốc của Merck sẽ là công cụ quan trọng để chống lại sự lây lan chóng mặt của Omircon, biến chủng hiện đã trở thành chủ đạo ở Mỹ.

Thuốc Paxlovid được FDA phê duyệt hôm 22/12 để dùng cho bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên. Thử nghiệm lâm sàng cho thấy thuốc này mang lại hiệu quả gần 90% trong việc ngăn khả năng nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân có nguy cơ cao chuyển nặng.

FDA cho biết một số bệnh nhân nên tránh dùng Paxlovid, vì thuốc này chứa một chất kháng virus thế hệ cũ hơn có tên ritonavir được biết đến có tương tác với một số thuốc kê đơn khác. Thuốc này cũng không được khuyến nghị dùng cho những người bị bệnh thận nặng.

Paxlovid bao gồm nirmatrelvir, ức chế một protein SARS-CoV-2 để ngăn virus nhân lên và ritonavir làm chậm sự phân hủy của nirmatrelvir giúp thuốc tồn tại trong cơ thể lâu hơn và ở nồng độ cao hơn. Paxlovid được dùng dưới dạng ba viên (hai viên nirmatrelvir và một viên ritonavir), uống cùng nhau hai lần mỗi ngày trong năm ngày, tổng cộng là 30 viên. Paxlovid không được phép sử dụng lâu hơn năm ngày liên tục.

Merck dự kiến sẽ giao hàng trăm nghìn liệu trình thuốc đặc trị Covid cho Chính phủ Mỹ trong vài ngày tới đây và sẽ giao 1 triệu liệu sau vài tuần. Pfizer dự kiến giao khoảng 250.000 liệu trình trong tháng tới.

Thuốc đặc trị Covid-19 có tên Molnupiravir của Merck - Ảnh: Merck/Reuters.
Thuốc đặc trị Covid-19 có tên Molnupiravir của Merck - Ảnh: Merck/Reuters.

Thử nghiệm cho thấy thuốc của Merck có hiệu quả thấp hơn, nhưng hãng nói thuốc của hãng có lợi thế so với thuốc của Pfizer.

“Thuốc của chúng tôi không phải cần đến một hoạt chất thứ hai để tăng hiệu quả, và có thể dùng cho nhiều đối tượng bệnh nhân khác nhau, bao gồm cả những người có vấn đề về chức năng gan hay thận”, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu lâm sàng về vaccine và bệnh truyền nhiễm của Merck, ông Nick Kartsonis, nói với Reuters.

Thuốc của Merck và Pfizer đều hoạt động theo cơ chế ngăn sự nhân đôi của virus. Thuốc của Merck làm việc này bằng cách đưa lỗi vào mã gen của virus. Vì lý do này, một số chuyên gia lo ngại Molnupiravir có thể dẫn tới sự xuất hiện của những biến chủng Covid mới và ảnh hưởng đến sụn khớp và tăng trưởng của cơ thể. Bởi vậy, thuốc của Merck không được FDA phê duyệt để dùng cho người dưới 18 tuổi và phụ nữ có thai.

Thuốc Molnupiravir được uống 2 lần mỗi ngày, mỗi lần 4 viên, trong 5 ngày, đồng nghĩa một liệu trình gồm 40 viên. Theo thoả thuận của Merck với Chính phủ Mỹ, mỗi liệu trình có giá 700 USD và Washington đã đặt mua 5 triệu liệu trình.

Ngoài ra, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng đã đặt mua 10 triệu liệu trình thuốc đặc trị Covid của Pfizer, với giá 530 USD mỗi liệu trình.

Merck nói thuốc Molnupiravir có tác dungj đối với tất cả các biến chủng của Covid, bao gồm cả biến chủng mới Omicron.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate