Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách 88 doanh nghiệp Nhà nước sẽ thoái vốn năm nay.
Trong danh sách này có hàng loạt doanh nghiệp tên tuổi lớn gây sự chú ý của nhà đầu tư như Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) nhà nước sở hữu 36%; Tổng Công ty Sông Đà 99,79%; Tập đoàn Dệt may Việt Nam 53,49%; Nhựa Tiền Phong 37,10%; Nhựa Bình Minh; Công ty CP FPT…
Ở lĩnh vực thuỷ sản, dự kiến sẽ thoái vốn các doanh nghiệp gồm: Tổng công ty thuỷ sản Việt Nam; Công ty CP Xuất nhập khẩu thuỷ sản An Giang; Công ty CP Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo...
Lĩnh vực xây dựng gồm: Tổng Công ty Vật liệu Xây dựng số 1 - CTCP; Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam - CTCP; Tổng công ty Thăng Long; Tổng công ty tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam; Công ty CP Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Cần Thơ; Tổng công ty Licogi-CTCP cùng với hàng loạt các doanh nghiệp khác ở lĩnh vực giao thông, du lịch, bảo hiểm…
Lĩnh vực bảo hiểm gồm: Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (BMI) hiện nhà nước nắm giữ 50,7% vốn điều lệ và Tập đoàn Bảo Việt (BVH) 3,26%.
Với riêng lĩnh vực bảo hiểm, câu chuyện thoái vốn của BMI và BVH luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư bởi kỳ vọng một khi có cổ đông mới, các doanh nghiệp sẽ có động lực mới cải thiện hiệu quả hoạt động, cổ phiếu vì thế cũng được định giá ở mức hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, sóng tin đồn thoái vốn của BMI và BVH diễn ra từ năm nay sang năm khác nhưng việc thoái vốn vẫn gặp nhiều khó khăn. Hồi cuối tháng 4/2021, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Bảo Minh bà Vũ Thái Huyền cho biết SCIC vẫn chưa thể thoái vốn khỏi BMI do chưa có thông tư hướng dẫn cho Nghị định 140.
“Việc thoái vốn của SCIC tại BMI đã được thực hiện từ năm 2019. Tuy nhiên, tại thời điểm cuối năm 2020, khi mọi công tác thoái vốn đã dần được hoàn thành thì việc ra đời của Nghị định 140 nhưng chưa có thông tư hướng dẫn đã khiến hoạt động này bị gián đoạn. Hiện, Công ty vẫn đang theo sát Bộ Tài chính để chờ thông tư hướng dẫn được công bố”, bà Huyền cho biết.
Tương tự, tại BVH mặc dù nằm trong danh sách hoàn thiện thoái vốn trong năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa thoái vốn được.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, công tác thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước diễn ra khá chậm, không đạt được kế hoạch và mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa khá khăn do nhiều doanh nghiệp có tài sản đất đai, tài sản riêng khác nhau. Một số doanh nghiệp còn lúng túng trong quá trình thoái vốn, nhất là với các đơn vị có dự án thua lỗ, không có nhà đầu tư mua…