March 21, 2024 | 06:00 GMT+7

Sẽ đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận khi đủ điều kiện

Thanh Thủy -

Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy mô hoàn chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông, vận chuyển ngày càng cao…

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận đang được nghiên cứu đầu tư mở rộng - Ảnh minh họa
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận đang được nghiên cứu đầu tư mở rộng - Ảnh minh họa

Bộ Giao Thông Vận tải cho biết đã có văn bản phản hồi UBND tỉnh Tiền Giang trước kiến nghị khẩn trương xây dựng làn dừng khẩn cấp trên tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (hiện nay tuyến này không có làn dừng xe khẩn cấp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông).

Theo đánh giá của Bộ Giao Thông Vận tải, trong thời gian qua, nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và đầu tư phát triển đường bộ cao tốc nói riêng là rất lớn.

Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách hạn hẹp nên việc phân kỳ đầu tư là giải pháp phù hợp, vừa bảo đảm phù hợp quy hoạch, tiêu chuẩn thiết kế, nhu cầu vận tải giai đoạn trước mắt, vừa bảo đảm khả năng cân đối vốn và để sớm triển khai xây dựng được nhiều tuyến cao tốc, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 1) được triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan có thẩm quyền ký kết hợp đồng Dự án. Công trình Dự án đã được triển khai hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 4/2022 theo quy mô phân kỳ, giai đoạn 1 đầu tư và khai thác với 4 làn xe, có bố trí làn dừng xe khẩn cấp cách quãng.

“Việc đưa vào khai thác tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an ninh - quốc phòng, giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông”, Bộ Giao thông Vận tải cho biết.

Tuy nhiên, Bộ Giao Thông Vận tải cũng thừa nhận việc vận hành tuyến cao tốc có quy mô phân kỳ còn một số hạn chế như tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc giao thông trong trường hợp xảy ra sự cố nếu không xử lý kịp thời, tốc độ khai thác chưa cao...

Để khắc phục hạn chế trong vận hành, khai thác đường bộ cao tốc có quy mô phân kỳ, tăng cường an toàn giao thông, nâng cao hiệu quả các tuyến đường bộ cao tốc, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao Thông Vận tải đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương (TP.HCM, tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang) nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy mô hoàn chỉnh và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền khi đủ điều kiện.

Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương có tổng mức đầu tư hơn 9.884 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, được đưa vào khai thác từ năm 2010 và tổ chức thu phí từ năm 2011. Sau đó được bán quyền thu phí trong giai đoạn 2014 - 2018. Từ đầu năm 2019 tới nay, tuyến cao tốc này không thu phí.

Sau hơn 12 năm hoạt động, lưu lượng phương tiện trên tuyến đã đạt 50.000 lượt xe/ngày đêm, thường xuyên gặp ùn tắc và tai nạn giao thông. Ngoài ra, khả năng thông hành của tuyến cũng đã không còn đảm bảo, khi tốc độ lưu thông thực tế chỉ đạt 60 - 70km/h (so với thiết kế là 100 - 120 km/h).

Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận được đầu tư theo phương thức PPP (hợp đồng BOT) với tổng mức đầu tư hơn 12.600 tỷ đồng, đưa vào khai thác từ tháng 4/2022. Đường có quy mô dài 51,5km, bốn làn xe hạn chế (mỗi làn rộng 3,5m, không có làn dừng xe khẩn cấp liên tục, nền đường rộng 17m, mặt đường rộng 16m). Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận có tốc độ tối đa 80 km/h, tuy nhiên với các làn dừng khẩn cấp không liên tục, chỉ cần một sự cố va chạm đã đủ để tạo ra ùn tắc kéo dài.

Nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng cao, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương cần sớm mở rộng lên 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, với tốc độ thiết kế 120 km/h. Đối với tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận, cần tiến hành mở rộng trong giai đoạn 2 với 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 100km/h.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate