May 24, 2012 | 16:59 GMT+7

Sẽ dứt điểm câu chuyện lãi suất cơ bản?

Minh Đức

Qua ba nhiệm kỳ thống đốc, lần này câu chuyện lãi suất cơ bản hy vọng được kết thúc một cách dứt điểm

Bản thân việc “lật lại” lãi suất cơ bản cũng đã là sự chủ động trước một vấn đề phức tạp và nhạy cảm suốt thời gian qua.
Bản thân việc “lật lại” lãi suất cơ bản cũng đã là sự chủ động trước một vấn đề phức tạp và nhạy cảm suốt thời gian qua.
Qua ba nhiệm kỳ thống đốc, lần này câu chuyện lãi suất cơ bản hy vọng được kết thúc một cách dứt điểm.

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ xác định lại lãi suất cơ bản, đề xuất hướng xử lý phù hợp vấn đề này trong 6 tháng đầu năm 2012, tức chỉ còn hơn một tháng nữa.

Nói trước và thực hiện. Ông Bình đang cho thấy điều đó khi đảm nhiệm vị trí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từ tháng 8/2011. Bản thân việc “lật lại” lãi suất cơ bản cũng đã là sự chủ động trước một vấn đề phức tạp và nhạy cảm suốt thời gian qua.

Bảy năm “né” chưa xong

Gần bảy năm về trước, ngày 22/11/2006, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy lúc đó đã thay mặt Chính phủ có tờ trình số 15 đề nghị Thường vụ Quốc hội khóa 11 ra nghị quyết cho phép các tổ chức tín dụng không bị điều chỉnh bởi Điều 476 Bộ luật Dân sự (quy định mức lãi suất cho vay tối đa không vượt quá 150% lãi suất cơ bản).

Ba tháng sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có tờ trình với nội dung tương tự.

Đến nhiệm kỳ Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, ngày 23/3/2008, một tờ trình kiến nghị Thường vụ Quốc hội sửa luật, “né” Điều 476 của Bộ luật Dân sự đánh dấu sự tiếp tục của câu chuyện.

Một tháng sau, ngày 14/4/2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lại có tờ trình kiến nghị sửa Điều 476 theo hướng nâng trần lãi suất cho vay lên 250% lãi suất cơ bản…

Liên tiếp nhiều lần kiến nghị như vậy, tất cả đều không được chấp thuận. Và phía sau đó là sự lận đận của lãi suất cơ bản, gắn với lúc là một rào chắn sinh động trong hoạt động cho vay của các ngân hàng, lúc thì “sống một nửa” (cơ chế cho vay vừa thỏa thuận ở tín dụng tiêu dùng, vừa áp trần ở cho vay doanh nghiệp), rồi lúc thì bị bỏ rơi kéo dài.

Nhìn lại, điểm chung qua các lần kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước là muốn “né” một sự ràng buộc; bởi theo quy định của Điều 476 Bộ luật Dân sự, các nhà băng bị đặt vào tình thế pháp lý bất lợi khi xét về lãi suất cho vay, hoặc có sự bất cập giữa các quy định của pháp luật, hay Ngân hàng Nhà nước không trọn vẹn ở nhiệm vụ chống cho vay nặng lãi.

Trong khi đó, việc xác định lại lãi suất cơ bản là một chìa khóa cho câu chuyện này. Đã có quá nhiều ý kiến tranh luận. Và đến nhiệm kỳ của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, vấn đề được đặt ra, hy vọng có kết quả.

“Điều kiện của Việt Nam”

Suốt bảy năm qua, đi cùng với sự phức tạp của câu chuyện là những nảy sinh trên thực tế. Dựng trần lãi suất, phá trần - vượt trần, bỏ trần, lách phí… Hay trong các dòng chảy thông tin phản ánh xuất hiện những cụm từ có lẽ chỉ có ở Việt Nam, như “đi đêm” lãi suất, “rút vào hoạt động bí mật”…

Việc điều hành lãi suất thường xuyên thay đổi gắn với thực tế như vậy, và được khoác chiếc áo mà người trong cuộc hay gọi là “linh hoạt” (cũng có thể xem là chiếc áo được vá bằng nhiều mảnh).

Phía sau những nảy sinh đó, nhà điều hành hẳn cũng mệt mỏi, doanh nghiệp và người dân vay vốn cũng mệt mỏi. Và nay, hy vọng câu chuyện sẽ có hồi kết một cách dứt điểm.

Hướng xử lý đang được Ngân hàng Nhà nước đặt ra: “Vừa đảm bảo có một mức lãi suất để xem xét việc cho vay nặng lãi trên thị trường phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, đồng thời vẫn đảm bảo được sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước”.

Cụ thể, cơ quan này sẽ tâp trung tham khảo thông lệ quốc tế và xác định lãi suất cơ bản trong điều kiện Việt Nam. Chưa nêu rõ, nhưng có thể định hình “điều kiện Việt Nam” chính là những yêu cầu chưa được xử lý ổn thỏa trong câu chuyện trên.

Thứ nhất, phải đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, tránh quy định tại Bộ luật Dân sự bị hở trên thực tế, cũng như đảm bảo yêu cầu chống cho vay nặng lãi trong Bộ luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010. Thứ hai, tạo được một hành lang để điều chỉnh hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại một cách hợp lý. Thứ ba, tạo được một công cụ linh hoạt và hiệu quả trong điều hành chính sách tiền tệ.

Đó là bài toán khó, nếu dễ thì chẳng dùng giằng mãi như vậy, ngoại trừ không muốn giải. Thời gian qua, một số chuyên gia cũng đã có đề xuất về giải pháp kết thúc câu chuyện này, theo hướng định nghĩa lại “lãi suất cơ bản”.

Còn câu trả lời từ Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm có, dự kiến chỉ trong hơn một tháng nữa thôi.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate