Theo đó, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu được miễn kiểm dịch.
Cụ thể, danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản miễn kiểm dịch gồm: Động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu thuộc diện ngoại giao; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu; sản phẩm động vật thủy sản làm hàng mẫu thử nghiệm; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu để trưng bày hội chợ, triển lãm; sản phẩm động vật thủy sản làm thực phẩm xuất khẩu bị triệu hồi hoặc trả về.
Thông tư mới quy định, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch gồm sản phẩm động vật thủy sản, bao gồm cả phôi, trứng, tinh dịch và ấu trùng của các loài thủy sản ở dạng tươi sống, ướp lạnh, đông lạnh; các đối tượng sản phẩm động vật thủy sản khác thuộc diện phải kiểm dịch theo yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc theo quy định của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập…
Việc ban hành quy định mới, qua đó bãi bỏ các quy định kiểm dịch có thể coi là tin mừng với các doanh nghiệp nhập khẩu, chế biến hải sản của Việt Nam.
Trước đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã nhiều lần lên tiếng cho rằng các doanh nghiệp thuỷ sản đang gặp bất cập lớn trong thực hiện thủ tục hành chính. Theo đó, cùng một hệ thống kiểm tra chuyên ngành nhưng quy định kiểm tra đối với hàng thuỷ sản xuất khẩu và hàng nhập khẩu lại khác nhau, khiến hoạt động của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.
Đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu, việc kiểm tra được áp dụng theo quy định “an toàn thực phẩm” (trừ một số sản phẩm tươi sống liên quan đến tôm, cá sang thị trường Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc…). Ngược lại, hàng nhập khẩu chủ yếu là sản phẩm chế biến đông lạnh, thực phẩm và được sử dụng làm nguồn nguyên liệu cho hàng xuất khẩu đều phải “kiểm dịch” hoặc đồng thời “kiểm dịch và “kiểm tra an toàn thực phẩm”.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản thông tin thêm, hiện có trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam (hơn 85% là chế biến đông lạnh) cũng chỉ áp dụng kiểm tra an toàn thực phẩm, nhưng Việt Nam lại đặt tên là kiểm dịch. Đã đến lúc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xem xét lại bản chất của hoạt động kiểm tra và quản lý rủi ro cho hoạt động này.