Theo kiến nghị của UBND tỉnh Thái Nguyên gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, gnafnh liên quan nâng cấp, mở rộng tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng (CT.07) qua địa bàn tỉnh, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, đầu tư mở rộng mặt đường trên phần dải phân cách giữa đoạn Hà Nội - Thái Nguyên để bảo đảm đoạn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe, mỗi bên gồm 3 làn xe (2 x 3,75 m); bề rộng dải an toàn phía lề đường (làn dừng xe khẩn cấp) 2 x 3 m.
Đầu tư nâng cấp đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, có bề rộng mặt đường mỗi bên gồm 2 làn xe (2 x 3,75 m); bề rộng dải an toàn phía lề đường (làn dừng xe khẩn cấp) 2 x 3 m.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải có văn bản trả lời với kiến nghị của UBND tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải thống nhất với kiến nghị của UBND tỉnh Thái Nguyên về sự cần thiết đầu tư, nâng cấp đoạn tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên theo quy mô quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng Trung du, miền núi phía Bắc.
Bộ Giao thông vận tải sẽ nghiên cứu rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư dự án trong trong thời gian tới và giao Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm chỉ đạo Vụ Kế hoạch - Đầu tư và các cơ quan, đơn vị có liên quan sớm triển khai hoàn thiện các thủ tục để triển khai thực hiện dự án.
Về đầu tư tuyến đường kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Lạng Sơn (thay thế Quốc lộ 1B), Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu bổ sung tuyến cao tốc Lạng Sơn - Thái Nguyên trong quá trình rà soát, điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch và nghiên cứu để triển khai trong giai đoạn 2026 -2030.
Trong quá trình rà soát định kỳ theo quy định của Luật Quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với các địa phương nghiên cứu, bổ sung phương án tuyến kết nối thuận lợi giữa Thái Nguyên - Lạng Sơn vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để có thể nghiên cứu đầu tư sớm tuyến đường, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên phối hợp với các tỉnh có tuyến liên kết vùng nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch tỉnh làm cơ sở huy động nguồn lực đầu tư.
Liên quan đến việc kết nối đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Thái Nguyên với hệ thống đường địa phương, Bộ Giao thông Vận tải giao Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan phối hợp với Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên rà soát, thống nhất xử lý các điểm nối để bảo đảm kết nối thuận lợi hệ thống đường địa phương với đường Hồ Chí Minh, đặc biệt kết nối thuận lợi với Khu di tích đặc biệt quốc gia ATK.