Trả lời chất vấn bằng văn bản của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã đưa ra nhiều thông tin lạc quan hơn về việc quản doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới đây.
Đại biểu Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) chất vấn, gần đây, bên cạnh việc làm ăn thua lỗ, tình trạng vốn, tài sản tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước bị thất thoát lớn, gây bức xúc trong cử tri. Với chức năng nhiệm vụ chủ trì giúp Chính phủ quản lý nhà nước về vốn, tài sản nhà nước, xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này và giải pháp khắc phục.
Ở văn bản trả lời, thừa nhận thực tế có một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ, làm thất thoát vốn nhà nước, Bộ trưởng Huệ đã nêu tên Vinashin, Vinalines và Tổng công ty xây dựng đường thủy Việt Nam làm dẫn chứng.
Bộ trưởng Huệ cũng cho biết, theo sự phân công của Chính phủ cơ quan này đã nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện trình Chính phủ các cơ chế, chính sách tài chính tăng cường quản lý, giám sát việc sử dụng vốn và tài sản nhà nước.
Một loạt nghị định và các quyết định liên quan đến lĩnh vực này đã được Bộ trưởng đề cập. Trong đó, đáng chú ý là quy chế giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Theo đó, quy chế này đảm bảo được yêu cầu quan trọng là qua kết quả giám sát sẽ đánh giá được thực trạng tài chính của doanh nghiệp nhà nước, những nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến rủi ro tài chính. Từ đó đưa ra được những cảnh báo từ phía cơ quan quản lý nhà nước, giúp chủ sở hữu nhà nước và bản thân doanh nghiệp có những hành động, giải pháp ngăn ngừa để đảm bảo tình hình tài chính của doanh nghiệp lành mạnh, hạn chế sự đổ vỡ.
Quy chế cũng quy định rõ thời gian, quy trình và nội dung báo cáo giám sát tài chính cụ thể đối với doanh nghiệp nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước, quy định riêng về giám sát tài chính đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, có dấu hiệu mất vốn nhà nước.
Đồng thời, dự thảo quy chế cũng nêu rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị, cơ quan được giao thực thi quyền chủ sỡ hữu nhà nước tại các doanh nghiệp và hội đồng thành viên/hội đồng quản trị; ban điều hành tại doanh nghiệp; hệ thống các chế tài xử phạt đối với từng chủ thể khi không hoàn thành nhiệm vụ giám sát tài chính doanh nghiệp; quy định công khai tình hình tài chính và báo cáo giám sát tài chính doanh nghiệp thường xuyên, minh bạch theo hướng như công ty đại chúng.
Dự thảo quy chế đã hoàn thiện và đã báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Huệ cho biết.
Đề xuất thành lập Tổng cục quản lý vốn và tài sản doanh nghiệp để đảm bảo mục tiêu quản lý, giám sát chặt chẽ, hiệu quả hơn đối với vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp cũng là một giải pháp được Bộ trưởng nêu tại văn bản trả lời chất vấn.
Giải pháp khác được Bộ trưởng cho biết tiếp là thành lập Tổng cục quản lý và giám sát tài chính doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính.
“Chia lửa”cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tại phiên chất vấn chiều 13/6 vừa qua về đòi hỏi bức thiết hoàn thiện cơ chế để quản doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Huệ cũng nhìn nhận, vai trò giám sát thực tế của tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hiện nay còn rất lỏng lẻo. Do đó trong quy chế giám sát sắp tới sẽ tham mưu cho Chính phủ tăng cường giám sát của cả 3 tầng.
Tầng thứ nhất là của bản thân các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước theo hướng phải tăng cường quy chế giám sát và kiểm toán nội bộ.
Tầng thứ hai là tầng vai trò của các chủ sở hữu, đề nghị giao cho các vụ kế hoạch tài vụ của các bộ quản lý chuyên ngành có một phòng hoặc bộ phận để quản lý, theo dõi giúp cho bộ trưởng quản lý chuyên ngành theo dõi tình hình tài chính và hiệu quả kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Tầng thứ ba là vai trò giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ được thể hiện trong quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, như đã nói ở trên.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate