Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng kinh tế - xã hội của Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020 phát triển khá toàn diện với diện mạo thay đổi nhanh, môi trường đầu tư được cải thiện. Đặc biệt, câu nói "Hà Nội không vội được đâu" đã ít được nhắc tới nữa.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm giải quyết các kiến nghị của Hà Nội. Từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã có nhiều cuộc làm việc trực tiếp với Hà Nội. Riêng Thủ tướng cùng các đồng chí Phó Thủ tướng có 4 cuộc làm việc về kinh tế - xã hội với Hà Nội, 4 lần dự Hội nghị xúc tiến đầu tư của thành phố. Bên cạnh đó còn có nhiều chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng tại đơn vị cơ sở về nhiều lĩnh vực khác nhau.
ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CẢ NƯỚC
Chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Nội liên tục thăng hạng, trở thành top 7 địa phương đứng đầu trong cả nước (tăng 17 bậc so với 2015). Chỉ số cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin thuộc nhóm đầu.
Về tình hình 3 tháng đầu năm 2021, sản xuất công nghiệp có bước khởi sắc. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 3 tháng đầu năm tăng 7,7% cao hơn so với cùng kỳ (quý I/2020 tăng 4,4%). Kim ngạch xuất khẩu hồi phục, đạt 3,12 tỷ USD; nhập khẩu gần 7 tỷ USD, tăng 4% (quý 1/2020 giảm 21,3%).
Tổng vốn đầu tư xã hội tăng, tăng 8,2% (quý 1/2020 tăng 5,2%). Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 765 doanh nghiệp (tăng 212% so với cùng kỳ). Tăng trưởng kinh tế của Hà Nội quý 1 đạt 5,17%, cao hơn mức bình quân cả nước.
Hà Nội được đánh giá thực hiện khá hiệu quả "mục tiêu kép". Trên 50.000 người từ Hải Dương về Hà Nội nhưng đã kiểm soát tốt, hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
"Chúng tôi hoan nghênh phong trào mới vì một Hà Nội đáng sống. Tôi vui mừng khi đọc bản tin nói rằng bãi rác Phúc Tân thành công viên xanh", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng, những tồn tại, hạn chế đã được thảo luận rất kỹ, rất sâu sắc trong các văn kiện và tại Đại hội của Đảng bộ.
"Tôi được biết các đồng chí đang rất quyết tâm, ra sức khắc phục, xử lý những hạn chế đó như về việc tạo các 'đột phá lớn' và tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thành phố; về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực, mũi nhọn của Thủ đô; về bảo tồn, khai thác, phát huy vai trò của văn hóa; về phát triển nhanh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo... Có thể nói là rất đầy đủ", Thủ tướng nhận xét.
MÔ HÌNH NÀO CHO HÀ NỘI ĐỂ THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG?
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng cũng cho ý kiến chỉ đạo đối với các kiến nghị của Hà Nội trên tinh thần tạo mọi điều kiện cho Thủ đô phát triển.
"Thời gian tới, Hà Nội cần tập trung và huy động của cả hệ thống chính trị và nhân dân để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17. Đi đầu thực hiện Nghị quyết 01, 02 năm 2021 của Chính phủ. Chuẩn bị tốt các công tác tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 15 và bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026", Thủ tướng chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần tiên phong thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng chống, dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược.
"Tp.HCM, Đà Nẵng đang xây dựng mô hình Trung tâm tài chính quốc tế, Hải Phòng có mô hình tăng trưởng mới, Tp.HCM có thành phố Thủ Đức mới, 'thành phố trong thành phố', vậy Hà Nội có mô hình nào để đóng góp vào sự tăng trưởng?", Thủ tướng đặt vấn đề. "Hà Nội cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số".
Về việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Thủ tướng cho biết, sẽ sớm có Nghị định về vấn đề này để thành phố Hà Nội triển khai thực hiện.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đề cập tới một số tồn tại của Hà Nội. Ví dụ, đến nay thành phố vẫn chưa trình Thủ tướng phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 hoặc tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu còn chậm. Quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ chưa đạt tiến độ. Công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai, đô thị, môi trường có lúc, có nơi chưa làm tốt.
Thống nhất về tầm nhìn, quan điểm phát triển Hà Nội, Thủ tướng nhấn mạnh nội dung phát triển Hà Nội là thành phố giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, thông minh và hội nhập; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam hài hòa với những giá trị văn hóa nhân loại tiến bộ, là một thành phố đáng sống. Hà Nội có dày đặc di sản vật thể và phi vật thể, nên cần có kế hoạch đầu tư tôn tạo, giữ gìn, đặc biệt khu Hoàng thành Thăng Long.
Người đứng đầu Chính phủ nhất trí quan điểm phát triển đối với Hà Nội là "xanh, sạch, bảo tồn và kỷ cương", xây dựng thành phố năng động và hội nhập, thành phố kiến tạo phát triển, môi trường kinh doanh thuận lợi, môi trường sống hướng đến các tiêu chuẩn OECD.