Sau khi Bộ Tài chính có tờ trình về điều chỉnh phí trước bạ đối với ôtô lên Chính phủ, nhiều ý kiến nhận định đây chính là bước đi đầu tiên cho xu hướng tăng các loại phí đối với ôtô.
Tại các cuộc trao đổi với báo giới, nhiều chuyên gia kinh tế và nhà quản lý cũng đã đánh giá sự ưu việt của các giải pháp về phí đăng ký, phí sử dụng ôtô so với giải pháp về thuế nhập khẩu trong mục tiêu hạn chế sử dụng ôtô, giảm sức ép lên hạ tầng giao thông.
Theo đó, thay vì tăng mạnh thuế nhập khẩu, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ có thể tăng mạnh ngay một số loại phí như trước bạ, bảo hiểm bắt buộc, phí cầu đường, đăng kiểm hay phí đánh vào tiêu chuẩn khí thải…
Trao đổi với báo giới bên lề kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XII vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng cho biết, hiện nay các nước trên thế giới đều áp dụng những quy định về phí đăng ký và phí sử dụng ôtô. Do đó, ở nhiều nước, thường thì giá ôtô của các nước rất thấp nhưng phí để ôtô lăn bánh được lại rất cao, cộng lại có khi tất cả những chi phí ấy còn cao hơn Việt Nam rất nhiều.
“Nếu chúng ta đánh thuế không thì cũng chưa xuôi về “đạo lý”. Điều nữa là khi có lộ trình rồi thì khi đi vào hội nhập, về lâu dài, thuế dần dần phải hạ xuống, giá phải đưa về một mặt bằng hợp lý. Vì vậy xu hướng tăng phí và giảm giá xe là hợp lý về lâu dài”, ông Ninh nói.
Cũng có ý kiến cho rằng việc thu các loại phí ôtô trong bối cảnh hiện nay là một việc làm không dễ thực hiện. Theo GS.TS Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), thì đối với việc thu các loại phí quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện thế nào.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng hiện Việt Nam vẫn đang tiến hành thu một số loại phí nên nếu tổ chức thực hiện chặt chẽ hơn, việc thu phí sẽ không khó. Bên cạnh đó, thực tế nhiều loại phí sử dụng ôtô đã có rồi, ví dụ như thuế trước bạ, bảo hiểm bắt buộc… nên vấn đề là tăng mức thu lên mà thôi.
“Vả lại, đây là việc trước sau gì cũng phải làm nên khó cũng phải thực hiện bằng được nếu ôtô vẫn được coi là hàng hóa đặc biệt, nếu hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn nghiêm trọng”, một chuyên gia nêu quan điểm.
Như vậy, xu hướng tăng các loại phí và mức phí đối với ôtô là hiện thực và đề xuất tăng phí trước bạ vừa qua có thể coi là một bước đi đầu tiên.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã đề nghị sửa đổi mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi (ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống, kể cả lái xe - là loại xe ôtô du lịch cá nhân sử dụng nhiều) từ 10% đến 15% và giao cho hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể tỷ lệ thu lệ phí trước bạ cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Đối với xe ôtô chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe ôtô tải và xe máy vẫn giữ nguyên tỷ lệ thu lệ phí trước bạ như hiện hành (xe ôtô chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên và xe ôtô tải là 2%; xe máy tại các thành phố, thị xã nơi UBND tỉnh đóng trụ sở là 5% khi đăng ký lần đầu, tại các địa bàn khác là 2% khi đăng ký lần đầu và 1% khi đăng ký từ lần thứ 2 trở đi). Đồng thời không giới hạn mức khống chế tối đa số tiền lệ phí trước bạ là 500 triệu đồng/tài sản đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi như đang áp dụng đối với các loại tài sản khác.
Theo nội dung tờ trình, dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung về phí trước bạ sẽ có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo để đảm bảo phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, ngay sau khi dự thảo nghị định được Chính phủ phê duyệt, các mức phí trước bạ mới sẽ sớm có hiệu lực.
* Hiện thị trường ôtô cả nhập khẩu lẫn lắp ráp trong nước đang gặp khó khăn sau các quyết định tăng thuế nhập khẩu của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, với đề xuất tăng phí trước bạ của Bộ Tài chính, nhiều ý kiến cho rằng có thể trong thời gian trước khi Chính phủ đồng ý với đề xuất này, lượng người mua ôtô sẽ tăng lên nhằm tránh mức phí trước bạ được cho là khá cao, đặc biệt là ở hai Hà Nội và Tp.HCM.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate