January 07, 2025 | 09:54 GMT+7

Sếp của Mirae Asset: Khi thị trường quá bi quan là lúc tích lũy cổ phiếu tốt

Tuệ Lâm -

Nhà đầu tư cần thận trọng khi thị trường trở nên quá lạc quan. Ngược lại, khi thị trường quá bi quan, đó là lúc để tích lũy cổ phiếu ở mức định giá thấp.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chứng khoán vẫn luôn là hàn thử biểu của nền kinh tế. Mặc dù không bật tăng mạnh trong năm 2024, nhưng nhờ vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra 7,09%, Vn-Index đã tăng 12,11% so với cuối năm trước, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu cũng tăng 20%, tương đương 70% GDP năm 2023. Thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những thị trường có mức tăng trưởng cao trong khu vực.

Nhận định về bối cảnh vĩ mô trong nước, thế giới và những tác động đến thị trường chứng khoán trong Talk show Phố Tài Chính mới đây, ông Kye Kyung Tae, Phụ trách kinh doanh toàn cầu của Tập đoàn Mirae Asset, cho rằng bước sang năm 2025, các nhà đầu tư toàn cầu đều hướng đến các chính sách của ông Trump sau khi lên nắm quyền lần 2.

Nhìn lại 2024 là một năm đầy thách thức do việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chậm hơn dự kiến và đồng USD mạnh hơn. Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng GDP mạnh mẽ, với lạm phát trong xu hướng giảm. Điều này giúp Mỹ thu hút được dòng vốn đầu tư gián tiếp đáng kể, trong khi nhiều thị trường khác chứng kiến việc khối ngoại rút ròng, trong đó có Việt Nam.

Theo ông Kye Kyung Tae, đồng USD có thể vẫn duy trì sức mạnh nhờ chiến lược “America First” và các chỉ số kinh tế của Mỹ vẫn tốt. Việc gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ có thể gây ra áp lực lạm phát và khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất chậm hơn dự kiến, đồng thời gia tăng áp lực lên tỷ giá.

Ở trong nước, Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% cho năm 2025, và tăng bình quân 7,5-8,5% cho giai đoạn 2026-2030. Đầu tư công là động lực tăng trưởng chính cho Việt Nam khi bên ngoài có nhiều thách thức. Chính phủ đã có kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng đến năm 2030, bao gồm 35 tỷ USD cho đường bộ, 16,5 tỷ USD cho sân bay, 13 tỷ USD cho cảng biển và 10 tỷ USD cho đường sắt.

Những kế hoạch này được hỗ trợ bởi dư địa tài khóa dồi dào. Trong số nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn đang triển khai, tiến độ xây dựng sân bay quốc tế Long Thành đặc biệt đáng chú ý. Việc sửa đổi Luật Đầu tư Công được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trong năm 2024. Việt Nam sẽ thúc đẩy đầu tư công trong năm 2025, với mục tiêu chi đầu tư và phát triển năm 2025 tăng 15,5% so với ước tính năm 2024 và tăng 16,7% so với kế hoạch năm 2024.

Các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu trên. Việc sửa đổi một số luật quan trọng vào cuối năm 2024, bao gồm Luật Các Tổ chức Tín dụng, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Đất đai, tạo ra tính minh bạch cho thị trường và tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản.

Ông Kye Kyung Tae, Phụ trách kinh doanh toàn cầu của Tập đoàn Mirae Asset.
Ông Kye Kyung Tae, Phụ trách kinh doanh toàn cầu của Tập đoàn Mirae Asset.

Tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 và 11 năm 2024, các dự thảo sửa đổi những luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư Công, Luật Điện lực, cùng với nghị quyết về đầu tư cơ sở hạ tầng đang được thảo luận sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tình hình kinh tế hiện nay.

Bên cạnh đó trong năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tín dụng năm 2025 dự kiến sẽ được thúc đẩy bởi việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và sự cải thiện hơn nữa của lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra, NHNN sẽ nỗ lực duy trì môi trường lãi suất hiện tại hỗ trợ hoạt động kinh doanh, nhờ vào lạm phát được kiểm soát tốt. Với những yếu tố này, yếu tố tiêu dùng, vốn chiếm 50-55% GDP, được kỳ vọng sẽ tăng tốc cùng với nền kinh tế.

Khả năng thu hút FDI và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ đối mặt với nhiều biến số từ chính sách mới của Mỹ. Ông Trump dự kiến có thể áp thuế nhập khẩu lên tới 20% và có thể lên tới 60% đối với hàng hóa của Trung Quốc, có thể tạo bức tranh sáng tối đan xen cho cho xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong thời gian tới. Song, điểm tích cực là thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ diễn ra vào năm ngoái sẽ giúp tăng cường hợp tác giữa hai nước.

Về lâu dài, Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn FDI trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, nhờ vậy Việt Nam có thể thể tận dụng lợi thế này để tăng tỷ trọng sản xuất hướng về xuất khẩu.

Về chiến lược đầu tư, theo ông Kye Kyung Tae, nhà đầu tư có thể cân nhắc các công ty được hưởng lợi trong bối cảnh lãi suất toàn cầu thấp hơn và quá trình đa dạng hoá chuỗi cung ứng toàn cầu được đẩy nhanh. Tuy nhiên, cần thận trọng khi thị trường trở nên quá lạc quan. Ngược lại, khi thị trường quá bi quan, đó là lúc để tích lũy cổ phiếu ở mức định giá thấp.

Phân tích lịch sử cho thấy thị trường Việt Nam đã trải qua 5 chu kỳ với tỷ lệ P/E dao động từ mức đáy 11 đến mức đỉnh trên 20 lần. Thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục tăng điểm kể từ khi tạo đáy vào tháng 11/2022. Hiện tại, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E là 14,8 lần, thấp hơn mức trung bình dài hạn là 17 lần, cho thấy mức định giá đang hấp dẫn.

Hơn nữa, lợi nhuận doanh nghiệp đang trên đà phục hồi, với dự báo tăng trưởng 16% trong năm 2025. Mức dự báo lạc quan này được hỗ trợ bởi môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi. Đầu tư công và tăng trưởng tín dụng dự kiến cũng sẽ tăng tốc. Đặc biệt, việc sớm thông qua ba luật liên quan đến bất động sản vào tháng 8/2024 đã mở đường cho sự phục hồi trong năm 2025. Do đó, đây là thời điểm tốt để tích lũy các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate