Kiến nghị được ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) nêu tại Phiên toàn thể Diễn đàn cao cấp về công nghiệp 4.0 diễn ra ngày 3/10 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.
Theo ông Dũng, trong Nghị quyết của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay còn gọi là Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Bộ Chính trị có đề cập tạo cơ chế để doanh nghiệp nhà nước đầu tư mạo hiểm.
"Do đó chúng tôi rất mong muốn có cơ chế đầu tư mạo hiểm theo đúng nghĩa là chấp nhận mạo hiểm chứ không phải đầu tư dự án với nhiều thủ tục phức tạp như hiện tại", ông Dũng nói.
Lãnh đạo Tập đoàn Viettel cho rằng, hạ tầng viễn thông là nền tảng cho chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0. Để xây dựng kinh tế số, một xã hội thông minh thì phải tạo ra hàng trăm triệu kết nối vạn vật, kết nối dữ liệu siêu lớn, phát triển các siêu ứng dụng số, điều đó yêu cầu phải có một hạ tầng viễn thông siêu băng rộng và độ tin cậy siêu cao.
Do đó, theo lãnh đạo Viettel, mạng viễn thông cần được xây dựng đi trước một bước, tức là ngay thời điểm hiện tại phải có mọi điều kiện pháp lý xây dựng mạng 4G, 5G, như giấy phép thiết lập mạng, tần số vô tuyến, giấy phép xây dựng hạ tầng thụ động.
"Lúc này cấp phép nhanh, kịp thời là quan trọng nhất. Chúng ta nên chọn phương án cấp phép có thủ tục gọn nhẹ nhất, không nên đặt quá nặng về thu ngân sách hay phân vân quá việc cân đối giữa các doanh nghiệp. Nên đi theo nguyên tắc mũi nhọn, doanh nghiệp nào mạnh, đầy đủ nguồn lực thì đi trước doanh nghiệp mới đi sau một chút", theo Tổng giám đốc Viettel.
Cũng theo ông Dũng, hạ tầng quan trọng như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tài nguyên quốc gia… đang triển khai chậm và đề xuất cần nhanh chóng giao cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện, đủ năng lực tài chính, con người và công nghệ để thực hiện các dự án này.
Và để tránh đầu tư lãng phí, Bộ Thông tin và Truyền thông có thể đóng vai trò giám sát, bắt buộc các doanh nghiệp phải tập trung đầu tư vào những công nghệ tiên tiến nhất như mạng 4G, mạng 5G, ảo hoá, cloud… Lãnh đạo Viettel đồng thời cũng kiến nghị cơ quan quản lý cần nhanh chóng cấp phép Mobile Money, chuyển mạch tài chính số cũng như các sản phẩm dịch vụ mới để sử dụng hiệu quả hạ tầng mà doanh nghiệp đã xây dựng.
Liên quan đến ý kiến doanh nghiệp tại Phiên toàn thể Diễn đàn cao cấp về công nghiệp 4.0 trên, ông Trần Thanh Hải, CEO Be Group - một start-up Việt hoạt động trong lĩnh vực gọi xe công nghệ, kiến nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý cần có chính sách kích thích đầu tư cụ thể và sâu rộng các lĩnh vực như cơ sở dữ liệu lớn, máy học, trí thông minh nhân tạo...
Bởi theo ông Hải, để hiện thực hoá Nghị quyết 52, Việt Nam phải có đầy đủ nguồn lực cả con người lẫn nền tảng công nghệ nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng. Theo đó là các chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích cho doanh nghiệp đang đầu tư sâu hay chính sách thuế thu nhập cá nhân cho các nhân sự trong ngành. Từ đó có thể kêu gọi khối doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư và phát triển các ứng dụng sáng tạo, đầu tư vào các nền tảng công nghệ 4.0.
CEO Be Group cũng cho rằng cần có cơ chế thí điểm cho các doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh mới. Tuy nhiên nên có những chế tài khống chế về không gian, thời gian hay thị phần nhất định trong khuôn khổ thí điểm sandbox, tránh để vài doanh nghiệp trong cơ chế thí điểm chiếm những thị phần lớn mà tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh.