October 10, 2022 | 13:03 GMT+7

Sephora quay lại Vương quốc Anh theo một cách khác

Băng Hảo -

Nhà bán lẻ sản phẩm làm đẹp thuộc sở hữu của tập đoàn LVMH sẽ quay trở lại thị trường Anh sau khi đóng cửa các cửa hàng vào năm 2005. Lần này, thương hiệu hy vọng một chiến lược được làm mới và tập trung vào thương mại điện tử sẽ giúp mang tới thành công...

Ảnh: Internet Retailing
Ảnh: Internet Retailing

Mặc dù đứng đầu về danh mục các sản phẩm làm đẹp ở những nơi khác trên thế giới, Vương quốc Anh vẫn là một khoảng trống đối với Sephora, vốn được biết đến là nơi hội tụ các thương hiệu làm đẹp cao cấp và các thương hiệu độc lập bao gồm Drunk Elephant, Saie và Summer Fridays.

Để tái gia nhập thị trường, Sephora đã mua lại thương hiệu bán lẻ trực tuyến Feelunique của Anh với số tiền không được tiết lộ vào năm 2021. Vào ngày 17/10 tới đây, trang web của Feelunique sẽ được đổi thành Sephora.co.uk. Điều này sẽ giúp Sephora có chỗ đứng trên thị trường mỹ phẩm địa phương.

Nền tảng thương mại điện tử Feelunique, ra mắt năm 2005, có 1,3 triệu khách hàng đang hoạt động. Sau khi Sephora tiếp quản, chương trình phần thưởng của Feelunique sẽ được duy trì, nhưng sẽ được đổi tên, với việc khách hàng được giảm giá 5 bảng cho mỗi hóa đơn 75 bảng, cũng như các lợi ích khác. Sephora sẽ mang đến thị trường Anh thương hiệu riêng cùng tên của mình, Sephora Collection, cũng như những thương hiệu mới Tarte Cosmetics, Skinfix, Ilia, One / Size của Patrick Starrr và Gxve (phát âm là “Give”) của Gwen Stefani, tất cả đều không có sẵn ở Anh hiện nay.

Sephora hiện có hơn 3.000 cửa hàng tại 36 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả châu Âu và châu Á.
Sephora hiện có hơn 3.000 cửa hàng tại 36 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả châu Âu và châu Á.

Sephora ra mắt lần đầu tiên tại Anh vào năm 2000, với 9 cửa hàng được mở trên khắp đất nước. Tuy nhiên, đến năm 2005, công ty đã quyết định rời khỏi thị trường Anh mà không bình luận lý do tại sao. Sephora sau đó đã cung cấp dịch vụ vận chuyển đến Vương quốc Anh từ Hoa Kỳ bắt đầu từ năm 2014, tuy nhiên, dịch vụ ship hàng này cũng đã kết thúc vào năm 2018 sau việc triển khai Quy định bảo vệ dữ liệu toàn cầu (GDPR) ở Liên minh châu Âu, vào thời điểm đó bao gồm cả Vương quốc Anh.

Sephora hiện có hơn 3.000 cửa hàng tại 36 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả châu Âu và châu Á, cũng như vừa mới đầu tư 7,5 triệu USD vào các cửa hàng mới ở Mexico vào năm 2021. Nắm giữ hơn 250 thương hiệu làm đẹp từ bình dân đến cao cấp, ước tính Sephora thu được khoảng 4 tỷ đô la lợi nhuận trong một năm.

Đó là chưa kể, Sephora nằm trong bộ phận Bán lẻ có chọn lọc của LVMH, nhằm mục đích biến việc mua sắm thành một trải nghiệm độc đáo. Hơn cả một trang web mua sắm thông thường, Sephora sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra trải nghiệm mua sắm online hệt như ở cửa hàng. Chẳng hạn, năm 2021, Sephora giới thiệu lại chương trình IQ Color - sử dụng công nghệ để xác định màu da, từ đó đưa ra các gợi ý sản phẩm phù hợp nhất. Hay là chương trình Virtual Artist (nghệ sĩ trang điểm công nghệ số) giúp người dùng có thể hình dung được màu sắc của sản phẩm khi ở trên mặt họ, giúp dễ dàng đưa ra quyết định hơn.

Sephora sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra trải nghiệm mua sắm online hệt như ở cửa hàng.
Sephora sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra trải nghiệm mua sắm online hệt như ở cửa hàng.

Tuy nhiên, với sự trở lại của Sephora, thị trường mỹ phẩm làm đẹp sẽ có sự cạnh tranh gay gắt ở Vương quốc Anh. Chuỗi Boots thuộc sở hữu của Walgreens tuyên bố rằng thị phần của họ là trên 40% đối với sản phẩm chăm sóc da, đồ trang điểm và làm đẹp cao cấp, trong đó làm đẹp chiếm 50% doanh số bán hàng trên Boots.com, đã tăng 125% trong hai năm qua. Hệ thống cửa hàng Boots đã tăng cường cung cấp các thương hiệu cao cấp trong vài năm qua, chẳng hạn như Mac, Nars và Anastasia Beverly Hills, cũng như Kylie Cosmetics.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh cũng tồn tại giữa Sephora và nhà bán lẻ hàng xa xỉ Space NK hay Cult Beauty, và cả những cái tên khác nữa. Theo công ty nghiên cứu thị trường NPD Group, thị trường làm đẹp uy tín của Vương quốc Anh được định giá 1,2 tỷ bảng Anh trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8/2022, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh số bán hàng trực tuyến đạt 455 triệu bảng Anh, nhưng con số này thể hiện sự sụt giảm 9% so với cùng kỳ năm trước - có lẽ vì người mua sắm muốn quay lại cửa hàng sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.

Để mở rộng tầm ảnh hưởng của thương hiệu, hiện tại Sephora đang xây dựng mạng lưới cộng tác viên bán hàng online, với mức hoa hồng nằm trong top cao trong thị trường - từ 5% đến 10% cho mỗi sản phẩm bán được (so với Nordstrom trả 2% và Walmart trả 4%). Hiện chưa rõ chính sách này có được áp dụng tại Anh hay không. Về nhân sự, Sephora cũng cho biết “không có kế hoạch” tái cấu trúc hoặc cắt giảm công việc tại Feelunique, cũng như hiện tại "chưa có kế hoạch" cho các cửa hàng cố định tại Anh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate