May 13, 2025 | 08:00 GMT+7

“SHS không chạy theo phí rẻ, chọn cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ”

Lan Anh -

Trong bối cảnh phần lớn các công ty chứng khoán lao vào cuộc đua giành thị phần bằng cách giảm phí và đẩy mạnh khuyến mãi giao dịch, SHS lại đi theo một hướng khác, ông Đỗ Quang Vinh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đã có những chia sẻ về lựa chọn phát triển thương hiệu theo mô hình “service branding”. Theo ông, sự gắn bó của nhà đầu tư không đến từ những ưu đãi hay lợi ích về phí ngắn hạn, mà từ cách doanh nghiệp hiểu và phục vụ họ lâu dài…

Tại Đại hội cổ đông 2025, SHS công bố chọn “service branding” để cạnh tranh. Theo ông, vì sao đây là chiến lược phù hợp trong bối cảnh thị trường hiện nay?

Thị trường chứng khoán hiện nay đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt, với nhiều công ty tập trung vào việc giảm phí để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, SHS tin rằng lợi thế cạnh tranh bền vững không đến từ mức phí thấp, mà từ chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng.

Định hướng “service branding” của SHS không chỉ là chiến lược về xây dựng thương hiệu, mà là cam kết đồng hành lâu dài cùng khách hàng, giúp họ đạt được thành công tài chính bền vững thông qua dịch vụ tư vấn chuyên biệt và trải nghiệm cá nhân hóa.

Trong khi phần lớn thị trường chọn miễn phí, SHS lại đầu tư cho trải nghiệm - đây có phải là canh bạc chưa chắc thắng?

Chúng tôi không xem đây là một "canh bạc", mà là một chiến lược đầu tư dài hạn. Việc nâng cấp dịch vụ và cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng đòi hỏi sự đầu tư về nguồn lực, nhân sự và công nghệ, nhưng chúng tôi tin rằng đó là hướng đi tất yếu để tạo ra giá trị bền vững cho cổ đông và nhà đầu tư.

Trên thực tế, xu hướng thị trường tài chính toàn cầu đang cho thấy một sự chuyển dịch rõ rệt từ cạnh tranh bằng chi phí sang cạnh tranh bằng dịch vụ. Báo cáo của các công ty tư vấn hàng đầu thế giới như Mc Kinsey & Company, Boston Consulting Group hay Knight Frank đều chỉ ra rằng lĩnh vực quản lý tài sản tại châu Á - Thái Bình Dương đang tăng trưởng ở tốc độ cao nhất thế giới, với sự mở rộng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và giàu có.

Tại Việt Nam, số lượng người có tài sản ròng cao (HNWI - người sở hữu từ 1 triệu USD trở lên không tính BĐS nhà ở) được dự báo sẽ tăng xấp xỉ 30% trong vòng 5 năm tới, và những khách hàng này không chỉ tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn mà còn cần những dịch vụ tư vấn tài chính chuyên sâu, được cá nhân hóa, và giàu tính kết nối dài hạn.

SHS xác định đây chính là cơ hội để chuyển dịch mô hình kinh doanh. Thay vì cố gắng chạy theo cuộc đua “phí rẻ” - vốn sẽ ngày càng hao mòn biên lợi nhuận, chúng tôi chọn tạo dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng thông qua trải nghiệm, dịch vụ tư vấn chuyên biệt, và khả năng hiểu khách hàng sâu sắc nhờ ứng dụng công nghệ vào toàn bộ hành trình trải nghiệm của khách hàng.

Ông Đỗ Quang Vinh - Chủ tịch HĐQT SHS.
Ông Đỗ Quang Vinh - Chủ tịch HĐQT SHS.

“Service branding” là cụm từ dễ nói, nhưng khó làm. SHS sẽ thực thi định vị “service branding” trên nền tảng nào?

Với SHS, “service branding” không phải một khẩu hiệu tiếp thị mà là chiến lược phát triển cốt lõi. Nó được hình thành dựa trên ba trụ cột: con người – công nghệ - trải nghiệm.

Trọng tâm đầu tiên là con người. SHS tự hào sở hữu đội ngũ tư vấn đầu tư và chuyên gia tài chính tận tâm, có năng lực chuyên môn cao và luôn lấy lợi ích dài hạn của khách hàng làm kim chỉ nam.

Yếu tố thứ hai là công nghệ. SHS không ngừng đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng số: từ hệ thống CRM hiện đại, AI hỗ trợ tư vấn, đến nền tảng phân tích dữ liệu lớn (Big Data) nhằm cá nhân hóa từng đề xuất đầu tư. Công nghệ ở đây không chỉ để hỗ trợ khách hàng giao dịch thuận tiện hơn, mà quan trọng hơn – là giúp đội ngũ SHS hiểu sâu sắc hơn về từng hành vi, nhu cầu, và xu hướng tài chính của khách hàng, từ đó nâng cao chất lượng tư vấn.

Yếu tố thứ ba là trải nghiệm cảm xúc – điều tạo nên sự gắn bó bền chặt. SHS không kỳ vọng được nhớ đến chỉ vì một sản phẩm tài chính tốt, mà vì cách chúng tôi khiến khách hàng cảm thấy tin tưởng, được lắng nghe và được đồng hành dài hạn – trong cả những giai đoạn thuận lợi lẫn thời điểm khó khăn của thị trường.

Thông điệp này cũng được chúng tôi gửi gắm thông qua nhận diện thương hiệu mới được công bố vào cuối năm 2024, theo đó logo mới được thiết kế với hình ảnh hai chữ S song hành - một biểu tượng về sự kết nối bền chặt giữa SHS và khách hàng, không ngừng vươn tới những thành tựu mới. Hai chữ S này cũng đại diện cho các giá trị mà SHS hướng đến: "Thành công" (Success) được xây dựng trên nền tảng "Bền vững" (Sustainability).

Trong bối cảnh nhà đầu tư đang quen với giao dịch nhanh, giá rẻ, SHS làm gì để tạo trải nghiệm khác biệt và giữ chân nhà đầu tư trong cả chu kỳ dài hạn?

Chúng tôi tin rằng, trong một thị trường mà giao dịch nhanh và phí thấp đang dần trở thành tiêu chuẩn, điều thực sự tạo nên sự khác biệt chính là trải nghiệm dịch vụ được cá nhân hóa và sự đồng hành dài hạn. SHS không đặt mục tiêu trở thành công ty có phí thấp nhất, mà hướng đến việc trở thành đối tác đầu tư đáng tin cậy, đặc biệt với các nhà đầu tư trung - dài hạn, có nhu cầu rõ ràng về tích lũy và quản lý tài sản.

Chúng tôi phát triển dịch vụ tư vấn đầu tư và quản lý tài sản “may đo” - không phải là các khuyến nghị đại trà, mà là giải pháp phù hợp với từng hồ sơ tài chính, mục tiêu và khẩu vị rủi ro riêng biệt. Đây là hướng đi mà nhiều báo cáo quốc tế, như The Wealth Report 2025 của Knight Frank, cũng đã chỉ ra là xu hướng tất yếu, nhất là khi ngay cả thế hệ nhà đầu tư trẻ đang ngày càng chú trọng đến các yếu tố như cá nhân hóa, đầu tư bền vững, và giá trị dài hạn.

Về mặt sản phẩm, SHS đang từng bước mở rộng danh mục tài sản đầu tư, từ chứng khoán cơ sở, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đến các sản phẩm mới như tài sản số, tín chỉ carbon, theo xu thế ESG toàn cầu. Chúng tôi không chỉ muốn cung cấp sản phẩm đa dạng, mà còn đảm bảo mỗi sản phẩm đều được hỗ trợ bằng tư vấn chuyên sâu và dịch vụ bài bản.

Song song, chúng tôi đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ để nâng cao trải nghiệm người dùng. Hệ thống giao dịch sẽ không chỉ “nhanh và ổn định” - mà còn thông minh, tích hợp nhiều công cụ phân tích, cảnh báo rủi ro và gợi ý danh mục đầu tư. Các công cụ tư vấn số đang được phát triển để hỗ trợ đội ngũ tư vấn hiểu Khách hàng hơn, từ đó đưa ra khuyến nghị hiệu quả hơn, cá nhân hóa hơn.

SHS không theo đuổi “thị phần ngắn hạn” bằng giá - mà xây dựng “thị phần trung thành” bằng niềm tin, trải nghiệm và hiệu quả tài chính thực chất mà chúng tôi mang lại cho từng khách hàng, từng giai đoạn của hành trình tài chính của họ.

“SHS không chạy theo phí rẻ, chọn cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ” - Ảnh 1

Để dịch vụ trở thành lợi thế cạnh tranh, không chỉ cần hệ thống - mà cần văn hóa phục vụ. SHS đang làm gì để chuyển đổi tư duy nội bộ?

Dịch vụ không chỉ đến từ hệ thống, mà là văn hoá phục vụ. SHS đang chuyển đổi sâu về văn hóa nội bộ thông qua ba trục, đó là:

Đào tạo: Chương trình huấn luyện về tư vấn đầu tư, kỹ năng lắng nghe, giao tiếp và quản lý tài chính cá nhân.

Cơ chế khuyến khích: KPIs không chỉ dựa trên doanh số mà còn đo lường độ hài lòng, mức độ gắn bó và trải nghiệm khách hàng.

Tuyển dụng: Ưu tiên nhân sự có tư duy dịch vụ, từng làm việc trong các định chế tài chính lớn, có khả năng tư vấn đầu tư bài bản.

Chúng tôi tin rằng, văn hoá phục vụ sẽ trở thành DNA mới của SHS.

Trong 3 năm tới, SHS sẽ phát triển thị phần theo định hướng nào?

Thay vì giành thị phần bằng mọi giá, chúng tôi tin rằng dịch vụ tốt chính là nền tảng vững chắc nhất để xây dựng thị phần bền vững và trung thành. Chúng tôi không chạy theo mở rộng bằng mọi giá, mà lựa chọn phục vụ đúng nhóm khách hàng có nhu cầu thực sự, đặc biệt là tầng lớp trung lưu - thượng lưu đang tăng nhanh tại Việt Nam.

Chiến lược “service branding” không khiến chúng tôi dàn trải, mà ngược lại, giúp SHS tập trung rõ nét hơn vào những gì mình làm tốt nhất: xây dựng các sản phẩm tư vấn đầu tư và quản lý tài sản “đúng người - đúng nhu cầu”. Trong 3 năm tới, SHS muốn trở thành một trong những công ty có dịch vụ tài chính được đánh giá cao nhất thị trường, chứ không nhất thiết là lớn nhất. Chúng tôi tin rằng: thương hiệu được yêu thích và tin cậy sẽ có chỗ đứng vững chắc – bất kể thị trường biến động ra sao.

Nếu phải chọn một dấu ấn riêng cho nhiệm kỳ của mình tại SHS – điều gì ông muốn người khác nhìn thấy sau 5 năm?

Tôi muốn dấu ấn của mình không chỉ nằm ở con số lợi nhuận hay vốn điều lệ tăng bao nhiêu lần, mà là ở việc thay đổi cách thị trường nhìn nhận về một công ty chứng khoán.

Nếu sau 5 năm nữa, SHS được khách hàng, đối tác và cả nhân sự nội bộ xem là một công ty có văn hóa phục vụ nổi bật, sở hữu một hệ sinh thái tư vấn tài chính hiệu quả - đó sẽ là thành công lớn nhất.

“Service branding” là con đường chúng tôi đã chọn - một con đường khó, cần sự kiên định và đầu tư dài hạn. Nhưng tôi tin, SHS có đủ nội lực, bản lĩnh và sự đồng lòng để biến lựa chọn đó thành dấu ấn mang tên mình trên bản đồ thị trường tài chính Việt Nam.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate