November 28, 2020 | 12:44 GMT+7

Siết chặt thu thuế các nền tảng số đa quốc gia sẽ tạo một sân chơi công bằng?

Ngọc Trang

Chính phủ nhiều nước Đông Nam Á đã và đang đẩy mạnh thu thuế đối với các nền tảng số đa quốc gia như Google, Netflix, Facebook, Amazon...

Chính phủ nhiều nước Đông Nam Á đang siết chặt thu thuế đối với các nền tảng số như Google, Netflix, Facebook, Amazon... - Ảnh: Nikkei Asia
Chính phủ nhiều nước Đông Nam Á đang siết chặt thu thuế đối với các nền tảng số như Google, Netflix, Facebook, Amazon... - Ảnh: Nikkei Asia

Theo Nikkei Asia, chính phủ nhiều nước Đông Nam Á đã và đang đẩy mạnh thu thuế đối với các nền tảng số đa quốc gia như Google, Netflix, Facebook, Amazon... Điều này nhằm đảm bảo các công ty này nộp số thuế phù hợp với lợi nhuận khổng lồ mà họ thu được từ làn sóng số hóa bùng nổ tại khu vực với hơn 650 triệu dân.

Hiện tại, các nền tảng số đa quốc gia thường chỉ phải nộp thuế thu nhập tại những nơi mà họ có chi nhánh, chứ không phải tại nơi phát sinh doanh thu. Điều này được cho là tạo ra một sân chơi thiếu công bằng, khi mà các doanh nghiệp dịch vụ số địa phương phải nộp thuế, còn đối thủ ngoại thì không.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng đang cố gắng giải quyết vấn đề này với việc cải cách các quy định thuế quốc tế, nhằm buộc các doanh nghiệp số đa quốc gia phải trả thuế tại những thị trường mà họ có người dùng hoặc khách hàng.

"Các doanh nghiệp này không mở chi nhánh ở hầu hết quốc gia mà họ cung cấp dịch vụ, do đó không phải nộp thuế. Còn tại những thị trường mở chi nhánh, họ có thể chuyển lợi nhuận thu được từ đó sang một thiên đường thuế", Abhineet Kaul, giám đốc phụ trách khu vực công tại châu Á Thái Bình Dương của hãng tư vấn Frost & Sullivan, cho biết.

TẠO SÂN CHƠI CÔNG BẰNG HAY GÁNH NẶNG CHO NGƯỜI DÙNG?

Theo một số nhà phân tích, việc các nước Đông Nam Á siết chặt thuế với các nền tảng đa quốc gia sẽ tạo một sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp nội. Trong khi đó, một số khác cảnh báo việc này tạo gánh nặng chi phí với chính người tiêu dùng bản địa.

Nhà phân tích Kaul của Frost & Sullivan, cho rằng suy cho cùng, người tiêu dùng bản địa chính là những người trả các loại thuế trên. 

"Các nền tảng số sẽ chuyển phần chi phí tăng thêm đó sang cho khách hàng. Điều này đồng nghĩa người dùng tại quốc gia X sẽ nộp thuế cho chính phủ của họ", Kaul cho biết.

Còn theo Paul MacDonnell, giám đốc điều hành tại Hiệp hội số Toàn cầu, việc áp thuế với các nền tảng số giống với việc đánh thuế thuốc lá và rượu ở chỗ đối tượng chịu thuế cuối cùng chính là người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cảnh báo sự thiếu thống nhất về thuế giữa các quốc gia có thể gây phản tác dụng. 

Liên minh Internet Châu Á (AIC), gồm các đại gia công nghệ như Facebook, Google, Amazon và Grab, từng lên tiếng chỉ trích các quy định thuế mới, nói rằng chúng không phù hợp với khung pháp lý về thuế toàn cầu.

AIC cho rằng việc này có thể làm gia tăng khoảng cách số và thậm chí làm tổn hại tới đầu tư, thương mại xuyên biên giới cũng như cản trở khả năng tiếp cận đổi mới công nghệ ở nhiều cộng đồng.

Tổ chức này cũng nhấn mạnh rằng việc các chính phủ đơn phương đánh thuế với các nền tảng số đa quốc gia tạo ra rào cản và khiến doanh nghiệp phải đóng thuế hai lần. Điều này có thể khiến chính quyền Mỹ đưa ra các biện pháp cấm vận để đáp trả.

"Quy định thuế riêng của các chính phủ có thể làm giảm cản trở tham vọng đầu tư của các doanh nghiệp toàn cầu vào tăng trưởng tương lai tại quốc gia đó", Jeff Paine, giám đốc điều hành của AIC, nhận định.

Siết thuế nền tảng số đa quốc gia: Tạo sân chơi công bằng hay gánh nặng cho người dùng? - Ảnh 1.

Một số nhà phân tích cho rằng người tiêu dùng là đối tượng nộp thuế cuối cùng khi các chính phủ siết thuế với nền tảng số đa quốc gia - Ảnh: AP

Do đó, Paine cho rằng các quốc gia nên duy trì tuân thủ cam kết những tiêu chuẩn đa phương của OECD.

Tuy nhiên, Senthuran Elalingam, giám đốc điều hành thuế gián thu của Deloitte Malaysia, nhận định việc OECD thúc đẩy một tiêu chuẩn thuế toàn cầu có tính tới nguyên tắc "điểm đến". Theo đó, các khoản thuế sẽ được tính bởi quốc gia bản địa, nơi phát sinh doanh thu. Ông cũng cho biết OECD có các hướng dẫn về thuế nhưng không bắt buộc phải tuân thủ. Do đó, tình trạng thiếu nhất quán về thuế tại các quốc gia Đông Nam Á hay bất kỳ nơi nào khác là hoàn toàn bình thường. 

ĐÔNG NAM Á ĐỒNG LOẠT SIẾT THUẾ NỀN TẢNG SỐ

Bên cạnh nỗ lực cải cách thuế từ OECD bằng các cuộc đàm phán giữa hơn 130 quốc gia, một số nước châu Á đã bắt đầu đưa ra quy định riêng.

Tại Thái Lan, các nền tảng số quốc tế không có chi nhánh ở nước này phải nộp thuế giá trị gia tăng 7% nếu phát sinh doanh thu hơn 57.000 USD/năm. 

Theo Maybank Kim Eng, chi nhánh môi giới của ngân hàng Malayan Banking, quy định này mang về cho chính phủ Thái Lan nguồn thu thuế ít nhất 96 triệu USD mỗi năm.

Tại Indonesia, từ tháng 8, chính phủ cũng áp dụng loại thuế tương tự, với mức thuế suất 10% trên doanh thu từ sản phẩm và dịch vụ của các nền tảng số. Quy định này áp dụng cho các dịch vụ phát video trực tuyến, ứng dụng di động và game trực tuyến.

Trong khi đó, đầu năm nay, Singapore và Malaysia đều áp dụng quy định về thuế đối với nền tảng số của các công ty nước ngoài. Trong đó, Malaysia áp thuế 6% đối với các công ty ngoại có doanh thu trên 120.000 USD/năm.

Tại Philipines, hồi tháng 5, quy định thuế mới nhằm vào các nền tảng số lớn như Facebook, Google, YouTube, Netflix và Spotify bắt đầu có hiệu lực. Maybank cho biết quy định thuế 12% với các nền tảng dịch vụ số dự kiến mang về cho ngân sách nước này khoảng 571 triệu USD mỗi năm.

"Các quy định thuế liên quan đến nền kinh tế số được thắt chặt hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thúc đẩy bùng nổ tiêu dùng trực tuyến tại các nước ASEAN. Doanh thu trực tuyến đều tăng vọt tại tất cả các nước ASEAN, trong khi đó doanh thu từ bán lẻ truyền thống lao dốc kỷ lục do các biện pháp phong tỏa", nhà phân tích Lee Ju Ye và Chua Hak Bin của Maybank cho biết trong một báo cáo. "Đứng trước nguy cơ thâm hụt ngân sách do các gói cứu trợ Covid-19 khổng lồ, các chính phủ đang tìm cách siết thuế đối với ngành công nghiệp trực tuyến để bù đắp nguồn thu".

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate