Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông của Singapore, Josephine Teo cho biết Kế hoạch chi tiết về kết nối kỹ thuật số, vạch ra các ưu tiên chính trong cơ sở hạ tầng của Singapore trong vòng 10 năm tới và sẽ đóng vai trò là nền tảng để quốc gia này cập nhật liên tục các cơ hội công nghệ tốt nhất.
LỘ TRÌNH VỀ HẠ TẦNG KỸ THUẬT SỐ CỦA SINGAPORE
Kế hoạch chi tiết về cơ sở hạ tầng vật lý bao gồm băng thông rộng, mạng di động và trung tâm dữ liệu, cũng như “các tiện ích kỹ thuật số” để tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch xuyên biên giới an toàn và liền mạch. Theo đó, Teo cho biết các giao dịch này bao gồm thanh toán điện tử và hóa đơn, trao đổi dữ liệu, xác thực tài liệu và xác minh danh tính.
Trong khi đó, kế hoạch chi tiết về kết nối kỹ thuật số phác thảo lộ trình xây dựng kết nối 10Gbps trên toàn Singapore trong vòng 5 năm tới đồng thời sẽ tăng gấp đôi số lượng cáp ngầm dưới biển trong thập kỷ tới.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông của Singapore nói thêm, kế hoạch chi tiết sẽ định vị Singapore tốt hơn nhằm nắm bắt cơ hội từ các xu hướng công nghệ mới nổi, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo AI hay các hệ thống tự trị.
Bà Josephine Teo lưu ý, cáp ngầm và trung tâm dữ liệu là hai hạng mục có giá trị lớn, đòi hỏi Singapore sẽ phải đầu tư khoảng 20 tỷ đô la Singapore (~14,78 tỷ USD). Trong số này, 10 tỷ đến 12 tỷ đô la Singapore dự kiến sẽ được dùng để xây dựng các trung tâm dữ liệu xanh mới, bà cho biết thêm khu vực tư nhân sẽ tài trợ hầu hết các khoản đầu tư.
Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm Singapore (IMDA) cho biết: “Chúng tôi sẽ đẩy nhanh việc sử dụng không gian và tài nguyên nhằm nhanh chóng mở rộng và đa dạng hóa mạng lưới cáp ngầm”. Xây dựng lộ trình với Bộ Thông tin và Truyền thông. IMDA cho biết những nỗ lực này sẽ thúc đẩy kết nối kỹ thuật số giữa Singapore, Đông Nam Á và các khu vực khác.
Chính phủ Singapore cho biết phổ tần sẽ được phân bổ nhằm cải thiện hiệu suất của mạng Wifi và mạng 5G và giúp tăng trải nghiệm của cá nhân người dùng và doanh nghiệp. Chính phủ Singapore khẳng định: “Chúng tôi hình dung một tương lai trong đó việc chuyển giao liền mạch giữa các mạng dù ở môi trường ngoài trời và trong nhà cũng đều trở nên nhanh chóng, mở đường cho hàng loạt những đổi mới và tiến bộ”.
Khoảng 98% các hộ gia đình ở Singapore hiện có quyền truy cập băng thông rộng, thường ở tốc độ 1Gbps. Vì vậy, mục tiêu của chính phủ Singapore là tăng tốc độ này lên 10Gbps trong 5 năm tới, khi các mạng độc lập Wifi và 5G ra mắt. Theo IMDA, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng để đạt được mục tiêu về tốc độ này sẽ bắt đầu vào giữa năm 2024.
Ngoài ra, chính phủ Singapore cũng yêu cầu đẩy mạnh thực hiện các sáng kiến mới trong các lĩnh vực non trẻ khác như điện toán lượng tử, lĩnh vực mà Singapore đặt mục tiêu đạt được an toàn lượng tử trong vòng 10 năm tới. Theo đó IMDA cho biết môi trường đô thị dày đặc và mạng lưới cáp quang rộng khắp của đất nước mang lại lợi thế trong việc triển khai truyền thông an toàn lượng tử.
Ngoài ra, chính phủ Singapore cho biết đang có kế hoạch thí điểm các mạng an toàn lượng tử và các ứng dụng dịch vụ lượng tử cho khách hàng thương mại. “Được biết đến với tên gọi National Quantum Secure Network Plus (NQSN+), mạng lưới cho phép chúng tôi thử nghiệm, đổi mới và vượt qua các ranh giới trong cả triển khai kỹ thuật và thương mại”.
RA MẮT TRUNG TÂM ĐỔI MỚI AWS
Vừa qua, IMDA đã công bố quan hệ đối tác với Amazon Web Services (AWS) thông qua việc ra mắt một trung tâm đổi mới chung. Được quảng cáo là bệ phóng cho các doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp trên toàn Đông Nam Á, trung tâm này có nhiều phòng thí nghiệm chuyên biệt bao gồm 5G cũng như thực tế ảo và tăng cường cùng các cơ sở kiểm tra khả năng sử dụng của các phát minh mới.
Nằm trong trung tâm đổi mới Pixel của IMDA, trung tâm đổi mới sẽ cung cấp “quyền truy cập độc quyền” vào các công nghệ và phương pháp mới nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hóa ý tưởng. Ngoài ra, trung tâm còn có hơn 200 dịch vụ công nghệ AWS có sẵn để các doanh nghiệp thử nghiệm hay tiếp nhận tư vấn dự án với các chuyên gia từ IMDA và AWS.
Trung tâm đổi mới mới sẽ cung cấp kết nối tới cả mạng lưới các công ty khởi nghiệp và tổ chức của IMDA và AWS trên khắp Đông Nam Á và các nhà cung cấp dịch vụ đám mây của Hoa Kỳ. Ngoài ra, trung tâm cũng sẽ giới thiệu liên tục các dịch vụ công nghệ được xây dựng trên AWS và từ các công ty khởi nghiệp tham gia các chương trình khác nhau của IMDA.