Là một công nghệ tiên tiến có thể mở rộng phạm vi của thế giới, metaverse giúp con người vượt qua ranh giới giữa thực tế và các mô hình kĩ thuật số khi kết hợp với công nghệ thực tế ảo (VR). Nó có thể được áp dụng bởi nhiều nhân tố, phục vụ cho nhiều đối tượng, từ người tiêu dùng đến nhân sự đến doanh nghiệp. Công nghệ này sẽ khiến ngành du lịch có thể hình dung lại cách mọi người trải nghiệm du lịch, mở ra những bước tiến mới.
CUỘC ĐUA CỦA CÁC “NỀN KINH TẾ METAVERSE”
Đại dịch Covid-19 xảy ra đã khiến ngành du lịch ở tất cả các nước trên toàn cầu lao đao nhưng cũng đã thúc đẩy việc xóa nhòa ranh giới giữa du lịch và kỹ thuật số. Theo Strategy&, một công ty con của Hãng tư vấn toàn cầu PwC, ngành du lịch và lữ hành được hưởng lợi nhiều nhất từ metaverse, với ước tính doanh thu khoảng 3,2 tỷ USD mỗi năm. Còn theo Global Market Estimate, thị trường metaverse toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 45,5% từ năm 2022 đến năm 2027.
Trên thế giới hiện nay, một số nước đã nhanh chóng nắm bắt công nghệ để phục vụ xu hướng du lịch thời đại mới. Một báo cáo mới đây của Deloitte cho biết các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á đang tiên phong trong các mô hình kinh doanh kết hợp công nghệ Web3 và blockchain. Hơn nữa, khu vực này có các di sản văn hóa phong phú và đa dạng để khai thác phát triển nội dung và trải nghiệm hấp dẫn. Nhiều quốc gia đang tận dụng di sản của mình để tạo ra ngành công nghiệp metaverse mới.
Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cho biết đang bàn thảo về các dự án, trong đó có chương trình Thailand Holideals cho phép du khách sử dụng token kỹ thuật số để mua sản phẩm và dịch vụ, hay dự án “Thành phố Metaverse Phuket” tập trung vào du lịch và chăm sóc sức khỏe. TAT cũng dự kiến trình làng nền tảng vũ trụ ảo Amazing Thailand để phục vụ cho kỷ nguyên Web 3.0.
Tại Hàn Quốc, chính quyền thành phố Seoul cũng đã triển khai một dự án có tên gọi “Metaverse Seoul” từ cuối năm 2022 và kéo dài trong 5 năm. Dự án trị giá 3,9 tỷ Won (2,9 triệu USD), trong đó, các điểm du lịch chính ở thủ đô Seoul, chẳng hạn như Quảng trường Gwanghwamun, Cung điện Deoksu và Chợ Namdaemun, sẽ được giới thiệu trên “Đặc khu du lịch ảo”, trong khi địa điểm lịch sử không còn tồn tại như Cổng Donuimun cũng sẽ được tái hiện sinh động. Bắt đầu từ năm 2023, các lễ hội tiêu biểu như “Lễ hội đèn lồng Seoul,” cũng sẽ được tổ chức trên “Metaverse Seoul” để mọi người trên khắp thế giới đều có thể được chiêm ngưỡng.
Một công ty của Ai Cập mới đây đã cho ra mắt Metatut, thành phố ảo đầu tiên của Ai Cập trên vũ trụ ảo metaverse. Dự án được triển khai nhằm kỷ niệm 100 năm ngày phát hiện ra lăng mộ của vua Tutankhamun. Trong Metatut, du khách có thể du hành trong một cuộc hành trình xuyên thời gian và không gian, tìm hiểu về lịch sử Ai Cập, giải trí và tương tác với những người khác trong không gian ảo. Hiện Metatut đã ra mắt 4 không gian gồm thung lũng của các vị vua, phòng mặt trời, cung điện Akhenaton và phòng giai điệu kỳ diệu. Ngoài các thiết bị thực tế ảo, Metatut còn có thể được truy cập thông qua máy tính xách tay hay thiết bị di động thông minh.
Không chỉ mang tính nhất thời, vũ trụ số được dự báo sẽ trở thành làn sóng chủ đạo trong tương lai, đòi hỏi các tổ chức và quốc gia tìm cách tận dụng. Theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đến năm 2025, khoảng 100 tỷ USD giá trị sẽ được tạo ra trong ngành du lịch xuất phát từ những công ty truyền thống sẽ chuyển sang tay những đơn vị ứng dụng công nghệ kỹ thuật số mới. Đồng thời, tại nhiều nước, metaverse được cho là giúp tiếp cận Gen Z - nhóm khách hàng dẫn dắt xu hướng tiêu tiền vào du lịch.
Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển của du lịch di sản trên metaverse như thế nào?...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 17-2023 phát hành ngày 24-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam