Theo tờ Financial Times, lạm phát toàn cầu đã bắt đầu có dấu hiệu dịu đi, từ chỗ thiết lập mức cao nhất trong nhiều thập kỷ ở một loạt quốc gia sau khi nổ ra cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.
Những số liệu mới nhất về lạm phát tại hầu hết các nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn gây lo ngại, vì áp lực giá cả tại quốc gia này vẫn ở mức cao trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine tiếp diễn khiến giá năng lượng và lương thực khó giảm nhanh. Tuy nhiên, ở một số quốc gia, áp lực giá cả đã giảm đáng kể nhờ giá bán buôn năng lượng và thực phẩm ở những nền kinh tế này xuống thang.
Để chống lạm phát, các ngân hàng trung ương trong 1 năm qua đã triển khai một chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh tay. Đến hiện tại, lạm phát cao vẫn là một vấn đề của thế giới nói chung, nhưng ở một số nước châu Á trong đó có Việt Nam, lạm phát đang ở mức tương đối thấp.
Financial Times đã cung cấp dữ liệu về một bức tranh tổng thể của lạm phát toàn cầu, bao gồm lạm phát tại các quốc gia ở thời điểm hiện tại và dự báo tương lai.
Dự báo lạm phát ở nhiều quốc gia đã được điều chỉnh tăng gần đây, nhưng tương đối ổn định ở nhiều quốc gia khác, bao gồm ở Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực Eurozone, theo một cuộc khảo sát của Consensus Economics.
Một tin vui là kỳ vọng của các nhà đầu tư về mức lạm phát trong 5 năm tới đã ngừng tăng và chuyển sang trạng thái ổn định, phản ánh chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt và triển vọng kinh tế đang suy yếu.
Với tỷ lệ lạm phát 3,4% trong tháng 3, Việt Nam thuộc nhóm những nền kinh tế có lạm phát tương đối thấp trên thế giới.
Giới phân tích đang có xu hướng giảm dự báo lạm phát cả năm 2023 của một số nền kinh tế, trong đó có Việt Nam và Đức.