Nhóm blue-chips chiều nay không mạnh thêm nhưng vẫn duy trì lực đỡ khá tích cực. Tuy nhiên nhóm cổ phiếu đầu cơ nhỏ lại suy yếu rất nhanh. Từ chỗ có 9 mã giảm sàn ở HoSE, kết phiên con số vọt lên 24 mã.
Chỉ số đại diện nhóm Smallcap là chỉ số duy nhất ở sàn HoSE chiều nay có đáy sâu mới. Kết phiên VNSmallcap-Index giảm 1,63% so với tham chiếu với 11 cổ phiếu giảm sàn.
Số lượng cổ phiếu giảm hết biên độ đã tăng mạnh trong phiên chiều cho thấy đã có lực bán mới xuất hiện. Trong 24 mã giảm sàn ở HosE, có 21 mã mất thanh khoản và trắng bên mua. Tất cả những cổ phiếu này đều xác nhận nhà đầu cơ bắt đáy lỗ nặng T+3, rất nhiều mã khác đã thủng đáy đợt bắt đáy đầu tiên là ngày T-4 tính từ hôm nay.
Có những cổ phiếu nhóm này hôm nay giao dịch hàng trăm tỷ đồng thanh khoản. CII là ví dụ, khớp gần 481,7 tỷ đồng và dư bán sàn gần 3 triệu cổ chưa kể lượng ATC. CII lỗ T+3 tối đa khoảng 19,4%, lỗ T+4 khoảng 13,9%. CII cũng xuống thấp hơn đáy ngày 20/1, là phiên đầu tiên được bắt đáy sau 7 phiên sàn liên tục. CII thanh khoản lớn nhất trong nhóm giảm sàn hôm nay.
Những cổ phiếu như NBB, LCM, KSB, FCN, ROS, LDG, TCH, LCG... cũng trong tình trạng tương tự, mức lỗ T+3, T+4 khác nhau nhưng đều đã phá đáy đầu tiên và thanh khoản lên tới cả trăm tỷ đồng phiên này.
Trước khi mất thanh khoản giá sàn, các cổ phiếu này đều có thêm một nhịp tăng giá trong phiên. Chẳng hạn CII có lúc lên 32.800 đồng, tức là tăng 3,47% so với tham chiếu; FCN có lúc tăng 2,65%. Với thanh khoản duy trì cao, giá có lúc tăng trước khi lại mất thanh khoản, đó là các tín hiệu cho thấy nhà đầu tư đã xả hàng ra rất nhiều. Cũng phải nhấn mạnh rằng việc đầu cơ lướt sóng T+3, T+4 chỉ có một thời gian ngắn là còn có lời hoặc lỗ ít nếu chốt sớm.
Độ rộng tổng thể của sàn HoSE cuối phiên hôm nay không kém, vẫn còn 225 mã tăng/239 mã giảm nhưng số giảm trên 2% vẫn tới 112 mã và 45 mã khác giảm trên 1%. Phần lớn các cổ phiếu giảm nhiều như vậy không thuộc nhóm blue-chips. Điều này một lần nữa cũng thể hiện các cổ phiếu vừa và nhỏ được đầu cơ mạnh thời gian qua cần thêm thời gian để thực sự có đáy. Các nhịp bắt đáy sớm chỉ có thể đánh ngắn ngày T, nhưng cơ bản vẫn bị mắc kẹt với khối lượng cũ. Nếu lướt sóng đủ vòng T+3 thì rủi ro cũng rất cao.
Với các blue-chips, VN30-Index chiều nay yếu hơn phiên sáng, đóng cửa tăng 0,6%, độ rộng ghi nhận 19 mã tăng/11 mã giảm. Tuy nhiên số mã tụt giá so với phiên sáng thì tới 18 mã, so với 10 mã đi lên cao hơn. Như vậy đa số cổ phiếu blue-chips đã hạ độ cao trong phiên chiều.
Ảnh hưởng bất lợi nhất vẫn là bộ ba MSN, VCB và BID. Cả 3 cổ phiếu này đều yếu thêm đáng kể trong buổi chiều: MSN tụt thêm tới 2,84% so với giá cuối phiên sáng và đóng cửa thấp hơn tham chiếu tới 3,92%. VCB tụt thêm 0,84%, chốt dưới tham chiếu 1,36%. BID tụt 2,03%, đóng cửa giảm tổng cộng 1,84%. Ngoài ra có thể kể tới TPB cũng bốc hơi 2,24%, xoay chiều sang giảm 1,38% so với tham chiếu.
Nhóm ngân hàng có BID và TPB tụt giá đáng kể và chuyển thành đảo chiều từ tăng phiên sáng sang giảm phiên chiều. Tuy vậy số lớn các mã ngân hàng còn lại tụt không đáng kể để gây ảnh hưởng xấu như ACB, CTG, HDB, MBB, STB, TCB. Đây là những mã ngân hàng chỉ mất độ cao, chưa đến mức đảo chiều.
Trong khi các cổ phiếu ngân hàng có tín hiệu yếu đi phiên chiều thì nhiều cổ phiếu khác lại tốt hơn. GAS tăng 2% so với giá cuối phiên sáng và đóng cửa trên tham chiếu 2,47%. MWG cũng tăng 2,17%, xoay chiều từ giảm sang tăng 0,69%. NVL cũng xoay chiều thành công, chốt trên tham chiếu 0,51%. PLX riêng chiều tăng 2,89%, đóng cửa tăng tổng cộng 4,78%. PNJ vọt tăng từ mức tham chiếu lên 4,12% cao hơn. Ngay cả VHM, VIC cũng nhích giá, dù không nhiều.
Thanh khoản phiên chiều ở HoSE hơi đuối, chỉ khớp được 8.552 tỷ đồng, thấp hơn phiên sáng tới 36%. Dòng tiền vào VN30 vẫn khá tốt, đạt 3.871 tỷ đồng, không kém hơn các phiên chiều trước đó bao nhiêu. Tính chung cả ngày, thanh khoản của rổ VN30 vẫn chiếm hơn 46% tổng giá trị khớp sàn HoSE.
Nhà đầu tư nước ngoài lại đảo chiều mua vào nhiều hơn trong phiên chiều, nhưng quy mô không bằng chiều hôm qua. Cuối phiên sáng nhóm này mua ròng HoSE gần 8 tỷ đồng, cuối phiên vọt lên 319,6 tỷ đồng. VN30 buổi sáng bị bán ròng 120 tỷ đồng, cuối phiên thành mua ròng 41,6 tỷ. MSN, PLX, VCB bị bán nhiều từ sáng và chiều nay không bị bán thêm đáng kể. NVL bị bán ròng đột biến hơn 61 tỷ đồng. CTG được mua mạnh 211,3 tỷ đồng, KBC khoảng 135 tỷ, LPB hơn 118 tỷ, VHM hơn 95 tỷ đồng.