Sáng 26/12, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024.
LAO ĐỘNG BỊ MẤT VIỆC, GIÃN VIỆC GIẢM NHIỆT
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2023, thị trường lao động tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm tiếp tục tăng so với năm trước.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, tình trạng hàng trăm nghìn lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV năm 2022 đã giảm nhiệt trong các tháng cuối năm 2023.
Theo báo cáo nhanh từ các địa phương cho biết số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý III là khoảng 54,2 nghìn người, giảm 187,3 nghìn người so với quý trước, trong đó chiếm đa số là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 66,3% tổng số lao động nghỉ giãn việc), chủ yếu ở ngành da giày (chiếm 31,9%), tiếp theo là dệt may (chiếm 30,9%). Số lao động bị mất việc trong quý III năm 2023 là 118,4 nghìn người, giảm 99,4 nghìn người so với quý trước.
Trong đó, tập trung chủ yếu ở các lao động thuộc các ngành dệt may, da giày và chủ yếu tập trung ở hai tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ là Bình Dương (khoảng 33,6 nghìn người) và TP.HCM (khoảng 34,6 nghìn người).
Các chỉ số về lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm, thu nhập của người lao động cơ bản ổn định. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,4 triệu người, tăng 0,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2022; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%; lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng 776,0 nghìn người so với 9 tháng năm 2022.
Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực, lao động có việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,8 triệu người (chiếm 27%), giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước; số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là khoảng 1,079 triệu người; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 26,8%.
Ước thực hiện năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27-27,5%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 2,76%, đạt mục tiêu.
Cùng với đó, các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh. Ước thực hiện cả năm số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 155.000 người, đạt 129% so với kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022. Hiện tại có khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
HỖ TRỢ KỊP THỜI, BÙ ĐẮP CHI PHÍ TIỀN LƯƠNG CHO LAO ĐỘNG MẤT VIỆC
Đối với việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến tháng 11/2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 17,515 triệu người; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 14,304 triệu người.
Ước thực hiện cả năm, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 39,25%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng trên 31,58%, đạt và vượt các mục tiêu đề ra.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Tính đến đến ngày 30/11/2023, tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.034.889 người, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022 (919.075 người), số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 955.058 người, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022 (909.089 người).
Qua đó, hỗ trợ người lao động bị mất việc làm bù đắp được chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống; đồng thời kịp thời hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ cũng đã chỉ đạo các cơ quan lao động tại địa phương nắm tình hình tiền lương, quan hệ lao động, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ cho người lao động, nhất là những lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, thu hẹp sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, triển khai các hoạt động của Uỷ ban quan hệ lao động và Hội đồng Tiền lương Quốc gia, trong đó tăng cường các hoạt động tham vấn, trao đổi về chính sách lao động, tiền lương, quan hệ lao động và các vấn đề phát sinh về quan hệ lao động thông qua cơ chế ba bên, góp phần bảo đảm đời sống của người lao động, việc làm và thu nhập của người lao động tiếp tục ổn định và tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Quý III năm 2023, thu nhập bình quân tháng của người lao động đạt 7,9 triệu đồng, tăng 7,9% so với năm 2022. Tình hình quan hệ lao động cơ bản duy trì ổn định, số cuộc tranh chấp lao động, đình công giảm, không có biến động lớn về tính chất vụ việc (tính đến tháng 11/2023, cả nước xảy ra 22 cuộc đình công, giảm 75% so với cùng kỳ năm 2022).
Trong năm 2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục tập trung triển khai tốt các chính sách ổn định thị trường lao động, tạo công ăn việc làm, đảm bảo an ninh trật tự, an ninh con người, an sinh và an dân.
Cùng với đó, phát triển thị trường lao động đầy đủ, hiện đại, vận hành linh hoạt, đảm bảo đồng bộ, liên thông đa tầng, đa ngành, đa lĩnh vực, đa vùng và hội nhập quốc tế, kết nối và điều tiết hiệu quả cung - cầu lao động, khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công và khu vực tư, khuyến khích người lao động tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực và sở trường…
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá, năm 2023 là một năm đầy khó khăn, thách thức. Nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp, với quyết tâm của cán bộ công chức, người lao động toàn Ngành, Bộ đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; kịp thời xử lý, phản ứng chính sách; vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa chú trọng xử lý những tồn đọng, những vấn đề mới phát sinh.
Ông cũng yêu cầu đánh giá sâu sắc những kết quả đạt được, tìm ra nguyên nhân trong thời gian tới, đặc biệt tìm ra giải pháp giải quyết các vấn đề tồn tại trong năm 2024.