November 26, 2020 | 08:12 GMT+7

Số người thất nghiệp tăng khiến chứng khoán Mỹ tuột khỏi mức kỷ lục

Bình Minh

Thống kê cho thấy số người thất nghiệp gia tăng khiến nhà đầu tư suy giảm tâm lý ham thích rủi ro của phiên trước

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (25/11), khi thống kê cho thấy số người thất nghiệp gia tăng khiến nhà đầu tư suy giảm tâm lý ham thích rủi ro của phiên trước.

Hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones cùng trượt khỏi mức điểm đóng cửa cao kỷ lục thiết lập trong phiên ngày thứ Ba, dưới sức ép giảm chủ yếu đến từ cổ phiếu chu kỳ và cổ phiếu nhỏ, vốn là những nhóm tăng chủ lực trước đó trong tuần. Cổ phiếu công nghệ và liên quan đến công nghệ, vốn là những nhóm "miễn nhiễm với đại dịch, giúp chỉ số Nasdaq tránh được một phiên đi xuống - hãng tin Reuters cho hay.

Thống kê từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 21/11 tăng thêm 30.000, lên mức 778.000. Đây là tuần thứ hai liên tiếp số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ tăng và vượt dự báo của giới phân tích.

Dữ liệu nay là một dấu hiệu cho thấy làn sóng sa thải mới ở Mỹ khi số ca nhiễm Covid-19 tăng cao buộc nhiều địa phương ở nước này phải tái áp các biện pháp phong tỏa. Thất nghiệp gia tăng có thể cản trở sự phục hồi còn mong manh của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dù vậy, giới đầu tư ở Phố Wall vẫn giữ hy vọng vào việc vaccine ngừa Covid-19 sẽ sớm được tiêm phòng trên diện rộng.

"Đây là ngày của các cổ phiếu tăng trưởng, thay vì thuộc về những cổ phiếu giá trị như trong mấy phiên trước. Trên thị trường vẫn đang diễn ra một cuộc giằng co giữa virus và vaccine", chiến lược gia trưởng về đầu tư Tim Ghriskey thuộc Inverness Counsel ở New York nhận xét.

"Có một thực tế đang dần định hình là cho dù vaccine sẽ sớm được phân phối, virus sẽ không biến mất nhanh chóng. Mọi người đang dựa vào thực tế đó để hình dung ra một tiến trình của sự phục hồi kinh tế", ông Ghriskey phát biểu.

Phiên ngày thứ Năm (26/11), thị trường tài chính Mỹ sẽ đóng cửa để nghỉ lễ Tạ ơn (Thanksgiving). Ngày thứ Sáu, thị trường sẽ đóng cửa sớm hơn thường lệ.

Chứng khoán Mỹ có vẻ như đang "tua lại" những diễn biến của hai tuần trước: lúc đầu thị trường tăng điểm mạnh nhờ những thông tin hứa hẹn về vaccine, nhưng sau đó lại sụt giảm vì tin về lệnh phong tỏa và thực tế bệnh dịch.

Dù vậy, những bước tiến tích cực của vaccine và việc không còn những bấp bênh xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã đưa các chỉ số chứng khoán nước này lên những đỉnh cao mới, trong đó S&P 500 đang tiến tới hoàn tất tháng 11 rực rỡ nhất trong lịch sử.

Giới phân tích và đầu tư tin rằng chứng khoán Mỹ vẫn còn dư địa để tăng. Một cuộc khảo sát gần đây của Reuters cho thấy các nhà phân tích dự báo S&P 500 sẽ tăng 9% trong thời gian từ nay đến cuối 2021. Chỉ số này đã tăng khoảng 66% kể từ mức đáy thiết lập vào tháng 3 - thời điểm thị trường lao dốc vì Covid-19 - và hiện đã tăng 12% so với đầu năm.

Lúc đóng cửa phiên ngày thứ Tư, Dow Jones giảm 173,77 điểm, tương đương giảm 0,58%, còn 29.827,47 điểm. S&P 500 giảm 5,76 điểm, tương đương giảm 0,16%, còn 3.629,65 điểm. Nasdaq tăng 57,08 điểm, tương đương tăng 0,47%, đạt 12.094,4 điểm.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 7 nhóm chốt phiên trong trạng thái giảm, với mức giảm lớn nhất thuộc về cổ phiếu năng lượng.

Cổ phiếu Tesla duy trì đà tăng của những phiên trước, chốt phiên cộng thêm 3,4% giá trị. Trong phiên ngày thứ Ba, Tesla thiết lập một cột mốc lớn khi vốn hóa thị trường của hãng vượt 500 tỷ USD.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,24 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,01 lần.

Có tổng cộng 10,76 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 11,17 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate