October 28, 2012 | 21:21 GMT+7

Số tập đoàn, tổng công ty “chắc chắn dưới 10”

Nguyên Trang

Người phát ngôn Chính phủ thông tin về số lượng tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thời gian tới

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì buổi họp báo chiều 28/10.<br>
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì buổi họp báo chiều 28/10.<br>
Dự kiến trong tháng 11 tới, Chính phủ sẽ ban hành nghị định về quản lý, giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có ấn định số lượng các doanh nghiệp nói trên.

Thông tin này được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đưa ra tại buổi họp báo Chính phủ chiều tối 28/10.

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, về tiến độ sắp xếp, cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty, hiện nay, trong số 21 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì có 11 đơn vị là tập đoàn kinh tế, có 10 doanh nghiệp là tổng công ty 90, 91.

Ông Đam nói, mấy năm trước, khi có chủ trương cho các doanh nghiệp mở rộng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, Chính phủ đã cho phép thí điểm một số tập đoàn kinh tế. Hiện nay, sau một thời gian thực hiện đương nhiên phải đánh giá kết quả của việc thí điểm đó như thế nào.

Trong số 11 tập đoàn kinh tế hiện nay, tới đây Chính phủ sẽ sắp xếp lại theo hướng là Thủ tướng chỉ có quyền hạn, trách nhiệm trực tiếp đối với một số ít các tập đoàn, số còn lại sẽ giao cho các bộ chuyên ngành, UBND cấp tỉnh và các bộ liên quan cùng quản lý và có trách nhiệm trực tiếp.

Về số lượng “chốt” các tập đoàn, tổng công ty, Bộ trưởng Đam cho biết, hiện Chính phủ đang nghiên cứu, xem xét để biểu quyết giữ lại bao nhiêu nên chưa thể công bố được.

Tuy nhiên, người phát ngôn Chính phủ khẳng định, “trong số 21 tập đoàn, tổng công ty thì tới đây chắc chắn sẽ còn dưới 10 doanh nghiệp nữa mà thôi”.

Ông cũng lưu ý, trong số 21 tập đoàn, tổng công ty nói trên, nếu tới đây không còn giữ nguyên mô hình thì cũng không có nghĩa là doanh nghiệp đó sẽ dừng hoạt động mà sẽ tiến hành sắp xếp theo mô hình, tái cấu trúc lại theo quy định để phù hợp với năng lực quản lý.

Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty cũng không có nghĩa là làm ngay mà phải có lộ trình. Bởi lẽ, việc tái cơ cấu này có liên quan đến việc bán phần vốn nhà nước đang nắm giữ. Nếu thị trường đang tốt thì bán cổ phần ra ngoài sẽ có lời, nhưng nếu thị trường xấu mà vẫn bán sẽ lỗ.

Trả lời cầu hỏi của báo giới về tiến trình tái cơ cấu tập đoàn Vinashin và xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể tại EVN, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, đối với Vinashin, việc cơ cấu lại tập đoàn này là việc rất quan trọng nên phải có đề án tái cơ cấu riêng. Hiện Chính phủ cũng đã xin ý kiến của Bộ Chính trị nhưng Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu kỹ và làm rõ thêm một số vấn đề trước khi có quyết định cuối cùng.

Riêng với việc xử lý trách nhiệm cá nhân tại EVN, hiện Chính phủ đã chỉ đạo thay Chủ tịch Hội đồng Thành viên, cơ cấu lại EVN Telecom… Trong đó, có việc thành lập một hội đồng kỷ luật để bàn và xem xét các hồ sơ liên quan đến trách nhiệm nguyên Chủ tịch EVN cũng như liên quan đến các thành viên khác. Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công Thường thì có thể trong tháng 11 tới, hội đồng sẽ họp và đưa ra kết luận chính thức.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate