Một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng của Quốc hội năm 2009 là thực hiện giám sát về các chính sách pháp luật sử dụng và quản lý vốn và tài sản của Nhà nước tại các tập đoàn và tổng công ty của Nhà nước.
Nhiều báo cáo với những con số hết sức sinh động liên quan đến sức khoẻ của các tập đoàn Nhà nước đã được nêu ra. Tuy nhiên, bức tranh thực của tập đoàn Nhà nước vẫn chưa hoàn toàn rõ nét khi có nhiều ý kiến cho rằng thực chất giám sát mới làm được một phần về chính sách, pháp luật, còn về hiệu quả quản lý sử dụng vốn của Nhà nước thì mới chỉ chỉ ra “phần nổi”. Còn toàn bộ phần tài sản của tập đoàn và tổng công ty Nhà nước đang nắm giữ được Nhà nước giao cho nhiều năm qua đến nay là bao nhiêu thì chưa thể tính được.
Chúng tôi xin giới thiệu một số góc nhìn và kiến nghị về vấn đề này.
Khó biết đích xác hiệu quả kinh tế của tập đoàn Nhà nước
Ông Mã Điền Cư, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội
"Như chúng ta vẫn biết, một trong những lợi thế không thể phủ nhận mà các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước được hưởng, ngoài việc được Nhà nước rót vốn và tạo điều kiện hỗ trợ tối đa khi vay vốn ngân hàng vốn là các chính sách ưu đãi đặc biệt, được đặc quyền khai thác và kinh doanh ngành nghề có mức độ lợi nhuận rất lớn như khai thác độc quyền nguồn tài nguyên của đất nước hay như việc cung ứng các sản phẩm thiết yếu từ xăng dầu đến điện than...
Những đặc quyền, đặc lợi đó đã dẫn đến độc quyền trong phân phối hàng hóa, dịch vụ như giá bán điện, than, xăng dầu đều do các tập đoàn và tổng công ty chi phối, người tiêu dùng chỉ biết chấp nhận...
Nhưng điều đáng lo ngại hơn cả là các tập đoàn và tổng công ty có số vốn thực rất ít, phần lớn là vốn vay ngân hàng nhưng một số tập đoàn lại sử dụng vốn đó để đầu tư tràn lan vào những ngành nghề khác. Trong khi đó tỷ lệ lợi nhuận bình quân hàng năm của các tập đoàn và tổng công ty lại chưa được công khai, minh bạch, nên ít ai biết đích xác hiệu quả kinh tế thực của vốn đầu tư Nhà nước tại các doanh nghiệp này là thế nào.
Theo tôi được biết, nhóm doanh nghiệp Nhà nước hiện nay nắm giữ 60% nguồn vốn cho vay của các ngân hàng thương mại trong nước chưa tính đến 70% vốn vay nước ngoài, nhưng chỉ đóng góp 40% cho GDP mà đa số là từ đặc quyền khai thác nguồn tài nguyên trong nước.
Hiện nay nguồn vốn Nhà nước tại các tập đoàn và tổng công ty rất lớn, nhưng trong thực tế tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước không thể đảm đương tốt vai trò này trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cân nhắc xem xét nên thành lập một cơ quan ngang cấp Bộ chuyên trách quản lý quyền sở hữu Nhà nước ở khu vực kinh tế này, đủ năng lực, đủ thẩm quyền và vị thế chính trị nhưng không liên quan đến việc quản lý Nhà nước. Cơ quan này sẽ thực hiện vai trò giám sát và công khai hóa thông tin về hoạt động của tập đoàn và tổng công ty Nhà nước.
Để có một khung pháp lý cho hoạt động của cơ quan chuyên trách nói trên, trước hết Chính phủ cần ban hành nghị quyết về quản lý đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước, trên cơ sở đó về lâu dài cần nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước để điều chỉnh.
Cùng đó, để tránh tình trạng đa dạng hóa ngành nghề một cách tràn lan của các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước, tôi đề nghị mỗi doanh nghiệp phải có một lĩnh vực chuyên sâu, ở đó phải xây dựng năng lực cốt lõi và làm tốt nhất khả năng của mình trước khi mở rộng ngành nghề khác. Việc mở rộng đó có thể giúp tập đoàn và tổng công ty khắc phục những biến động thất thường của thị trường liên quan đến ngành kinh doanh chính.
Như vậy có nghĩa là lĩnh vực được mở phải liên hệ đến ngành kinh doanh chính, ví dụ kinh doanh nghề dệt may có thể mở rộng sản xuất nguyên liệu, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, tiêu thụ chứ không thể chuyển sang kinh doanh bất động sản...".
Nợ xấu của tập đoàn Nhà nước với nợ xấu của ngân hàng
Ông Vũ Quang Hải, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
"Hiện nay, quyền sở hữu và quyền sử dụng vốn tuy đã được xác lập ở một số quy định của pháp luật nhưng còn chưa làm rõ về vai trò quản lý hành chính đối với các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là trong quan hệ giữa mệnh lệnh hành chính với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước.
Doanh nghiệp Nhà nước thực hiện quyết định hành chính Nhà nước của cấp trên hay thêm vào đó là chấp hành theo các quy định của Luật Doanh nghiệp? Doanh nghiệp Nhà nước thực hiện các đơn đặt hàng của Nhà nước hay thực hiện các mệnh lệnh hành chính của Nhà nước?
Muốn đánh giá được bức tranh thực của tập đoàn Nhà nước thì phải bóc tách ra được về vốn pháp định mà Nhà nước giao cho các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là nguồn vốn được bổ sung từ nguồn ngân sách Nhà nước. Điều này sẽ rất quan trọng để đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước.
Tôi cho rằng để tạo ra sân chơi bình đẳng theo Luật Doanh nghiệp thì chủ sở hữu vốn Nhà nước chỉ can thiệp khi thấy rằng vốn Nhà nước được giao cho doanh nghiệp đang có dấu hiệu bị xâm hại hoặc phát huy không hiệu quả. Sự can thiệp của Nhà nước chỉ ở mức như vậy sẽ làm cho các doanh nghiệp Nhà nước chủ động hơn và cũng đảm bảo được phát huy hiệu quả vốn quản lý của Nhà nước tốt hơn.
Một vấn đề khác mà tôi đang rất băn khoăn là về các khoản vốn vay, vay của tổ chức tín dụng, nợ ngắn hạn, nợ dài hạn và những xác định nợ xấu của các tập đoàn Nhà nước có liên quan đến nợ xấu của ngân hàng. Theo nhận xét của một số tổ chức đánh giá tài chính và tín dụng quốc tế thì nợ xấu của chúng ta lên tới 13%. Tuy các thông tin như vậy chỉ có tính chất tham khảo nhưng tôi nghĩ không thể chủ quan để thật tỉnh táo khi xem xét mối quan hệ nợ của các tập đoàn Nhà nước đến nợ xấu của ngân hàng.
Tôi được biết nhóm nợ xấu năm 2008 có 31 tập đoàn, tổng công ty có nợ vượt ngưỡng theo quy định là mức vay trên vốn gấp 3 lần. Nợ vay của tổ chức tín dụng thì có 7 tập đoàn nợ 128.768 tỷ, tăng 21,54% so với năm 2007.
Cái mà tôi lo ngại không phải là nợ lớn, mà vấn đề là khả năng trả nợ thế nào. Có những doanh nghiệp Nhà nước vừa nợ các tổ chức tín dụng, vừa nợ phát hành trái phiếu, vừa tham gia vào đầu tư bất động sản, chứng khoán và một số các đầu tư khác kể cả đầu tư vào ngân hàng... Chúng ta đã có sự phân tích thật thấu đáo đến những khoản nợ này chưa?”.
Cần quản lý sâu sát vốn của các doanh nghiệp Nhà nước
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư U&I Bình Dương
“Có nhiều con số mà chúng ta được biết về các doanh nghiệp Nhà nước chưa phải là con số “trúng”. Chẳng hạn như về con số vốn sở hữu của trái phiếu các doanh nghiệp Nhà nước. Vì vậy, khi chúng ta lấy con số này ra so sánh với hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp ngoài Nhà nước thì không có cơ sở so sánh như nhau.
Đương nhiên chúng ta không mong đợi các cơ sở Nhà nước sẽ có mức lãi vốn sở hữu cao hơn các doanh nghiệp ngoài quốc doanh nhưng cần có con số chính xác về vốn sở hữu của họ, đặc biệt là giá trị thị trường về đất đai mà họ quản lý để chúng ta có cách nhìn nhận đúng hơn.
Có một câu hỏi được đặt ra là có thể quản lý sâu sát vốn của các doanh nghiệp Nhà nước không? Câu trả lời là: rất khó. Quốc hội với cơ quan kiểm toán của mình hay Chính phủ với Bộ Tài chính hay SCIC cũng không thể nào có đủ nguồn lực về phương tiện và con người để có thể giám sát và kiểm soát một số lượng doanh nghiệp Nhà nước rất lớn như hiện nay một cách sâu sát được.
Chắc chắn SCIC không cách nào có thể quản lý tốt đồng vốn của Nhà nước khi mà một cán bộ trẻ trung bình phải quản đến 20 doanh nghiệp như vậy. Chúng ta phải có một giải pháp, một cơ chế rõ ràng để giải quyết vấn đề nhân lực cho việc quản lý vốn cho các công ty của Nhà nước và công tác quản lý vốn này phải được thực hiện liên tục, thường xuyên như công việc của Ban kiểm soát ở các công ty cổ phần.
Do vậy, từng doanh nghiệp Nhà nước cần có Ban kiểm soát với các thành viên độc lập và không nhận lương do doanh nghiệp Nhà nước đó chi trả, phần lương này phải do ngân sách trả. Thậm chí chúng ta có thể mời các công ty kiểm toán lớn trong nước và nước ngoài tham gia vào công tác kiểm soát này.
Còn một vấn đề nữa rất đáng suy nghĩ là giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Đó là các doanh nghiệp ngoài Nhà nước thực sự luôn coi “đồng tiền liền khúc ruột”, luôn “lao tâm khổ trí” tiết kiệm từng đồng cho doanh nghiệp của mình. Động lực của họ là phải tồn tại, phát triển trong môi trường đầy cạnh tranh đương nhiên và phải sinh ra được lợi nhuận. Chúng ta phải làm sao cho đội ngũ quản lý doanh nghiệp Nhà nước có cùng suy nghĩ và động lực tương tự, làm sao để hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước được công khai minh bạch chứ không phải bằng các quyền lợi không chính đáng".
Bức tranh thực của tập đoàn Nhà nước
Ông Nguyễn Đăng Vang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ của Quốc hội
"Các tập đoàn Nhà nước đã đóng góp lớn, rất quan trọng cho việc thực hiện sự nghiệp đổi mới, chuyển đổi nền kinh tế của nước ta. Chúng ta hình dung nếu không có Tập đoàn dầu khí Việt Nam thì làm sao chúng ta có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hiện nay, chúng ta có xăng, dầu dùng thuận tiện như hiện nay. Nếu như không có Tổng công ty Viễn thông Việt Nam, hay Tổng công ty Viễn thông Quân đội thì làm sao chúng ta có sử dụng giá điện thoại rẻ và phủ sóng đến mọi nơi như hiện nay. Nếu như không có Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì không thể có tới gần 100% gia đình kể cả vùng sâu, vùng xa được sử dụng điện mà một số nước có nền kinh tế và thu nhập khá hơn nước ta cũng chưa đạt được 90% phủ điện trên toàn quốc...
Nhưng tôi vẫn còn nhiều băn khoăn về bức tranh thực, hiệu quả thực của tập đoàn Nhà nước.
Trước hết là việc một số doanh nghiệp thua lỗ 3 năm liền. Ví dụ Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 có 3 năm liền lỗ, năm đầu tiên lỗ 655 triệu, sau đó lên 30 tỷ, sau đó 57 tỷ. Hay Tổng công ty Xây dựng đường thủy năm đầu lỗ 429 tỷ, năm sau tiếp tục cộng lên thành 691 tỷ và năm tiếp nữa lên 719 tỷ, liên tục.
Nợ phải thu so với chủ sở hữu rất cao, như Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5, nợ phải thu gấp 36 lần so với vốn chủ sở hữu. Hay Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8, nợ phải thu gấp 12 lần so với vốn chủ sở hữu và nợ khó đòi cao hơn so với vốn chủ sở hữu...
Thứ hai là tôi băn khoăn về một số số liệu về thành tích của các tập đoàn Nhà nước. Ví dụ nói xuất khẩu trên 50% do tập đoàn Nhà nước thì có phải là như vậy hay không?
Vì, như theo báo cáo của Chính phủ thì năm 2006, xuất khẩu của tất cả doanh nghiệp Việt Nam, kể cả Nhà nước và tư nhân, kể cả những doanh nghiệp nhỏ của Nhà nước chiếm 37,2%, còn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài xuất khẩu tới 62,8%. Năm 2007 thì các doanh nghiệp của Việt Nam có 39,7%, còn doanh nghiệp nước ngoài chiếm 60,3%, năm 2008 thì 45% là doanh nghiệp Việt Nam, còn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn chiếm 55%.
Như vậy, có nghĩa là tỷ lệ xuất khẩu của tập đoàn Nhà nước phải nhỏ hơn rất nhiều chứ không thể trên 50% được".
Số vốn bị mất của tập đoàn Nhà nước đã đi đâu?
Ông Nguyễn Đình Xuân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh
"Trong thời gian 5 năm gần đây, sự hình thành và phát triển quá nhanh của các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước đã vượt quá tầm quản lý của Nhà nước, vượt quá những cơ sở pháp luật mà chúng ta xây dựng lên và cũng vượt quá chính khả năng điều hành của các doanh nghiệp này.
Cho nên nhiều người đã ví những tổng công ty của chúng ta hiện nay như là những người khổng lồ hoặc là những cỗ máy khổng lồ mà khi chế tạo ra xong người ta không thể kiểm soát được nó. Trong đó có vấn đề nhiều đơn vị thua lỗ kéo dài, hiệu quả đầu tư cực thấp, nhưng chưa có giải pháp nào để khắc phục.
Có thể nói rằng nhiều đơn vị đã chết hoặc xem như đã chết, nhưng mà chưa làm thủ tục phá sản, giải thể theo đúng Luật Phá sản mà Quốc hội ban hành năm 2004. Điều này tôi thấy rằng để càng lâu thì tài sản Nhà nước càng thất thoát, thua lỗ càng nhiều thêm, trong khi đó trách nhiệm của những người làm ra thua lỗ này ngày một mờ nhạt đi và nhiều người đã “hạ cánh an toàn”.
Nhiều công ty đầu tư ngoài ngành, đầu tư không hiệu quả dẫn đến thua lỗ, mất vốn. Nhưng như chúng ta biết trong kinh tế thị trường đồng vốn không tự sinh ra và không tự mất đi, nó chỉ chuyển đổi từ công ty này sang công ty khác, từ túi này sang túi khác. Như vậy thì có ai làm rõ được việc bao nhiêu vốn mất đi của các tổng công ty, tập đoàn này đã đi đâu?
Tất nhiên, có một số đơn vị đổ lỗi cho việc đầu tư vào những hạng mục đảm bảo kinh tế, chính trị, xã hội... Nhưng theo tôi việc này phải làm thật rõ, phải nói rõ xem số tiền đấy có chạy vào trong túi các nhà đầu tư nước ngoài, những công ty đối tác, công ty sân trước, công ty sân sau, sân trên, sân dưới, các công ty con... đã được hưởng những cái lãi từ những hoạt động thu lợi của tập đoàn, tổng công ty hay không?
Không có đơn vị kinh tế nào đi vay tiền dễ dàng như tập đoàn Nhà nước, khi đứng sau nó là ngân sách Nhà nước bảo trợ, thậm chí Nhà nước đi vay về cho vay lại hàng tỷ Đô la. Nhưng hiệu quả kinh doanh của họ chỉ tương đương với trượt giá hàng năm của chúng ta thôi, chỉ cần đem tiền đến gửi ngân hàng cũng đã có số tiền lãi đó!
Vậy mà cũng chỉ có 35/91 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là có tỷ suất lợi nhuận cao trên 15% và ở mức 15%, số còn lại kinh doanh lợi nhuận thấp hơn nhiều. Nếu là vốn của cá nhân họ thì họ có đầu tư, kinh doanh theo kiểu này hay không?".
Tại sao tập đoàn Nhà nước rất “thích” đầu tư ra ngoài?
Bà Phạm Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Việt Á
"Hiệu quả sử dụng vốn của các tập đoàn Nhà nước đang kém hiệu quả và đầu tư dàn trải ra các lĩnh vực ở ngoài ngành cũng như nhiều lĩnh vực kém hiệu quả hơn lĩnh vực chủ chốt của mình.
Điều mà tôi đặc biệt lưu tâm là tại sao các tập đoàn Nhà nước rất thích đầu tư ra ngoài và đầu tư ra cả những lĩnh vực kém hiệu quả hơn, trong khi đó những công ty ngoài quốc doanh lại rất e ngại và dè chừng với vấn đề đầu tư vì mỗi khi đầu tư người ta sẽ thấy đấy là gánh nặng tài chính và gánh nặng trách nhiệm đối với những phần đầu tư của mình.
Các tập đoàn Nhà nước thích đầu tư ra ngoài phải chăng vì những khoản lợi mà họ được hưởng còn phần thiệt thòi Nhà nước chịu khi hoạt động kinh doanh của khối này đã xuất hiện tình trạng “cha chung không ai khóc” nên kinh doanh theo kiểu thời vụ và đầu cơ như vậy?
Như trong thời gian qua, chủ yếu việc đầu tư của họ vào các lĩnh vực mang tính đầu tư ngắn hạn, mục tiêu lợi nhuận trước mắt nhiều hơn là đầu tư vào các lĩnh vực dài hạn, lĩnh vực bất động sản, chứng khoán và các quỹ đã được đầu tư nhiều hơn so với các lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản...
Xem xét nhìn nhận trên bình diện thế giới thì những tập đoàn kinh tế của thế giới phải trải qua hàng trăm năm tích lũy tài chính, tích luỹ kinh nghiệm, tích lũy nhân lực thì mới đủ sức để người ta vươn ra đa ngành. Nhưng, các tập đoàn kinh tế lớn như Siemen, như Microsoft, như Boeing có vốn rất lớn, năng lực của họ rất lớn nhưng họ có đầu tư đa ngành sang các lĩnh vực khác không? Còn nền kinh tế của chúng ta còn non trẻ, tích lũy kinh nghiệm, tích lũy vốn và quản lý đang ở mức thấp. Nếu như chúng ta phân tán và đầu tư ra đa ngành thì vô tình sẽ tự làm yếu chúng ta đi.
Nhân câu chuyện về đầu tư ra ngoài của các tập đoàn Nhà nước, điều mà tôi còn rất trăn trở là mặc dù không thể phủ nhận kinh tế Nhà nước đóng một vai trò hết sức quan trọng và không thể thiếu trong bất kỳ nền kinh tế của nước nào.
Nhưng chúng ta cũng cần phải có một cơ chế chính sách bình đẳng để tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế tư nhân cũng là những “quả đấm thép”. Nếu chúng ta chỉ nâng cao vai trò kinh tế của Nhà nước mà không thấy được vai trò kinh tế của tư nhân thì vô tình chúng ta sẽ không huy động được, cuốn hút được các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, đặc biệt là sức mạnh của toàn dân".
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate