July 26, 2023 | 09:12 GMT+7

"Soi" công nợ giữa Coteccons và Ricons

An Phong -

Trong cơ cấu nợ ngắn hạn, phải trả người bán ngắn hạn của Coteccons ghi nhận gần 4.000 tỷ đồng, trong đó phải trả Ricons 322,5 tỷ đồng tăng nhẹ so với con số đầu năm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Công ty CP Xây dựng Coteccons (CTD ) vừa công bố thông tin về việc nhận được thông báo số 10/TB-TA ngày 4/7/2023 của Tòa án nhân dân TP. HCM về Thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của CTCP Xây dựng Ricons.

COTECCONS BỊ RICONS YÊU CẦU MỞ THỦ TỤC PHÁ SẢN 

Theo Coteccons, hiện tại tổng tài sản của Coteccons là 20.042 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 8.236 tỷ đồng, lượng tiền mặt có thể sử dụng lên tới gần 4.000 tỷ đồng.

Liên quan đến sự việc tranh chấp hợp đồng kinh tế với Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Ricons, Coteccons khẳng định là có phát sinh các giao dịch bao gồm các khoản phải thu và khoản phải trả (gọi tắt là công nợ) giữa hai Công ty.

Nguyên nhân công nợ phát sinh bắt đầu từ giai đoạn trước năm 2019, Coteccons và Ricons chịu sự điều hành và xác định như là những thành phần đóng góp cho một hệ sinh thái gồm 07 Công ty thành viên có sự liên kết lẫn nhau, bao gồm: Coteccons, Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Sol E&C, Boho.

Trong quá trình hoạt động trong một hệ sinh thái, một số dự án Ricons làm tổng thầu xây dựng phát sinh những giao dịch bên liên quan đến Coteccons với vai trò là nhà thầu phụ tại dự án như: dự án Regina Hưng Yên, Thiết kế dự án Đông Á, Dự án Golden Palace và một số giao dịch cho thuê thiết bị giữa hai Công ty. Những công nợ phát sinh hiện nay vẫn chưa được quyết toán xong do vướng mắc về vấn đề xác định giá trị công nợ kèm theo những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý.

Tương tự, một số dự án Coteccons làm tổng thầu có phát sinh những công nợ cho Ricons với vai trò là nhà thầu phụ cũng chưa được quyết toán xong như: dự án Newtaco, Dự án Regina Giai đoạn 4, nhà xưởng Regina Miracle, Regina Giai đoạn 6, Dự án Regina Hưng Yên, dự án nhà máy Vinfast, dự án Simco.

Trên đây là những nguyên nhân dẫn đến những tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa hai Công ty. Coteccons đã nhiều lần yêu cầu các cuộc họp trực tiếp và văn bản nhưng Ricons không cung cấp được chứng từ pháp lý theo giá trị công nợ yêu cầu.

CTD chính thức lên tiếng. 
CTD chính thức lên tiếng. 

Thời điểm hiện tại, Coteccons đang trong quá trình đấu thầu những dự án rất quan trọng, có tầm ảnh hưởng và tạo ra giá trị cho đất nước. Mặc dù có tranh chấp công nợ hợp đồng kinh tế sẽ được sớm giải quyết theo tinh thần thiện chí tại các trung tâm trọng tài nhưng Ricons thiếu sự hợp tác và đã gửi đơn kiện lên Toà án với tuyên bố yêu cầu phá sản.

"Đây là một hành động mà chúng tôi cho rằng không phải ngẫu nhiên lại được thúc đẩy để diễn ra vào thời điểm này. Do đó, Coteccons đề nghị nhà thầu xây dựng Ricons có tinh thần hợp tác, nhanh chóng cung cấp những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý và xác định giá trị công nợ phát sinh giữa hai bên để không ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu của Coteccons", thông cáo báo chí nhấn mạnh.

"SOI" CÔNG NỢ GIỮA RICONS VÀ COTECCONS

Coteccons và Ricons đều chưa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023. Tại báo cáo tài chính Quý 1/2023/ Coteccons ghi nhận tổng cộng nguồn vốn của CTD tới cuối tháng 3 là 20.041 tỷ đồng tăng nhẹ so với con số đầu năm, trong đó, nợ phải trả 11.304 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu 8.236 tỷ đồng.

Trong cơ cấu nợ ngắn hạn, phải trả người bán ngắn hạn ghi nhận gần 4.000 tỷ đồng, trong đó phải trả Ricons 322,5 tỷ đồng tăng nhẹ so với con số đầu năm. 3.653 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn còn lại không được thuyết minh chi tiết. Khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác của CTC cũng ghi nhận góp 301,6 tỷ đồng vào Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons tỷ lệ sở hữu 14,30%.

CTD ghi nhận nợ 322 tỷ đồng với Ricons ở mục phải trả người bán ngắn hạn. 
CTD ghi nhận nợ 322 tỷ đồng với Ricons ở mục phải trả người bán ngắn hạn. 

Còn tại báo cáo tài chính quý 1/2023 của Ricons không có thuyết minh chi tiết về các công nợ phải trả - phải thu với Coteccons. Báo cáo tài chính ghi nhận tính đến cuối tháng 3, tổng cộng tài sản của Ricons là 7/176 tỷ đồng giảm mạnh so với con số đầu năm và bằng 1/3 so với tổng cộng tài sản của Coteccons (20.041 tỷ đồng). Nợ phải trả của Ricons là 4.753 tỷ đồng gáp đôi so với vốn chủ sở hữu chỉ vỏn vẹn 2.423 tỷ đồng.

Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt 1.718 tỷ đồng bằng một phần ba so với doanh thu của Coteccons 3.129 tỷ đồng (tăng mạnh so với con số cùng kỳ năm 2022 là 1.912 tỷ đồng). Chi phí tài chính tăng gấp 3 lần dẫn đến Ricons báo lãi thuần từ hoạt động kinh doanh 13,6 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh, Ricons lãi sau thuế 15,4 tỷ đồng giảm mạnh so với con số 20 tỷ đồng quý 1/2022. Dòng tiền kinh doanh âm 125 tỷ đồng.

Mới đây, Ricons thông báo bất thường về việc một cổ đông ngoại nắm 1.26% vốn đổi tên. Cụ thể, cổ đông ngoại thay đổi thông tin là Luminous VietNam and Indochina Growth Master Fund đang sở hữu 1.26% vốn tại Ricons. Tên thương mại trước đó là Kingsmead Vietnam and Indochina Growth Master Fund.

Ngoài ra, Ricons còn có 7 cổ đông ngoại khác gồm: Daiwa-Ssiam Vietnam Growth Fund II L.P sở hữu 1,3%, Rewas Holdings Limited 7,25%, Trosky Benjamin L 0,03%, David Hanibal Edington 0,45%, Douglas Craig Andrew 0,04%, Clement Chin Yeung Loh 0,09% và Okuda Mami 0,01%. Tổng cộng 8 cổ đông ngoại đang sở hữu tỷ lệ 11,42% vốn tại Ricons.Tính tới thời điểm hiện tại, Ricons có vốn điều lệ gần 400 tỷ đồng.

Về phía Coteccons, quý 1 doanh nghiệp này báo lãi sau thuế 22 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 29 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Dòng tiền kinh doanh Coteccons dương 1.239 tỷ đồng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate