Việc phát triển kinh tế ban đêm đã được Chính phủ quan tâm và định hướng từ năm 2020 với việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg. Theo đó, nhiều đô thị lớn đã triển khai các hoạt động trải nghiệm văn hóa về đêm bước đầu tạo hiệu ứng tích cực, thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch và kinh tế đô thị.
Trong năm 2025, rất nhiều địa phương đã cho ra mắt hoặc dự kiến ra mắt loạt sản phẩm du lịch đêm mới, làm sôi động thêm cuộc đua gia tăng trải nghiệm "thành phố không ngủ" cho du khách.
TP.HCM
Mới đây, Sở Du lịch TP.HCM đã có báo cáo về thực hiện đề án sản phẩm du lịch đêm gắn với mô hình kinh tế ban đêm của thành phố. Theo đó, thành phố đang sở hữu những sản phẩm du lịch đêm hấp dẫn như: Chương trình nghệ thuật “Trăng chiến khu”, “Đất thép - Địa đạo an toàn nhất trong lòng dân” (Củ Chi), tour “Sắc màu đêm” tại trung tâm thành phố, trải nghiệm Saigon Water Bus, du ngoạn ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn, các sân khấu kịch, nhạc, xiếc và các show trình diễn...

Từ nay đến cuối năm 2025, Sở sẽ phối hợp với các địa phương trên địa bàn tổ chức các tuyến phố đi bộ ban đêm; tổ chức không gian trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật đường phố, không gian nhạc nước… Đặc biệt, thành phố khuyến khích đầu tư các dự án ven sông Sài Gòn, tạo điều kiện cho các đơn vị lữ hành tổ chức chương trình tham quan các điểm đến ban đêm phù hợp.
Một hướng đi mới là tổ chức tham quan đêm và trình diễn văn hóa truyền thống tại Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Khu di tích trại giam Côn Đảo, Bạch Dinh (Vũng Tàu)... Đây sẽ là cơ hội cho các sản phẩm du lịch đêm mang chiều sâu văn hóa. Đồng thời, đề xuất các chính sách kéo dài thời gian hoạt động của các dịch vụ đêm ở những khu vực, địa bàn phù hợp với lợi thế, nhằm đáp ứng nhu cầu du khách nhưng vẫn đảm bảo an ninh trật tự.
ĐÀ NẴNG
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, chỉ trong 1 tháng diễn ra Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF 2025), thành phố đã đón đạt khoảng 1,17 triệu lượt du khách, tăng gần 10,3% so với cùng kỳ năm 2024. Hội tụ đủ điều kiện cần để phát triển kinh tế đêm, nhưng Đà Nẵng vẫn đang thiếu những "mảnh ghép quyết định" để kích hoạt lĩnh vực kinh tế giàu tiềm năng này.

Vừa qua, tại Đà Nẵng đã diễn ra "cuộc đua" gay cấn của nhiều doanh nghiệp trong đấu thầu được thuê đất để quản lý, vận hành khu chợ đêm Sơn Trà, một sản phẩm du lịch đêm nổi tiếng của thành phố. Đà Nẵng cũng đã phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất tại Dự án tổ hợp công trình Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, thuộc phường Ngũ Hành Sơn, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 10.750 tỷ đồng.
Thành phố cũng đã duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu phố du lịch An Thượng (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư của dự án hơn 104 tỷ đồng để phục vụ du lịch… Đặc biệt, thành phố vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn với tổng mức đầu tư hơn 9.881 tỷ đồng. Dự án sẽ được đầu tư dọc sông Hàn, Cổ Cò, Vĩnh Điện, Cẩm Lệ… kỳ vọng sẽ tạo động lực, làn gió mới cho kinh tế đêm tại Đà Nẵng.
HÀ NỘI
Thủ đô Hà Nội đang dần trở thành “thành phố không ngủ”, với hệ sinh thái du lịch đêm ngày càng phong phú, đa dạng về loại hình và chiều sâu trải nghiệm. Thay vì chỉ xoay quanh ẩm thực hay phố cổ, du lịch đêm Thủ đô nay đã lan tỏa sang các lĩnh vực nghệ thuật, sáng tạo và tương tác văn hóa.
Nổi bật trong chuỗi sản phẩm mới là tour “Tiếng chuông Trấn Vũ” tại đền Quán Thánh - sản phẩm tâm linh kết hợp ánh sáng nghệ thuật và âm nhạc truyền thống. Bên cạnh đó, các tour đêm như “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, “Tinh hoa đạo học” tại Văn Miếu, tour Nhà tù Hỏa Lò, hay show thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”… đã thổi sức sống mới vào những không gian di tích thông qua công nghệ 3D mapping và trình diễn dân gian đương đại.

Bên cạnh những không gian tĩnh này là các sản phẩm “động”. Nổi bật là đoàn tàu “Năm Cửa Ô”, đoàn tàu văn hóa kết hợp quầy bar, sân khấu biểu diễn hát xẩm, chèo, nhạc trẻ và thiết kế kính trời ngắm cảnh đêm Hà Nội. Sản phẩm được kỳ vọng sẽ ra mắt từ ngày 19/8/2025, hứa hẹn trở thành biểu tượng mới của du lịch đêm Thủ đô.
Cũng trên trục kinh tế đêm, hè năm nay Vietnam Airlines đã khai thác hiệu quả các chuyến bay đêm nội địa, với mức giá giảm 30% cho khách lẻ và thêm 10% cho khách đoàn. Hành khách sử dụng vé máy bay đêm còn được khuyến khích ở lại dài hơn nhờ chương trình miễn/giảm tới 80% giá phòng đêm đầu tiên nếu lưu trú từ 3 đêm trở lên.
HẢI PHÒNG
Thành phố Hải Phòng vừa qua đã chính thức ra mắt sản phẩm du lịch đêm đầu tiên mang tên “Dấu thiêng Hàng Kênh”. Tour đêm này là sự kết hợp giữa nghệ thuật trình diễn dân gian, nghi lễ truyền thống và công nghệ hiện đại, với các hoạt động tiêu biểu.
Đó là: Biểu diễn rối nước trên hồ bán nguyệt; nghi lễ dâng hương, dâng văn; các hoạt động giao lưu, biểu diễn nghệ thuật truyền thống như chèo, ca trù và đặc biệt là tiết mục hát cửa đình - Di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp được UNESCO công nhận vào năm 2009.




Thước phim 3D mapping sẽ tái hiện, dẫn dắt người xem qua 5 phân đoạn: Từ hình ảnh Làng cổ Đường Lâm - quê hương Ngô Quyền, đến cảnh luyện quân, nghiên cứu thủy triều, bố trí bãi cọc và đại cảnh trận thủy chiến Bạch Đằng lịch sử. Bên cạnh đó là các hoạt động trải nghiệm viết chữ thầy đồ, in tranh Đông Hồ, mua sắm các sản phẩm truyền thống…
“Chúng tôi mong muốn đưa một sản phẩm du lịch bền vững, phát huy được các giá trị di sản bằng công nghệ số; phát triển du lịch song song với bảo vệ môi trường”, Phó Chủ tịch Tập đoàn L’Héritage Phùng Quang Thắng nhấn mạnh.
HUẾ
Trong những năm qua, tại thành phố Huế, các mô hình du lịch đêm ngày càng được định hình rõ nét, tập trung tại các khu vực trọng điểm như: tuyến phố đi bộ Phạm Ngũ Lão – Võ Thị Sáu – Chu Văn An, phố đi bộ Hai Bà Trưng, không gian văn hóa nghệ thuật trục đường Lê Lợi, khu vực phụ cận Đại Nội, và các tuyến đi bộ hai bờ sông Hương.
Trên nền tảng giá trị văn hóa đặc sắc, Huế cũng bước đầu phát triển một số hoạt động thể thao và chăm sóc sức khỏe về đêm, góp phần hình thành thói quen sinh hoạt lành mạnh cho người dân và du khách. Các sự kiện như "Hue Jogging Night" hay các CLB yoga tại công viên Thương Bạc, khu vực cầu gỗ lim, phối hợp với âm nhạc tạo nên không gian sinh hoạt cộng đồng sinh động….

Cùng với đó, chương trình "Đại Nội về đêm" được thí điểm kéo dài thời gian mở cửa đến 23h, các tour "Huế về đêm" kết hợp xe điện, xe buýt 2 tầng, dạo bộ và thưởng thức Ca Huế hoặc ẩm thực truyền thống... đạt công suất bình quân 70% mỗi tối. Tuyến du thuyền đêm trên sông Hương kết hợp nhạc truyền thống và dịch vụ ăn tối đã được tổ chức định kỳ, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch về đêm của thành phố di sản.