March 08, 2023 | 14:42 GMT+7

Sớm bố trí vốn nâng cấp Quốc lộ 37 qua Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc tại Hải Dương

Anh Tú -

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc vẫn chưa được bố trí vốn dù Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 hay dùng vốn của chương trình phục hồi...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đang nghiên cứu bố trí vốn cho Bộ Giao thông vận tải để sớm triển khai dự án đầu tư dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đang nghiên cứu bố trí vốn cho Bộ Giao thông vận tải để sớm triển khai dự án đầu tư dự án.

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản số 2095/BGTVT-KHĐT gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Hải Dương về việc mở rộng Quốc lộ 37 để nhân dân đi lại thuận tiện. Theo phản ánh của cử tri tỉnh Hải Dương, hiện nay Quốc lộ 37 qua phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh đến khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc mặt đường hẹp, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn.

BỔ SUNG VÀO KẾ HOẠCH BẢO TRÌ NĂM 2023

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hải Dương, Bộ Giao thông vận tải, cho biết để có thể sớm đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo, đề xuất đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và sử dụng nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với mức vốn hơn 1.400 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2023 - 2024.

Tuy nhiên, "các đề xuất nêu trên vẫn chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận bố trí vốn cho dự án", Bộ Giao thông vận tải thông tin.

Ngày 21/11/2022, Tỉnh ủy Hải Dương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Hải Dương để đầu tư dự án, Bộ Giao thông vận tải có văn bản góp ý gửi Văn phòng Chính phủ trong đó thống nhất đề xuất của tỉnh Hải Dương về sự cần thiết đầu tư đoạn tuyến và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu bố trí vốn cho Bộ Giao thông vận tải để sớm triển khai dự án đầu tư dự án, đáp ứng nhu cầu vận tải khu vực.

Trong điều kiện chưa thực hiện ngay việc đầu tư dự án, Bộ Giao thông vận tải cho biết đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải Hải Dương kiểm tra thực tế hiện trường để xem xét, bổ sung kế hoạch bảo trì đường bộ năm 2023 danh mục công trình sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường, hệ thống thoát nước trên Quốc lộ 37 đoạn Km93+900 - Km99+680.

Theo đó, kế hoạch bảo trì năm 2023 sẽ gia cố lề mở rộng mặt đường; bù vênh, tăng cường mặt đường cũ và thảm bê tông nhựa toàn bộ mặt đường; sửa chữa, bổ sung công trình thoát nước ngang, thoát nước dọc; sửa chữa, bổ sung hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông, hoàn trả tường bao nhà dân, nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến.

NHIỀU ĐOẠN XUỐNG CẤP NGHIÊM TRỌNG

Quốc lộ 37 là tuyến đường liên tỉnh nối 8 tỉnh, thành gồm: Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái và Sơn La. Điểm đầu tuyến tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, điểm cuối tại ngã ba Cò Nòi, thuộc xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, với tổng chiều dài khoảng 485km.

Trong đó, tuyến Quốc lộ 37 đi qua địa phận tỉnh Hải Dương có tổng chiều dài khoảng 64 km, lần lượt đi qua các huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, TP Hải Dương, huyện Nam Sách và TP. Chí Linh. Tuyến quốc lộ có lưu lượng 8.284 xe con quy đổi/ngày đêm, vượt gần 3 lần thiết kế. 

Trong đó, Quốc lộ 37 đoạn từ cầu Chanh (Ninh Giang) km26+828 đến ngã ba Sao Đỏ (Chí Linh) km87+050 đã được cải tạo nâng cấp. Đoạn còn lại đến cuối tuyến chưa được nâng cấp cải tạo. 

Hiện đoạn Quốc lộ 37 qua địa phận TP. Chí Linh nhiều đoạn đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều "ổ voi", "ổ trâu" như bẫy người đi đường. Để khắc phục những bất cập này, UBND TP. Chí Linh nhiều lần đề nghị Bộ Giao thông vận tải và các ngành sớm đầu tư, nâng cấp để người dân yên tâm khi tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, việc nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 37, đoạn qua Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc còn tạo điều kiện thuận lợi về giao thông cho du khách đến tham quan tại khu di tích, đồng thời, đảm bảo an toàn giao thông, kết nối với các tuyến giao thông nội bộ khu di tích. Từ đó, thu hút du khách tham qua đến với khu di tích và khu vực lân cận, tạo động lực phát triển dịch vụ du lịch, kinh tế - xã hội TP. Chí Linh nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung.

Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, Bộ Giao thông vận tải chưa bố trí kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2012-2025 để đầu tư xây dựng và đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện đầu tư đoạn tuyến. 

Huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư các công trình trọng điểm, có tính lan tỏa, đặc biệt ưu tiên tập trung đầu tư đột phá lĩnh vực giao thông kết nối vùng, liên vùng, trong Kế hoạch đầu tư công 2021-2025, tỉnh Hải Dương sẽ tập trung đầu tư 40 dự án giao thông quy mô lớn, với tổng mức đầu tư khoảng 27.000 tỷ đồng như: đường trục Đông Tây và hai nút giao đường ô tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng với đường tỉnh 392 và 390...          

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate