Để nắm tình hình tiền lương, tiền thưởng và quan hệ lao động trên địa bàn trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 sắp tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã gửi công văn đến các đơn vị trên địa bàn cùng phối hợp thực hiện.
Yêu cầu được gửi đến Liên đoàn Lao động thành phố, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, Liên minh hợp tác xã thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã trên địa bàn.
Theo đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị các đơn vị nêu trên theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, đời sống công nhân lao động trong các doanh nghiệp. Chủ động các giải pháp bảo đảm cân đối cung – cầu lao động, đáp ứng yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, bảo đảm việc làm cho người lao động trên địa bàn.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị theo dõi, nắm bắt tình hình quan hệ lao động và tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp trên địa bàn; tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động.
Cùng với việc triển khai các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tranh chấp lao động, đình công có thể phát sinh trên địa bàn trước, trong và sau dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025, các đơn vị kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ các bên đối thoại, thương lượng, thỏa thuận sớm giải quyết vụ tranh chấp lao động, đình công phát sinh, không để kéo dài, lan truyền giữa các doanh nghiệp, gây mất trật tự, an toàn xã hội.
Sở cũng đề nghị cơ quan, Ủy ban nhân dân các địa phương trên địa bàn chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp phối hợp, trao đổi với tổ chức công đoàn cơ sở rà soát lại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, quy chế thưởng để thực hiện các chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động theo nội dung đã thỏa thuận.
Đồng thời, sớm xây dựng phương án thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2024, và thông báo cho người lao động trong doanh nghiệp biết.
Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã quan tâm, chỉ đạo thực hiện việc khảo sát, nắm bắt tình hình tiền lương, nợ lương năm 2024; kế hoạch thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh và tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025.
Các doanh nghiệp Nhà nước 100% vốn điều lệ do Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội quản lý tổng hợp, báo cáo tình hình tiền lương, tiền thưởng, tình hình nợ lương.
Năm 2024, mức thưởng Tết cao nhất tại Hà Nội thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 205 triệu đồng/người, thấp nhất là 500.000 đồng/người. Mức thưởng bình quân là 4 triệu đồng/người.
Theo thông báo của Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội, trong dịp Tết Âm lịch 2025, cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan trên địa bàn Hà Nội sẽ được nghỉ 9 ngày liên tục.
Thời gian từ thứ Bảy ngày 25/1/2025, đến hết Chủ Nhật ngày 2/2/2025, tức từ ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn, đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ.
Các cơ quan, đơn vị không thực hiện lịch nghỉ cố định thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần, sẽ căn cứ thực tế của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.
Đối với người lao động không trong các doanh nghiệp, căn cứ điều kiện thực tế, người sử dụng lao động quyết định lựa chọn phương án nghỉ Tết Âm lịch cho người lao động theo thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đảm bảo thời gian nghỉ Tết Âm lịch liền 5 ngày.
Nếu ngày nghỉ hàng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, Tết, thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hàng tuần vào ngày làm việc kế tiếp theo quy định của Bộ luật Lao động. Khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ Tết Âm lịch năm 2025 cho người lao động như quy định đối với công chức, viên chức.