Theo đó, Công ty CP Quốc tế Sơn Hà cho biết, lô trái phiếu SHIH212400 đã phát hành ngày 28/7/2021 và đến hạn ngày 28/7/2024. Tổng giá trị phát hành lô trái phiếu này là 280 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngày 21/12/2022, SHI đã gửi công văn số 146/CV-SH về việc đề xuất mua lại trước hạn trái phiếu SHIH2124001 và đã được Trái chủ chấp thuận theo công văn số 435/PVIAM-KĐT ngày 24/12/2022.
Theo thống nhất của hai bên, SHI sẽ mua lại trái phiếu sớm hơn so với phương án phát hành ban đầu. Cụ thể, SHI sẽ mua lại trái phiếu thành 5 đợt, bắt đầu từ ngày 18/1/2023 và sẽ kết thúc vào ngày 29/12/2023 (trước đây là 28/7/2024).
Ngày 18/1/2023, SHI đã thực hiện mua lại trước hạn 15% mệnh giá trái phiếu, tương đương 42 tỷ đồng, theo đúng lộ trình đã được thống nhất với Trái chủ. Giao dịch này đã thực hiện công bố thông tin tới HNX và các tổ chức liên quan theo quy định hiện hành.
Như VnEconomy đưa tin, ngày 23/2/2023, HNX đã công bố Danh sách tổ chức phát hành có công bố thông tin bất thường/báo cáo theo yêu cầu có nội dung chậm trả lãi cho Trái chủ, trong đó có SHI. Bên Sơn Hà đề xuất mua lại trái phiếu.
Cụ thể, trong giai đoạn từ 16/9/2022 đến ngày 31/1/2023, theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) có 54 doanh nghiệp công bố thông tin với nội dung chậm trả gốc, lãi trái phiếu.
Trong số này có những doanh nghiệp từng huy động trái phiếu quy mô lớn như Công ty Đầu tư Quang Thuận, Công ty Sunny World, Tập đoàn Đầu tư An Đông, Bông Sen.
Đặc biệt rất nhiều doanh nghiệp trong số này kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản như Novaland, Hải Phát, Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, Nam Lan, Đầu tư LGD, Danh Khôi, Hưng Thịnh, Gotec Land, Bất động sản Hà An, Apec Land Huế, Đất xanh miền Nam, Nam Land, Sunny World, Gotec Land.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chậm trả lãi, gốc trái phiếu kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng như BCG Energy, Điện gió Trung Nam Đak Lak 1, Điện mặt trời Trung Nam, Trung Nam Thuận Nam hay Năng lượng tái tạo Đại Dương.
Hầu hết các báo cáo đều ở dạng báo cáo tuần. Tuy nhiên, có 7 doanh nghiệp báo cáo bất thường về tình hình chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu gồm: Lâu Đài Trắng, Hưng Thịnh Icons, Đầu tư Hải Phát, Nova Final Solution, Xuất nhập khẩu An Giang, VKC Holdings, Kinh doanh Bất động sản VHC.
Trước đó, thống kê của VnEconomy cho thấy, trên trang thông tin trái phiếu của HNX hơn một tháng trở lại đây, hàng loạt doanh nghiệp công bố chậm trả lãi trái phiếu, nguyên nhân chủ yếu do kinh doanh khó khăn, không có dòng tiền hoạt động. Dự báo con số này sẽ còn gia tăng trong thời gian tới.
Công ty CP Quốc tế Sơn Hà đã có 25 năm xây dựng và phát triển, định hướng trở thành Tập đoàn kinh tế đa ngành hàng đầu Việt Nam.
Năm 2023, trong bối cảnh thách thức của nền kinh tế toàn cầu, Tập đoàn Sơn Hà vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 16% doanh thu so với năm 2022. Dự kiến doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 9.500 tỷ vnđ. Để đạt được mục tiêu này, Sơn Hà đã tập trung đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu với mục tiêu tăng trưởng 40% so với năm 2022, trong đó thị trường Ấn độ, Mỹ và EU là các thị trường chính. Đồng thời tập trung thực hiện đầu tư dự án mở rộng nhà máy sản xuất ống inox và dự án khu công nghiệp Tam Dương, Vĩnh Phúc.