June 07, 2010 | 13:39 GMT+7

“Sống dở chết dở” với hệ thống đăng ký kinh doanh mới?

Anh Quân

Địa phương gặp khó khi áp dụng hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia

Còn nhiều việc phải làm để cải tiến công tác đăng ký kinh doanh hiện nay.
Còn nhiều việc phải làm để cải tiến công tác đăng ký kinh doanh hiện nay.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM Thái Văn Rê đích thân ra tận Hà Nội tham dự buổi họp giao ban sản xuất tại bộ chủ quản cuối tuần trước, bởi vì sự “gửi gắm” của phòng đăng ký kinh doanh, sau một tuần vật lộn với hệ thống đăng ký kinh doanh mới được vận hành.

Trong 2 trang giấy mà cấp dưới ghi vắn tắt kiến nghị gửi ông Rê truyền đạt tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 4 mục in đậm cho thấy hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia dường như không theo kịp với yêu cầu công việc hiện hiện tại, và còn nhiều việc phải làm để cải tiến công tác đăng ký kinh doanh hiện nay.

“Sống dở chết dở”

Báo cáo lên Thứ trưởng thường trực Bộ chủ quản Cao Viết Sinh, ông Rê thẳng thắn: “Chúng tôi có phần mềm và anh em nói là khá lắm, và chúng tôi đã dùng phần mềm này nhiều năm rồi, rất là tiên tiến. Khi dùng mạng quốc gia mấy ngày nay thì báo cáo là tê liệt hết trơn”.

Theo ông Rê, cuối tuần trước đó, phía Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) có mang vào lắp cho bộ phận đăng ký kinh doanh của Sở này 35 cái máy tính, tuy nhiên, “máy thì mới mà mạng thì cũ nên không tương thích với nhau”, ông cho biết.

Và cũng kể từ thứ 6 tuần đó, phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM “sống dở chết dở với 35 cái mày này, kêu không biết kêu ai, kêu đến Cục Phát triển doanh nghiệp, thì lúc nghe, lúc không”, ông Rê bức xúc.

Việc phải kiến nghị tới bộ chủ quản là việc bất đắc dĩ của Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM. “Báo cáo là giai đoạn đầu cực khổ tụi tôi đồng cảm với Bộ, cùng nhau chịu cực được, nhưng doanh nghiệp Tp.HCM không cấp được giấy tờ là họ la lên”, vị Giám đốc Sở phân trần.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM, tính từ đầu năm đến ngày 20/5, đã có trên 9.500 doanh nghiệp thành lập mới (cả nước có khoảng 29.000) và gần 15 nghìn doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung kinh doanh và tăng vốn. Số dự án FDI đăng ký đạt 144, bằng 40% so với cả nước, so với cùng kỳ tăng cả về vốn đăng ký và số dự án...

“Một ngày tụi tôi làm, mấy trăm doanh nghiệp chầu chực ở đó, cho nên rất là khó”, ông Rê giãi bày.

Cải tiến hay “cải lùi”?

Trở lại với kiến nghị của cấp dưới chuyển đến ông Rê, điểm đầu tiên được liệt kê là hệ thống đăng ký kinh doanh mới áp dụng chỉ cung cấp dịch vụ đăng ký doanh nghiệp các loại hình doanh nghiệp do Luật Doanh nghiệp quy định mà không phục vụ đăng ký các loại hình khác theo quy định tại Nghị định 43/2010/NĐ-CP như ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Ông Rê còn bổ sung thêm: “Ví dụ đăng ký kinh doanh cho hợp tác xã, không có lấy đâu mà xài. Rồi doanh nghiệp nhà nước, họ đến đăng ký theo luật của mình thì lại không có”.

Cũng theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM, hiện tại phòng đăng ký kinh doanh của đơn vị này đang phải xử lý tạm thời bằng cách, một nhân viên thay vì nhập số liệu cho 1 máy thì nay phải nhập 2 máy. “Phải duy trì hệ thống cũ và duy trì hệ thống mới cùng lúc, chậm hơn, anh em làm việc cực khổ hơn, mà chưa phục vụ nổi doanh nghiệp. Báo cáo là vô cùng khó khăn”, ông kiến nghị đến Thứ trưởng của mình.

Một bất tiện khác cũng được liệt kê trong phần kiến nghị, đó là phần mềm mới chỉ làm đến cấp giấy đăng ký kinh doanh là chấm dứt, còn nghiệp vụ lưu trữ vào kho, tính lệ phí như thế nào đều không có. Vì lý do này, sau khi cấp đăng ký kinh doanh theo phần mềm mới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhân viên phòng kinh doanh phải nhập thông tin vào phần mềm khác mới lưu kho và tính lệ phí được. Nếu không, 104 nghìn doanh nghiệp đang tồn tại trên địa bàn Tp.HCM có nguy cơ mất hết thông tin lịch sử kể từ trước thời điểm ngày 1/6/2010.

“Khi công an rồi anh em cần tìm lưu trữ lịch sử doanh nghiệp, phải lục từ đầu đến đuôi mà không cho nhập phần này vô thì làm sao lục được? Hai nữa là tránh trùng tên cả nước, nhập cái mới không tính cái cũ thì làm thế nào? Cho nên, báo cáo nhiều thứ khó quá mà không biết kêu ai”, ông Rê đặt câu hỏi với bộ chủ quản.

Đáng buồn hơn, trong khi có nguyên một phòng công nghệ thông tin, chuyên môn “trị” những vấn đề này, nhưng vì phần mềm của Bộ không vào sửa được cho nên tình hình đang rất “nóng bỏng” với Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM. Quá bức xúc, ông Rê cho biết, phần mềm mới nhưng dường như đã “quá lạc hậu”.

Một loạt các chức năng được phòng đăng ký kinh doanh của ông đề nghị bổ sung thêm như cảnh báo nhân thân người đăng ký kinh doanh nếu cá nhân người đó vi phạm Luật Doanh nghiệp; cho phép nhận các văn bản hành chính của các đơn vị có thẩm quyền thực hiện các văn bản yêu cầu của cơ quan chức năng như tòa án, thi hành án… và cảnh báo ngăn chặn việc đăng ký của các doanh nghiệp có vi phạm, chờ quyết định của tòa án hay có bản án của tòa; bổ sung các chức năng thu lệ phí...

“Các đồng chí biết là làm (cấp đăng ký kinh doanh - PV) trong 5 ngày rất khó rồi, nhân viên thì ít, việc thì nhiều, cơ sở chật hẹp... Với cái kiểu này thì làm gấp đôi gấp ba lần cũng không nổi nữa”. Ông Rê lên tiếng: “Đề nghị Bộ thiết lập đường dây nóng cho một đồng chí thứ trưởng nào để tụi tôi kêu chứ không kiểu này chắc “chết”.

Khá thất vọng là đại diện của Cục Phát triển doanh nghiệp chưa thể làm thỏa mãn được những kiến nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM. Vị này thậm chí còn cho rằng việc cấp đăng ký kinh doanh theo phân cấp từ năm 2000 đến nay là công việc của tất cả các sở kế hoạch và đầu tư phải thực hiện.

“Trách nhiệm, chức năng nhiệm vụ của Cục Phát triển doanh nghiệp trong việc tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý lĩnh vực này là hỗ trợ các địa phương triển khai, chứ không phải việc của Bộ là cấp hay quản lý hệ thống, hay xử lý công việc hàng ngày”, ông này phân trần với Thứ trưởng Sinh.

Sự “cải lùi” trong hoạt động đăng ký kinh doanh tại Tp.HCM, như thế, khiến cho thông tin mà Thứ trưởng Sinh loan báo, vốn là tin vui của nhiệm vụ cải cách hành chính ngành kế hoạch và đầu tư, hóa ra lại biến thành thông tin cải chính. “Tối qua, được một doanh nghiệp đầu tiên đăng ký qua mạng, với thủ tục kéo dài có 50 phút”, ông nói.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate