Trong lúc “sóng thần” Covid-19 ở Ấn Độ chưa có dấu hiệu lắng dịu, giới chuyên gia cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ ở quốc gia Nam Á này có thể đặt ra thách thức đối với nỗ lực chấm dứt đại dịch toàn cầu.
Hãng tin CNBC dẫn số liệu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 5/5 cho biết Ấn Độ hiện chiếm 46% tổng số ca nhiễm mới Covid trên toàn cầu, dù chỉ chiếm 18% tổng dân số thế giới. Cũng theo WHO, trong vòng 1 tuần trở lại đây, cứ 4 ca tử vong vì Covid trên toàn cầu lại có 1 ca ở Ấn Độ.
Trong vòng 2 tuần qua, số ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày ở đất nước 1,4 tỷ dân luôn ở trên ngưỡng 300.000 ca. Trong tháng 4, Ấn Độ đã vượt qua Brazil để trở thành nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Theo số liệu chính thức, tính đến ngày 5/5, tổng số ca nhiễm ở nước này đã lên tới 20,67 triệu ca và số ca tử vong là 226.000. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều.
Đáng ngại hơn, đã bắt đầu có những dấu hiệu cho thấy làn sóng Covid ở Ấn Độ tràn sang các quốc gia khác. Nepal và Sri Lanka, hai nước láng giềng của Ấn Độ, báo cáo số ca nhiễm mới gia tăng. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á như Hồng Kông và Singapore đã xuất hiện những ca mắc biến chủng Covid phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ.
Hãng tin CNBC chỉ ra 3 lý do khiến cuộc khủng hoảng Covid ở Ấn Độ có thể trở thành mối nguy đối với cả thế giới:
NGUY CƠ XUẤT HIỆN BIẾN CHỦNG MỚI
Dịch bùng phát quy mô lớn và kéo dài ở bất kỳ quốc gia nào cũng có thể làm gia tăng khả năng xuất hiện những biến chủng Covid-19 mới, theo các chuyên gia. Một số biến chủng mới có thể chống lại phản ứng miễn dịch mà một cơ thể người có được thông qua tiêm chủng hoặc đã nhiễm bệnh và khỏi bệnh.
“Vấn đề là, khi có những đợt dịch bùng phát lớn, các biến chủng mới xuất hiện theo. Cho đến nay, các vaccine vẫn phát huy tác dụng ngừa bệnh dù có một số biến chủng mới mang tính đột phá. Tuy nhiên, Ấn Độ là một quốc gia lớn và đợt dịch bùng phát lớn ở đó khiến chúng tôi rất lo ngại về sự xuất hiện của những biến chủng mới có khả năng lan rộng khắp thế giới”, tiến sỹ Ashish Jha thuộc Trường Sức khoẻ cộng đồng, Đại học Brown, nhận định.
Ấn Độ là quốc gia đầu tiên phát hiện biến chủng đột biến kép B.1.617 vào tháng 10 năm ngoái. Biến chủng này hiện đã có mặt ở ít nhất 17 quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh và Singapore.
WHO hiện phân loại B.1.617 là “biến chủng đáng quan tâm”, đồng nghĩa với việc biến chủng này có mức độ lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn, và có khả năng kháng lại những vaccine và phương pháp điều trị hiện có. Tuy nhiên, WHO nói cần nghiên cứu kỹ hơn để thực sự hiểu về tầm quan trọng của biến chủng này.
CHUỖI CUNG ỨNG VACCINE TOÀN CẦU GẶP RỦI RO
Ấn Độ là một nước sản xuất vaccine lớn trên thế giới, nhưng cuộc khủng hoảng y tế hiện nay ở nước này khiến nhà chức trách ra lệnh tạm dừng xuất khẩu vaccine Covid-19 để ưu tiên nhu cầu trong nước.
Serum Institute of India (SII), nhà sản xuất vaccine chủ chốt của Ấn Độ, được cấp phép sản xuất vaccine Covid của hãng AstraZeneca. Một phần sản lượng vaccine từ SII được cung cấp cho Covax, sáng kiến toàn cầu về phân phối vaccine Covid cho các nước nghèo.
Ở thời điểm hiện tại, các quốc gia đang phát triển chậm chân so với các nước phát triển về đảm bảo nguồn cung vaccine Covid. WHO miêu tả tình trạng này là “sự mất cân đối gây sốc” trong phân phối vaccine.
Bởi vậy, việc Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu vaccine có thể đặt các nước thu nhập thấp vào thế dễ tổn thương hơn nữa trước những đợt dịch bùng phát mới.
NGUY CƠ ĐỐI VỚI KINH TẾ TOÀN CẦU
Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới và đóng góp lớn vào tăng trưởng toàn cầu.
Một số chuyên gia kinh tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Ấn Độ vì đợt bùng dịch nghiêm trọng ở nước này. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhìn chung vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế Ấn Độ trong năm nay, vì lần này, Ấn Độ chỉ phong toả theo từng khu vực thay vì áp lệnh phong toả toàn quốc như trong năm ngoái.
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Ấn Độ tăng 12,5% trong năm tài khoá kết thúc vào tháng 3/2022, sau khi giảm 8% trong tài khoá trước.
Dù vậy, “sóng thần” Covid Ấn Độ đã khiến nhiều quốc gia siết chặt hạn chế đi lại, và đó thực sự là tin xấu đối với các hàng không, sân bay, cũng như các hoạt động kinh doanh khác phụ thuộc vào du lịch-lữ hành.
Hội đồng Thương mại Mỹ đã cảnh báo rằng khủng hoảng y tế ở Ấn Độ có thể gây sức ép lên kinh tế Mỹ, bởi nhiều công ty Mỹ thuê hàng triệu lao động Ấn Độ để vận hành hoạt động văn phòng hỗ trợ (backoffice).
“Với tất cả những vấn đề như vậy, và với cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Ấn Độ, một việc cấp thiết lúc này là thế giới cần nhanh chóng hỗ trợ Ấn Độ, cho dù có nhận được đề nghị giúp đỡ hay không”, giáo sư Uma Kambhampati thuộc Đại học Reading, Anh, nhận định.