Theo tờ báo Nikkei Asia, điều này diễn ra bất chấp nhu cầu kim loại đồng của Trung Quốc – nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới – thấp hơn dự báo, cũng như nguồn cung dồi dào từ các đơn vị khai thác ở nước này.
Trong phiên giao dịch ngày 20/5 trên Sàn Giao dịch Kim loại London (LME), giá hợp đồng kim loại đồng kỳ hạn 3 tháng tăng lên 11.104,5 USD/tấn – mức cao nhất từ trước tới nay. Mức giá này sau đó giảm nhẹ nhưng vẫn trên 10.000 USD/tấn trong phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước (31/5).
GIÁ CÒN TIẾP TỤC TĂNG
Giới phân tích dự báo giá đồng sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian tới nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ các trung tâm dữ liệu phục vụ các dự án trí tuệ nhân tạo và từ các dự án năng lượng sạch.
Giá kim loại đồng thường được xem là một trong những chỉ số đo lường sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu. Bởi lượng tiêu thụ kim loại này thường đi lên cùng với nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, trong khi nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng thường gia tăng khi các nền kinh tế tăng trưởng tốt.
Giá đồng tăng cao giữa lúc Chính phủ Trung Quốc đang tìm nhiều cách để vực dậy nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản đang chìm trong khủng hoảng. Vào giữa tháng trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) gần đây công bố gói hỗ trợ trị giá 42 tỷ USD để khuyến khích các chính quyền địa phương mua nhà ế trên thị trường. Trung Quốc hiện chiếm hơn 50% nhu cầu đồng tinh chế toàn cầu.
Giá đồng thời gian qua cũng tăng mạnh nhờ những dự báo về làn sóng thúc đẩy năng lượng tái tạo và xe điện trên toàn cầu, bên cạnh việc ngày càng nhiều trung tâm dữ liệu ủng hộ việc phát triển trí tuệ nhân tạo. Tất cả những hoạt động này đều cần sử dụng đồng.
Nguồn thạo tin trong ngành cùng nhiều nhà phân tích nhận định thị trường đồng thời gian có xu hướng thắt chặt ở Bắc Mỹ và châu Âu, một phần do nhu cầu từ ngành năng lượng tái tạo và các nhà sản xuất xe điện. Về nguồn cung, sàn LME đã cấm giao dịch kim loại đồng sản xuất tại Nga từ tháng 4. Các công ty khai thác đồng cũng đang chật vật để đạt mục tiêu sản xuất và thực hiện các dự án mới như mỏ Cobre Panama – nơi phải dừng hoạt động do biểu tình về vấn đề môi trường.
Trong khi đó, với nền kinh tế Trung Quốc chậm phục hồi, thị trường đồng tại khu vực châu Á được đánh giá không xảy ra tình trạng thắt chặt nguồn cung như ở phương Tây.
“Chúng tôi nhận thấy nhu cầu hiện tại của Trung Quốc thấp hơn dự báo. Khách mua đầu cuối đang giữ thái độ chờ đợi và trì hoãn đặt đơn hàng do giá đồng đang cao”, bà Eleni Joannides, giám đốc nghiên cứu về kim loại đồng tại Wood Mackenzie, nói.
Tuy nhiên, bà Joannides dự báo giá đồng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới và thị trường thậm chí có thể xảy ra tình trạng thiếu cung trong năm nay. Còn tập đoàn Macquarie Group của Australia dự báo giá đồng bình quân sẽ hạ nhiệt xuống còn khoảng 9.800 USD vào quý 3 nhưng sau đó tăng lên 10.500 USD/tấn vào quý 4 năm nay. Trong khi đó, ngân hàng Goldman Sachs nhận định giá đồng sẽ tăng vọt lên 12.000 USD/tấn vào cuối năm nay.
“Nhu cầu đồng từ làn sóng dịch chuyển xanh và điện hóa, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi, đang bù đắp cho những tác động tiêu cực từ sự sụt tốc tăng trưởng ở Trung Quốc”, ông Norinobu Ozawa, quản lý phòng giao dịch đồng và quặng sắt tại công ty giao dịch Marubeni, đánh giá. “Năm 2024, không có nhiều yếu tố có thể giải tỏa căng thẳng cung-cầu kim loại đồng trong ngắn hạn, đặc biệt là khi nhu cầu ở Trung Quốc có thể tăng lên.
CẦU VƯỢT CUNG TRONG DÀI HẠN
Trong dài hạn hơn, các công ty giao dịch Nhật Bản dự báo cầu sẽ vượt cung. Dù nhu cầu đồng từ Trung Quốc sẽ không mạnh như trước đây, nhưng tăng trưởng nhu cầu hàng năm sẽ ở mức khoảng 2,5-3% trong trung và dài hạn”, một nhà giao dịch tại Mitsui & Co.
Người này cũng nhận định Ấn Độ và Đông Nam Á cũng là các thị trường có nhu cầu tăng trưởng tiềm năng nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Thái Lan có thể chuyển sang sản xuất xe điện, trong khi Malaysia cần nhiều đồng cho quá trình dịch chuyển năng lượng.
Macquarie Group dự báo nhu cầu đồng tinh chế toàn cầu sẽ tăng 19% trong giai đoạn từ năm 2023-2030, trong đó riêng nhu cầu ở Trung Quốc tăng 16% và nước này tiếp tục là thị trường đồng lớn nhất thế giới. Nhu cầu đồng ở Ấn Độ được dự báo tăng 61% - nhanh nhất thế giới, trong khi phần còn lại của châu Á tăng 25% trong giai đoạn trên. Sự tăng trưởng này bắt nguồn một phần từ nhu cầu của các trung tâm dữ liệu.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năng lượng sạch cũng là một động lực quan trọng thúc đẩy nhu cầu đồng nếu ngành năng lượng toàn cầu đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Tổ chức này dự báo nhu cầu đồng cho các mục đích sử dụng khác sẽ ở mức tương đương hiện tại từ nay cho tới năm 2040.
Các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc thời gian qua đã tăng sản lượng bất chấp giá tinh quặng đồng cao và nhu cầu yếu. Theo ông Ozawa của Marubeni, không có dấu hiệu nào cho thấy các nhà máy này sẽ giảm sản lượng, kể cả khi lợi nhuận xuống thấp. Các doanh nghiệp khai thác đồng ở Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu sản lượng nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế mà Bắc Kinh đặt ra.
Tuy nhiên, giá đồng thường không diễn biến theo các yếu tố cơ bản. Theo một nhà giao dịch tại Mitsui, trong bối cảnh nhiều người lo ngại về gián đoạn chuỗi cung ứng khi Mỹ-Trung phân ly, dự báo về tình trạng thiếu cung vẫn được quan tâm hơn so với tình trạng cung-cầu thực tế. Điều này khiến tiền đầu tư từ thị trường tài chính bắt đầu chảy vào kim loại này.