Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (22/7), chỉ số S&P 500 tiếp tục lập kỷ lục mới khi nhà đầu tư vẫn đang đổ dồn quan tâm vào báo cáo kết quả kinh doanh quý gần đây và sắp công bố của các doanh nghiệp. Giới đầu tư cũng đang theo dõi sát sao tín hiệu khả quan trong các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ, đặc biệt là khả năng thời hạn áp thuế quan với hàng hóa Trung Quốc được hoãn.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,06%, chốt phiên ở mức 6.309,62 điểm. Kết quả này nối tiếp phiên lập kỷ lục hôm thứ Hai. 9/11 ngành trong chỉ số này tăng điểm, dẫn đầu là lĩnh vực y tế với mức tăng 1,9%, theo sau là bất động sản với 1,78%.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,4%, đóng cửa ở mức 44.502,44 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq quay đầu giảm điểm còn 20.892,69 điểm, tương đương mức giảm 0,39%.
Đáng chú ý, cổ phiếu GM lao dốc 8,1% sau khi nhà sản xuất ô tô này báo cáo thiệt hại 1 tỷ USD trong quý 2 do tác động của thuế quan. Điều này làm gia tăng mối lo ngại của nhà đầu tư về chính sách thương mại toàn cầu của của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Giá cổ phiếu hãng xe Ford Motor cũng giảm khoảng 1%.
Trong khi đó, cổ phiếu Tesla và Alphabet tăng lần lượt 1,1% và 0,65%. Hai công ty này dự kiến công bố kết quả kinh doanh quý 2 trong ngày thứ Tư (23/7).
Theo các nhà phân tích, tâm lý lạc quan về các khoản đầu tư mạnh tay vào trí tuệ nhân tạo đã đang tiếp tục thúc đẩy đà tăng giá của các công ty vốn hóa lớn nhất trên Phố Wall, giúp S&P 500 duy trì mức điểm kỷ lục. Bên cạnh đó là một số tin tức lạc quan về đàm phán thuế quan của Mỹ với các đối tác thương mại.
“Thị trường đang tiếp tục củng cố đà tăng và ở trong giai đoạn trụ vững với các yếu tố xúc tác lớn trong 1-2 tuần tới, bao gồm thời hạn áp thuế quan mới 1/8 và nhiều công ty trong nhóm Magnificent Seven công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý”, ông Ross Mayfield, nhà phân tích chiến lược đầu tư tại công Baird, nhận xét.
Magnificent Seven là nhóm 7 cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn nhất tại Mỹ gồm Apple, Alphabet, Microsoft, Amazon, Meta, Tesla và Nvidia.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent ngày 22/7 cho biết ông sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc vào tuần tới để thảo luận về việc gia hạn thời hạn áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ sang ngày 12/8.
"Tôi cho rằng hoạt động thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở trạng thái rất tốt", ông Bessent nói trong một chương trình của Fox Business Network và cho biết cuộc thảo luận tuần tới sẽ tập trung vào việc tái cân bằng mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung.
Phát biểu này của ông Bessent được đưa ra sau khi Tổng thống Trump tuyên bố đạt thỏa thuận với Philippines và công bố các điều khoản của thỏa thuận thương mại đạt được trước đó với Indonesia.
Tuy nhiên, chính sách thương mại của Mỹ vẫn tiếp tục là nguồn cơn chính gây tâm lý lo lắng cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp khi đàm phán thương mại với các quốc gia khác dường như đang đình trệ. Sự lạc quan về một thỏa thuận đột phá với Ấn Độ đang giảm dần, trong khi các quan chức Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị các biện pháp trả đũa thuế quan Mỹ trong trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu ghi nhận phiên giảm thứ ba liên tiếp trong bối cảnh hy vọng về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và châu Âu giảm dần, nhường chỗ cho mối lo về suy giảm kinh tế tại hai thị trường dầu lớn nhất thế giới.
Hợp đồng tương lai dầu thô Brent giảm 62 cent, tương đương giảm 0,9% còn 68,59 USD/thùng. Trong khi đó, dầu WTI giảm 99 cent, tương đương giảm 1,47% còn 66,21 USD/thùng.
Theo một số nhà ngoại giao EU, khối này đang xem xét các biện pháp trả đũa khả thi nhằm vào Mỹ trong bối cảnh triển vọng thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế ngày càng mờ nhạt. Ông Trump trước đó dọa sẽ áp thuế 30% vói hàng hóa châu Âu nếu hai bên không đạt thỏa thuận trước ngày 1/8.
“Mối lo về thuế quan ngày càng lớn trước thời hạn áp thuế của Mỹ”, các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates nhận xét trong một báo cáo phân tích.
Dầu diesel là mặt hàng giảm giá mạnh nhất trong nhóm năng lượng, cho thấy mối lo lớn về nền kinh tế. Loại dầu này được sử dụng chủ yếu trong sản xuất, xây dựng và vận tải nặng, dù vài tuần trước vẫn tăng giá mạnh nhất nhờ nguồn cung thắt chặt. Giá dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh cực thấp của Mỹ đã giảm gần 3% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, còn 102,5 USD/thùng.
“Tuy nhiên, đà sụt giảm của giá dầu thô đã được hạn chế nhờ khả năng Mỹ có thể giảm bớt thuế quan đã công bố hoặc thậm chí hoãn áp thuế”, báo cáo của Ritterbusch and Associates nhận định.