Trước đó, cả Dow Jones và S&P 500 đều có tháng 11 tăng mạnh nhất trong cả năm nay.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,24% lên 6.047,15 điểm, còn Nasdaq đóng cửa ở mức 19.403,95 điểm, tăng 0,97%. Dow Jones giảm 0,29% còn 44.782 điểm.
Phiên giao dịch hôm qua, nhóm cổ phiếu công nghệ, dịch vụ viễn thông và hàng tiêu dùng thiết yếu tăng khoảng 1%, trong khi các còn lại trong S&P 500 giảm điểm. Cổ phiếu Tesla tăng 3,5%.
"Thị trường đang trong giai đoạn tăng mạnh theo mùa”, ông Rick Meckler của công ty Cherry Lane Investments (Mỹ), nhận xét. “Tuy nhiên, tôi cho rằng năm nay sẽ không có kết thúc bùng nổ. Chúng ta đang đối mặt quá nhiều biến động phía trước. Chắc ai chắc chắn được kế hoạch kinh tế của nhiệm kỳ tổng thống mới sẽ như thế nào”.
Trong tháng 11, việc cựu Tổng thống Donald Trump tháng trước giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, trong khi đảng Cộng hòa của ông giành được đa số ghế ở cả Hạ viện và Thượng viện đã giúp thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, kế hoạch giảm thuế và nới lỏng chính sách trong nước của ông Trump là tin tốt với thị trường chứng khoán, nhưng kế hoạch thuế quan lại gây ra tiêu cực.
Giới đầu tư hiện dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng này, tuy nhiên số liệu lạm phát gần đây làm dấy lên lo lắng rằng tiến trình nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ bị chậm lại. Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9 với 0,5 điểm phần trăm và tiếp tục giảm thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 11.
Đầu ngày thứ Hai, Viện Quản lý Cung ứng công bố báo cáo cho thấy hoạt động sản xuất tại Mỹ tháng 11 tăng trưởng tốt. Bên cạnh báo cáo việc làm dự kiến được công bố vào thứ Sáu, các nhà đầu tư tuần này cũng chờ đợi số liệu việc làm khu vực tư nhân, báo cáo dịch vụ của ISM và số liệu xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Bộ Lao động Mỹ.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu phiên giao dịch thứ Hai tăng nhẹ khi kỳ vọng nhu cầu mạnh từ hoạt động sản xuất ở Trung Quốc bù đắp cho mối lo rằng Fed sẽ không hạ lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng này.
Giá dầu thô Brent giảm 1% giao dịch ở mức 71,83 USD/thùng, còn dầu WTI tăng 0,15% lên 68,1 USD/thùng.
Theo khảo sát của Caixin/S&P Global, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 11 tiếp tục tăng mạnh nhất 5 tháng, một tín hiệu lạc quan về các doanh nghiệp Trung Quốc ngay sau khi ông Trump dọa sẽ tăng thuế quan với hàng hóa từ quốc gia này.
Trong khi đó, thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Lebanon, có hiệu lực từ thứ Tư tuần trước, ngày càng trở nên mong manh. Quân đội Israel ngày thứ Hai nói rằng họ đang tấn công các mục tiêu "khủng bố" ở Lebanon trong bối cảnh hai bên cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
"Rủi ro địa chính trị vẫn rất cao. Dù thỏa thuận ngừng bắn vẫn được thực thi ở Israel, nhưng dường như có một số quan niệm sai lầm về tính pháp lý của thỏa thuận này", ông Dennis Kissler, phó chủ tịch cấp cao tại BOK Financial nhận xét.
Thị trường năng lượng cũng đang quan sát các diễn biến ở Syria và đánh giá xem leo thang căng thẳng gần đây có làm trầm trọng thêm căng thẳng ở Trung Đông và ảnh hưởng tới nguồn cung dầu hay không.
Cả dầu thô Brent và WTI đều giảm hơn 3% trong tuần trước, do áp lực từ vấn đề nguồn cung do xung đột Israel-Hezbollah bất chấp sản lượng được dự báo sẽ tiếp tục giảm. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và các đối tác (OPEC+) dự kiến nhóm họp vào ngày 5/12 để thảo luận về việc hoãn kế hoạch tăng sản lượng trước đó dự kiến bắt đầu vào tháng 1 năm sau - theo nguồn tin từ Rueters.
“Các nhà quản lý quỹ đang giữ tâm lý chờ đợi. Thị trường đang chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn về nhiệm kỳ sắp tới của ông Trump và chính sách cung ứng của OPEC+”, ông Harry Tchilinguirian của Onyx Capital Group nhận xét.
Gần đây, việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh Atlanta Raphael Bostic nói rằng ông vẫn đang cân nhắc về việc có nên hạ lãi suất lần nữa tại cuộc họp chính sách tháng 12 của Fed hay không cũng đã gây áp lực lên giá dầu. Dữ liệu việc làm sắp tới có vai trò quan trọng trong việc định hình quyết định này.
ãi suất cao làm tăng chi phí đi vay và từ đó có thể làm giảm các hoạt động kinh tế và khiến nhu cầu dầu giảm xuống.
Cũng gây áp lực lên giá dầu là diễn biến tăng của đồng USD sau khi ông Trump hôm thứ Bảy dọa sẽ áp thuế 100% với thành viên các nước BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Iran, Ai Cập, Ethiopia và UAE) trừ phi các nước này không cam kết tạo ra một đồng tiền mới có thể thay thế đồng USD. Đồng bạc xanh mạnh lên khiến cho giá dầu trở nên đắt đỏ hơn với các nhà đầu tư sử dụng các tiền tệ khác, từ đó khiến nhu cầu giảm.