January 27, 2015 | 10:39 GMT+7

S&P cắt điểm tín nhiệm Nga về mức “rác”, Rúp lao dốc mạnh

An Huy

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga tuyên bố S&P đã “bi quan thái quá”. “Chẳng có lý do gì để trầm trọng hóa vấn đề", ông nói

Tỷ giá đồng Rúp lao dốc mạnh sau khi tuyên bố của S&amp;P được phát đi. Lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/1, tỷ giá đồng Rúp giảm 6,6% so với USD, còn 68,799 Rúp/USD.<br>
Tỷ giá đồng Rúp lao dốc mạnh sau khi tuyên bố của S&amp;P được phát đi. Lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/1, tỷ giá đồng Rúp giảm 6,6% so với USD, còn 68,799 Rúp/USD.<br>
Tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard&Poor’s (S&P) vừa tuyên bố cắt giảm điểm tín nhiệm nợ ngoại tệ của Nga về ngưỡng “rác” (junk), đánh dấu lần đầu tiên trong một thập kỷ Moscow bị gán định hạng tín nhiệm dưới mức khuyến nghị đầu tư (investment grade).

Động thái này của S&P được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Nga vẫn đang chật vật xoay sở với các lệnh trừng phạt quốc tế, giá dầu giảm sâu và đồng Rúp mất giá mạnh.

Theo tin từ Bloomberg, điểm tín nhiệm của Nga bị S&P hạ 1 bậc, về BB+, ngang với các quốc gia như Bulgaria và Indonesia. Triển vọng mà S&P dành cho điểm số tín nhiệm này của Nga là “tiêu cực”, đồng nghĩa với khả năng bị cắt giảm tiếp trong thời gian tới, nếu tình hình kinh tế Nga không có sự chuyển biến tích cực.

Lần S&P cắt giảm điểm tín nhiệm trước đó của Nga diễn ra vào tháng 4/2014, tức là trong vòng chưa đầy một năm trở lại đây, Nga đã hai lần bị tổ chức này hạ điểm tín nhiệm.

Tỷ giá đồng Rúp lao dốc mạnh sau khi tuyên bố của S&P được phát đi. Lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/1, tỷ giá đồng Rúp giảm 6,6% so với USD, còn 68,799 Rúp/USD. Năm ngoái, đồng tiền này mất giá 46%. Các cổ phiếu Nga niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ mất giá 5,5%.

Quyết định của S&P được phát đi sau khi thị trường chứng khoán Nga đã đóng cửa. Theo dự báo của giới phân tích, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Moscow sẽ có phản ứng trước việc Nga bị giảm điểm tín nhiệm trong phiên giao dịch hôm nay (27/1).

“Sự linh hoạt chính sách tiền tệ của Nga đã trở nên hạn chế và triển vọng tăng trưởng kinh tế giảm sút”, tuyên bố của S&P có đoạn viết.

Phản ứng trước động thái của S&P, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov ra tuyên bố nói rằng, S&P đã “bi quan thái quá”. “Chẳng có lý do gì để trầm trọng hóa vấn đề. Quyết định này sẽ không có ảnh hưởng lớn đối với thị trường vốn vì các nhà đầu tư đã phản ánh rủi ro Nga bị giảm điểm tín nhiệm vào giá của các tài sản từ trước rồi”, ông Siluanov nói.

Tuy vây, nền kinh tế Nga đang đứng trước nguy cơ suy thoái do chịu sức ép cùng lúc của giá dầu giảm sâu và lệnh trừng phạt quốc tế.

Giá dầu thế giới thì hiện ở gần mức thấp nhất trong 6 năm. Đóng cửa phiên giao dịch đêm qua tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau giảm khoảng 1%, xuống 45,15 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tại London giảm 1,3%, còn 48,16 USD/thùng.

Trong khi đó, chiến sự ở miền Đông Ukraine đang leo thang trở lại. Mỹ và châu Âu đã cảnh báo có thể sẽ tăng cường trừng phạt Nga nếu Moscow không dừng việc hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine - một cáo buộc mà Nga cương quyết phủ nhận.

Ngoài ra, Nga cũng đang đương đầu một cuộc khủng hoảng tiền tệ tồi tệ nhất từ năm 1998. Tháng 12 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất từ 10,5% lên 17%. Trong năm 2014, cơ quan này còn rút 88 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối để bảo vệ tỷ giá đồng Rúp.

“Chúng tôi tin là hệ thống tài chính của Nga đang suy yếu, và bởi thế, hạn chế khả năng của Ngân hàng Trung ương Nga trong việc truyền tải ảnh hưởng của chính sách tiền tệ”, S&P nhận xét. “Ngân hàng Trung ương Nga đang đối mặt với những quyết định chính sách tiền tệ ngày càng khó khăn trong lúc phải cố gắng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế”.

Hai tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới khác là Fitch và Moody’s mới đây cũng đã hạ điểm tín nhiệm của Nga về mức cuối cùng trong hạng khuyến nghị đầu tư, đi kèm cảnh báo tiếp tục cắt giảm xuống mức “rác”.

Dù chỉ trích động thái của các tổ chức đánh giá tín nhiệm, giới chức Chính phủ Nga đã thừa nhận nước này đang đối mặt với một giai đoạn đầy thử thách.

Tuần trước, Phó thủ tướng thứ nhất của Nga Igor Shuvalov nói rằng, nước này đang ở trong tình trạng kinh tế “cực khó khăn” và phải chuẩn bị cho một cuộc “hạ cánh”. Ông Shuvalov cho rằng, những thách thức đang hiện ra đối với nền kinh tế Nga hiện nay còn tệ hơn cả cuộc khủng hoảng 2008-2009.

Ông Shuvalov cũng tiết lộ, để ngăn chặn ảnh hưởng lan rộng của những thách thức hiện tại, Nga đang chuẩn bị một chương trình chống khủng hoảng có quy mô lên tới 1,4 nghìn tỷ Rúp.

S&P dự báo, kinh tế Nga sẽ tăng trưởng khoảng 0,5% mỗi năm trong thời gian 2015-2018, thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,4% đạt được trong 4 năm trước đó. Trong khi đó, theo Bộ Kinh tế Nga, nền kinh tế nước này có thể suy giảm 4-5% trong năm nay nếu giá dầu giữ ở mức 45 USD/thùng.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate