July 11, 2022 | 14:09 GMT+7

SSC xử phạt 4 doanh nghiệp với tổng số tiền lên đến 700 triệu đồng

Hà Anh -

SSC đã công bố quyết định sử phạt một loạt doanh nghiệp do vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Cuối tuần qua, ngày 8/7/2022, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã công bố quyết định sử phạt một loạt doanh nghiệp do vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Cụ thể: SSC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Dược Bảo Châu với số tiền là 350 triệu đồng do Công ty cổ phần Tập đoàn Dược Bảo Châu đăng ký công ty đại chúng với UBCKNN ngày 18/6/2019 nhưng đến nay, Công ty Tập đoàn Dược Bảo Châu chưa đưa chứng khoán vào niêm yết/đăng ký giao dịch chứng khoán.

Tiếp theo là Công ty cổ phần Simco Sông Đà (mã SDA-HNX) bị phạt tổng cộng 185 triệu đồng - trong đó, phạt 60 triệu đồng do công ty công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật. Cụ thể: SDA công bố thông tin không đầy đủ các nội dung “Chức vụ của người có liên quan tại Công ty” hoặc “Mối quan hệ liên quan với Công ty” tại các Báo cáo tình hình quản trị Công ty năm 2019, 2020, Báo cáo tình hình quản trị Công ty 06 tháng đầu năm 2019, 2020, 2021; công bố thông tin không đầy đủ nội dung tại mục “Các giao dịch và số dư với bên liên quan” tại các Báo cáo tình hình quản trị Công ty năm 2019, 2020, Báo cáo tình hình quản trị Công ty 06 tháng đầu năm 2021; Công ty công bố thông tin không đầy đủ các nội dung về giao dịch vay ngắn hạn của bà Nguyễn Thị Minh Thu – Phó Tổng Giám đốc Công ty tại Báo cáo thường niên năm 2019; công bố thông tin không đầy đủ về các giao dịch vay ngắn hạn và trả nợ vay của bà Nguyễn Thị Minh Thu – Phó Tổng Giám đốc, giao dịch vay ngắn hạn của bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc – Chủ tịch Hội đồng quản trị tại Báo cáo thường niên năm 2020).

Phạt tiền 125 triệu đồng do công ty vi phạm quy định về giao dịch với người quản lý doanh nghiệp. Cụ thể: theo Báo cáo tài chính bán niên năm 2021 đã soát xét, Công ty cho vay ngắn hạn đối với ông Vũ Đức Quân – Thành viên Hội đồng quản trị số tiền 16,023 tỷ đồng, tuy nhiên giao dịch này chưa được Đại hội đồng cổ đông Công ty thông qua.

Tương tự, Công ty cổ phần Phân bón Miền Nam (mã SFG-HOSE) bị phạt 85 triệu đồng do công ty này không công bố thông tin theo quy định pháp luật. Cụ thể: SFG không công bố thông tin theo quy định pháp luật trên hệ thống CBTT của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và trên trang thông tin điện tử của Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSX) các tài liệu sau: Thông tin về việc ký hợp đồng kiểm toán Báo cáo tài chính (BCTC) năm 2019, Thông tin về việc ký hợp đồng kiểm toán BCTC năm 2020; Công ty cổ phần Phân bón Miền Nam CBTT không đúng thời hạn theo quy định pháp luật trên hệ thống CBTT của UBCKNN và trang thông tin điện tử của HSX tài liệu sau: Báo cáo thường niên năm 2019.

Cuối cùng, Công ty cổ phần Cấp nước Điện Biên (mã DBW-UPCoM) bị phạt 80 triệu đồng do công ty thực hiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ nhưng không đăng ký với UBCKNN. Cụ thể: năm 2020, Công ty cổ phần Cấp nước Điện Biên chào bán cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn điều lệ thêm 6.402.784.000 đồng cho 01 cổ đông theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 ngày 05/6/2020 nhưng không nộp hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ với UBCKNN.

Biện pháp khắc phục hậu quả là công ty phải thu hồi cổ phiếu đã chào bán, phát hành và phải hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua cổ phiếu hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà Công ty mở tài khoản thu tiền mua cổ phiếu hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư.

Thời hạn nhà đầu tư gửi yêu cầu là 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, quy định tại Điểm a khoản 4 Điều 4 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate