Starbucks ngày 23/5 tuyên bố sẽ rút khỏi Nga sau gần 15 năm, gia nhập cùng những cái tên như McDonald’s trong cuộc tháo chạy khỏi thị trường này kể từ khi xảy ra chiến tranh Nga-Ukraine.
Theo tin từ Reuters, chuỗi cửa hiệu cà phê có trụ sở ở Seatle, Mỹ sẽ đóng toàn bộ 130 cửa hiệu tại Nga. Đây là những cửa hiệu được vận hành bởi Alshaya Group, đơn vị được nhượng quyền, và sử dụng 2.000 lao động tại Nga.
Quyết định rút khỏi thị trường Nga của Starbucks có một lối đi khác so với cách mà một số công ty nước ngoài khác đã áp dụng.
Tuần trước, chuỗi cửa hiệu đồ ăn nhanh McDonald’s tuyên bố sẽ bán lại tất cả các cửa hàng ở Nga cho đối tác nhượng quyền địa phương là Alexander Govor. Bên mua này sẽ sử dụng một tên gọi mới để làm thương hiệu cho các cửa hiệu McDonald’s tại Nga nhưng sẽ giữ nguyên các nhãn hiệu thương mại của các cửa hiệu này.
Về phần mình, hãng xe Pháp Renault sẽ bán lại cổ phần trong Avtovaz, nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Nga, nhưng tiếp tục giữ quyền chọn (option) để có thể mua lại cổ phần này trong tương lai.
Sau khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, hàng loạt doanh nghiệp phương Tây đã rút khỏi nước này - một mặt do lo ngại các biện pháp trừng phạt, mặt khác do sức ép về vấn đề uy tín. Khi “bỏ của chạy lấy người” khỏi Nga, các công ty nước ngoài thường bán lại tài sản hoặc nhượng lại quyền quản lý, vận hành cho phía đối tác địa phương.
Hồi tháng 3, Starbucks đã tạm đóng cửa và dừng tất cả các hoạt động kinh doanh tại Nga, bao gồm việc vận chuyển sản phẩm đến Nga.
Starbucks – công ty mở cửa hiệu đầu tiên tại Nga vào năm 2007 – cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân viên ở Nga, bao gồm duy trì việc trả lương trong 6 tháng.
Hiện Starbucks chưa công bố chi tiết về ảnh hưởng tài chính của cuộc rút lui này. Trong khi đó, McDonald’s cho biết hãng thiệt hại tới 1,4 tỷ USD từ việc rời khỏi Nga.