Khả năng truy xuất nguồn gốc và tính minh bạch trong chuỗi cung ứng dệt may là “thước đo” rất cần thiết để đạt được sự bền vững trong ngành dệt may và thời trang. Khách hàng ngày nay có đầy đủ tâm trí, sự hiểu biết, thay vì chi tiêu tùy hứng, họ tập trung chủ yếu vào chi tiêu theo nhu cầu cơ bản, điều này đã tác động đến toàn bộ ngành thời trang, may mặc và dệt may.
Tốc độ tăng trưởng của thị trường thời trang nhanh hiện cũng giảm theo sự tăng trưởng của phương pháp kinh doanh bền vững hơn. Sản xuất nguyên liệu thô và sản xuất sản phẩm thường được đặt tại các nước đang phát triển do có nhiều công nhân được trả lương thấp. Mặt khác, hầu hết các nhà bán lẻ và khách hàng đều ở các nước phát triển. Tất cả những điều phức tạp này làm cho việc tích hợp chuỗi cung ứng trở nên vô cùng khó khăn và dẫn đến một mạng lưới không rõ ràng với việc trao đổi thông tin hạn chế giữa các đối tác.
Về mặt kinh tế, tính minh bạch trong chuỗi cung ứng dệt may cũng có thể giúp giám sát tác động tài chính của sản phẩm và xác định các lĩnh vực có thể cải tiến để tăng hiệu quả và giảm chi phí. Ví dụ: truy xuất nguồn gốc có thể được sử dụng để theo dõi chuỗi cung ứng và xác định các khu vực có thể giảm chất thải hoặc nơi có thể tối ưu hóa sản xuất để giảm chi phí. Điều này có thể giúp các công ty hoạt động hiệu quả và năng suất hơn, đồng thời phản ứng nhanh hơn với những thay đổi trên thị trường.
Mới đây, Inflow, nền tảng công nghệ cung cấp giải pháp quản lý chuỗi cung ứng và sản xuất thời trang, vừa kêu gọi thành công 2 triệu USD tại vòng gọi vốn hạt giống. Inflow là start-up của Việt Nam, trụ sở tại TP.HCM, khởi nghiệp với mục tiêu giải quyết những thách thức quan trọng của chuỗi cung ứng của ngành thời trang như: mạng lưới nhà cung cấp không rõ ràng và minh bạch, quản lý dự án kém hiệu quả trong chu trình sản xuất từ thiết kế đến thành phẩm.
Các nhà đầu tư quốc tế đã đầu tư 2 triệu USD cho startup này bao gồm: AppWorks, 500 Global, January Capital, Spiral Ventures và Saison Capital. Động lực để vòng đầu tư hạt giống này hoàn tất nhanh chóng đến từ sự tăng trưởng vượt bậc của Inflow. Chỉ tính riêng năm ngoái, Inflow đã chứng kiến mức tăng trưởng doanh thu lên gấp 15 lần. Hiện nay, có hơn 80 thương hiệu thời trang trên khắp Đông Nam Á đang sử dụng Inflow cho toàn bộ quá trình gia công sản xuất.
Khai thác những lợi thế sản xuất hàng may mặc của Việt Nam và Đông Nam Á, Inflow đồng thời giải quyết những thách thức quan trọng của chuỗi cung ứng của ngành thời trang như: mạng lưới nhà cung cấp không rõ ràng và minh bạch, quản lý dự án kém hiệu quả trong chu trình sản xuất từ thiết kế đến thành phẩm. Nền tảng Inflow có khả năng hiển thị các thông tin từ dự báo hàng tồn kho đến việc đề xuất nhà xưởng dựa trên đánh giá dữ liệu và quản lý đơn hàng… Tất cả đều có thể truy cập thông qua một hệ thống quản lý trực tuyến với tiến độ sản xuất được cập nhật theo thời gian thực tế.
Mạng lưới đối tác của Inflow bao gồm hơn 150 nhà xưởng và nhà cung ứng chất lượng cao tại Việt Nam đã thông qua quá trình kiểm định. Inflow có thể giúp các thương hiệu cắt giảm thời gian sản xuất mẫu xuống còn 7 ngày, và thời gian hoàn thành toàn bộ đơn hàng còn 45 ngày với đa dạng chất liệu và thiết kế.
Ngoài ra, Inflow cũng linh hoạt hỗ trợ những đơn đặt hàng nhỏ với số lượng đặt hàng tối thiểu (minimum order quantities - MOQ) thấp, chỉ từ 50 sản phẩm. Điều này cho phép các thương hiệu mở rộng sản xuất dựa trên phản hồi của thị trường, cắt ngắn quy trình từ thiết kế đến thành phẩm còn vài tuần thay vì vài tháng và hạn chế hàng tồn kho khi phải đặt với số lượng lớn.
Bà Lê Khanh, nhà sáng lập kiêm CEO của Inflow, chia sẻ: "Hãy tưởng tượng đến việc các thương hiệu thời trang có thể cập nhật những xu hướng mới nhất trên sàn diễn lên kệ hàng chỉ trong thời gian ngắn, hay việc có thể thử nghiệm mẫu mã và thay đổi nhanh như cách thị trường tiêu thụ thay đổi. Đó là tương lai mà Inflow đang hướng tới.
Nền tảng của chúng tôi không chỉ là một giải pháp về chuỗi cung ứng được nghiên cứu và phát triển dựa trên những công nghệ phù hợp với vấn đề của khách hàng; mà còn là một cuộc cách mạng trong ngành sản xuất thời trang tận dụng vị trí trung tâm của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trao cho mọi khách hàng cơ hội tiếp cận quy trình sản xuất và sản phẩm chất lượng".
Bà Lê Khanh cũng khẳng định, Inflow đảm bảo các xưởng may đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu về lợi ích của người lao động, môi trường làm việc và cách họ xử lý nguyên liệu. Họ cũng khuyến khích khách hàng lựa chọn vật liệu bền vững hoặc hiểu biết về tác động của vật liệu họ sử dụng.
Với nguồn vốn này, Inflow cho biết sẽ đầu tư đáng kể vào bộ phận phát triển sản phẩm và thiết kế cũng như nghiên cứu công nghệ mới cho chuỗi cung ứng và sản xuất. Công ty sẽ tăng cường cung cấp giải pháp giúp các thương hiệu nhanh chóng đưa thiết kế mới ra thị trường trong vòng 30 ngày với số lượng đặt hàng tối thiểu chỉ từ 50 sản phẩm… Startup này cũng sẽ thiết lập các kênh bán hàng tại các thị trường phát triển và có kế hoạch hợp tác với các công ty xuất khẩu thời trang ở Mỹ hoặc châu Âu.
Nếu nhìn một cách tổng quát, nhóm các mặt hàng thời trang của Việt Nam hiện có nhiều lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là về chất lượng sản phẩm, trình độ kỹ thuật, khả năng đáp ứng các yêu cầu khắt khe về lao động, môi trường, nhất là các ưu đãi thuế quan từ 15 FTA song phương và khu vực hiện có với nhiều đối tác trên thế giới, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, UKVFTA… Hiện nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3 về dệt may với giá trị xuất khẩu hàng may mặc đạt 27,7 tỷ USD.
Là một quỹ đầu tư mạo hiểm đến từ Đài Loan (Trung Quốc) với quy mô quỹ lên tới 350 triệu USD, Appworks đã đầu tư vào hơn 1.000 công ty khởi nghiệp trên toàn thế giới, bao gồm Uber, Lalamove, Shopback,... cũng như nhiều tên tuổi nổi bật từ Việt Nam như Tiki hay Docosan. Chia sẻ về thương vụ đầu tư này, ông Jamie Lin, Chairman và Partner của AppWorks nói: “Inflow đang mở ra một tương lai nơi sản xuất thời trang trở thành một ngành công nghiệp năng động và sáng tạo. Chúng tôi rất hào hứng được cùng Lê Khanh và đội ngũ Inflow tham gia vào hành trình này”.
Tương tự, ông Vishal Harnal, chuyên gia của 500 Global - quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại San Francisco, được biết đến với những thương vụ đầu tư vào các startup đình đám như Airbnb, Canva, Reddit…, đã nhận xét: "Ngành may mặc toàn cầu, giống như nhiều ngành khác, đang đa dạng hóa tránh phụ thuộc vào Trung Quốc để sản xuất. Công nghệ chuỗi cung ứng thời trang của Inflow có thể nắm bắt cơ hội to lớn này cho Việt Nam thông qua nền tảng kết nối, sự thuận tiện và có thể mở rộng quy mô".