Theo Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Singapore nằm trong nhóm 5 quốc gia dẫn đầu về áp dụng công nghệ mới. Việc áp dụng rộng rãi các công cụ mới nhất tạo điều kiện đáng kể cho lĩnh vực công nghệ xanh phát triển mạnh mẽ, mang lại kết quả cho toàn khu vực.
Theo Statista Research, biến đổi khí hậu đặt ra nhiều mối đe dọa đối với Singapore. Liên Hợp Quốc định nghĩa hiện tượng này là sự thay đổi lâu dài về nhiệt độ và các kiểu thời tiết. Một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu là hoạt động sinh hoạt và sản xuất của con người dẫn đến phát thải carbon. Những khí độc hại làm nóng hành tinh, từ đó ảnh hưởng đến vô số lĩnh vực khác.
Do diện tích đất đai hạn chế, quốc đảo sư tử liên tục phải đối mặt với vấn đề mất an ninh lương thực, không đủ khả năng cung cấp lương thực tương ứng với nhu cầu người dân. Vì nhập khẩu 90% lương thực, Singapore dường như rất dễ bị tổn thương trước căng thẳng toàn cầu, xung đột khu vực, gián đoạn chuỗi cung ứng, dịch bệnh bùng phát, v.v.
TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐẾN SINGAPORE
Khu vực Đông Nam Á có nguy cơ chịu tác động đáng kể từ biến đổi khí hậu được quan sát thấy ở nhiều quốc gia. Nhiệt độ trung bình hàng năm tại Singapore tăng từ 26,9°C lên 28,0°C trong giai đoạn 1980 - 2020. Nghiên cứu về biến đổi khí hậu quốc gia đã cập nhật dự đoán mực nước biển trung bình xung quanh Singapore sẽ dâng cao 1,15m vào cuối thế kỷ này.
Tình hình thời tiết tại Singapore cũng trở nên dữ dội hơn, với cơn bão đầu tiên ghi nhận xảy ra vào năm 2001. Bão Vamei, cơn bão đầu tiên được ghi nhận gần xích đạo (chỉ cách xích đạo khoảng 150km về phía Bắc), phá hủy nhiều ngôi nhà và gây lũ lụt khắp khu vực. Mặc dù Singapore chỉ gánh chịu lượng mưa lớn và tốc độ gió cao, sự hình thành hiếm thấy và bất thường của bão Vamei như một lời cảnh tỉnh dành cho người dân rằng quốc gia nhỏ bé này không hoàn toàn miễn nhiễm với thảm họa thiên nhiên. Thực trạng biến đổi khí hậu trở nên cực đoan, nguy cơ nền kinh tế Singapore bị ảnh hưởng cũng ngày càng tăng.
Hơn nữa, theo ghi nhận tại nước này, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết cũng thường xảy ra vào thời điểm ấm hơn trong năm. Vấn đề nóng lên toàn cầu tạo ra thách thức lớn cho quá trình sản xuất lương thực, duy trì và bảo đảm an toàn môi trường cũng như đa dạng sinh học. Thời tiết nóng bức cũng có thể gây ra nhiều hiện tượng sức khỏe như bất tỉnh cho người dân do say nắng.
MÔI TRƯỜNG SỐNG BỊ ẢNH HƯỞNG NẶNG NỀ
Một số mối lo ngại khác liên quan tới môi trường tự nhiên tại Singapore là vấn đề chất lượng không khí do khí thải nhà máy, mực nước biển dâng cao ảnh hưởng đến đất và ô nhiễm nhựa từ các bãi rác trong và ngoài nước. Quốc gia này có nguồn tài nguyên tái tạo hạn chế, dân số ngày càng tăng đè nặng áp lực lên ngành công nghiệp khai thác và diện tích đất nhỏ. Singapore phải nhập khẩu hầu hết hàng hóa, khiến đất nước dễ vướng vào tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.
Nhiều công ty khởi nghiệp về khí hậu đề xuất giải quyết thách thức môi trường bằng cách cải thiện quy trình xử lý chất thải, sử dụng hiệu quả quỹ đất hạn chế, trồng cây, ngăn ngừa xói mòn và ngừng sử dụng hóa chất trong đất và nước. Chính phủ cũng khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe điện, nguồn năng lượng tái tạo và nhiên liệu đặc biệt để giảm lượng khí thải ra môi trường.
ĐẦU TƯ VÀO CÔNG NGHỆ KHÍ HẬU TẠI SINGAPORE
Theo khảo sát của Statista năm 2021, 76% người Singapore lo ngại rằng biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân. Việc áp dụng các công nghệ xanh sẽ giúp phát triển nhiều giải pháp bền vững cho đất nước.
Công ty đầu tư Circulate Capital đã thành lập Quỹ Ocean Fund IB trị giá 100 triệu USD với mục tiêu chống ô nhiễm rác thải nhựa và biến đổi khí hậu. Công ty nhận được tài trợ từ Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, Pepsico, Procter & Gamble, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), Unilever, Coca-Cola và một số nhà đầu tư khác.
Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore (EDB) hợp tác với Trung tâm Công nghệ, Đổi mới và Phát triển Bền vững Toàn cầu thuộc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP ra mắt loạt bài viết có tựa đề “Tăng tốc đổi mới: Phương pháp tiếp cận hệ sinh thái nhiều bên liên quan để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”. Mục tiêu chiến dịch là thể hiện cam kết và chiến lược của Chính phủ trong công cuộc giải quyết khủng hoảng môi trường cùng với các công ty tư nhân.
ĐÔNG NAM Á HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI XANH
Nền kinh tế xanh phát triển bền vững sẽ mang lại cơ hội việc làm, lực lượng lao động có tay nghề cao và nhiều công nghệ mới tiên tiến. Tương lai chắc chắn sẽ có sự gia tăng các sản phẩm làm từ nguyên liệu thô bền vững và hàng hóa không gây hại cho môi trường cũng như sức khỏe con người. Chính phủ Singapore cũng hy vọng người tiêu dùng cân nhắc kỹ hơn trong việc lựa chọn sản phẩm và bao bì bền vững.
Việc áp dụng chính sách “Green Plan 2030” sẽ thúc đẩy đáng kể Singapore hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Kế hoạch nhấn mạnh cam kết của đất nước trong việc đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050, trồng nhiều cây xanh hơn, giảm 30% chất thải tại các bãi chôn lấp, trường học không carbon, khuyến khích mẫu ô tô sử dụng năng lượng sạch và tăng cường năng lượng mặt trời.
Rõ ràng, tất cả quốc gia trong khu vực cần chung tay hợp tác để giải quyết vấn đề về rác thải và môi trường. Chính phủ Singapore đang áp dụng nhiều sáng kiến xanh, thiết lập quy định, dân chủ hóa việc tiếp cận công nghệ bằng phương pháp thân thiện về chi phí. Các nhà lãnh đạo trong khu vực có thể đưa ra chính sách giảm thuế cho hoạt động đầu tư xanh và mở đường để công ty khởi nghiệp công nghệ thu được tín dụng xanh.