Trước khi những bản đồ du lịch số được xây dựng, du khách muốn tìm hiểu về các điểm đến du lịch phải tìm kiếm thông qua nhiều nguồn khác nhau như: truyền hình, báo chí; website, fanpage, ấn phẩm của mỗi điểm đến… Điều này có một số hạn chế như: mất nhiều thời gian; thông tin nhiều điểm đến không đầy đủ, hình ảnh 2D chưa thu hút, giới hạn tầm nhìn, hoặc đôi khi thiếu chính xác và không được cập nhật mới… gây khó khăn trong việc so sánh chọn lựa điểm đến, lên kế hoạch trải nghiệm và khám phá... Đến nay, các hạn chế trên đã được khắc phục hoàn toàn nhờ các bản đồ kỹ thuật số hiện đại.
NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG CÓ BẢN ĐỒ DU LỊCH SỐ
Ngày 29/8, UBND TP Đà Lạt cùng UNESCO đã ra mắt Bản đồ du lịch nghệ thuật Đà Lạt. Bản đồ do Không gian nghệ thuật Phố Bên Đồi cùng Behalf Studio phối hợp thiết kế. Ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, mục tiêu xây dựng bản đồ là kết nối và giới thiệu những điểm đến nghệ thuật đặc sắc, các điểm biểu diễn văn hóa, âm nhạc, các danh lam thắng cảnh đặc trưng của Đà Lạt.
Sản phẩm này không chỉ đơn thuần là một công cụ dẫn đường, mà còn là cầu nối giữa các nghệ sĩ, các cơ sở nghệ thuật và cộng đồng; từ đó giúp mở ra những câu chuyện thú vị về lịch sử, văn hóa và sáng tạo, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Theo ông Tú, sau phiên bản in ấn, đồ họa kỹ thuật số thì sẽ có phiên bản có thể tương tác trên Internet để du khách có thể tiếp cận tiện lợi thông qua điện thoại và máy tính.
Trước đó, ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch cũng được nhiều địa phương khác đẩy mạnh với nhiều thành công nổi bật như TP Đà Nẵng với hệ thống trang web, cổng thông tin du lịch đa ngôn ngữ, ứng dụng Danang FantasticCity, Chatbot - trợ lý ảo tương tác với du khách, ứng dụng VR360 “Một chạm đến Đà Nẵng”… Quảng Bình cũng rất thành công với dự án đưa hình ảnh ra thế giới thông qua ảnh 360 độ của National Geographic. Sa Pa cũng có ứng dụng công nghệ 3D cung cấp thông tin, dịch vụ du lịch ảo đối với những điểm du lịch do thị xã Sa Pa trực tiếp quản lý...
Một trong những bản đồ du lịch được đánh giá cao gần đây là ứng dụng “Bản đồ di sản tương tác thông minh 3D/360” do Công ty Star Global (TP Thủ Đức) nghiên cứu phát triển. Sử dụng máy quét 3D, thiết bị camera 360, máy bay không người lái để chụp lại không gian ngoài đời thực, sau đó chuyển hóa sang dạng kỹ thuật số. Với ứng dụng này, người dùng có thể tham quan đến bất cứ địa danh nào thông qua hình thức thực tế ảo, dưới dạng showroom 3D trực tuyến ngay trên thiết bị máy tính hoặc điện thoại thông minh, thông qua địa chỉ disan360.vn hoặc heritage.map3d.vn.
Trong khi đó, Map 3D/360 có tên gọi đầy đủ là "Bản đồ du lịch tương tác thông minh 3D/360 TP.HCM" là ứng dụng thông minh được phát triển bởi Sở Du lịch TP.HCM, nhằm cung cấp cho du khách cái nhìn tổng quan hơn về các điểm tham quan du lịch của thành phố thông qua hình ảnh và video 3D/360 sống động. Được bắt đầu thực hiện từ năm 2019, đến nay Map 3D/360 đã xây dựng một hệ thống hình ảnh 3D/360 của hơn 100 điểm đến hấp dẫn đặc trưng của TP.HCM như: di tích văn hóa, bảo tàng, khu vui chơi giải trí, trung tâm hội thảo hội nghị, khách sạn…
Tháng 2/2023, Hội An cũng ra mắt dự án giới thiệu hình ảnh du lịch Hội An trên nền tảng Metaverse với 3 phần chính gồm website thực tế ảo VR 360 “Hội An Metaverse”, không gian số Hội An Metaverse Space và bản đồ số 3D Chùa Cầu Hội An trên bản đồ MAP 3D. Tương tự, Bản đồ 3D 360 độ du lịch Côn Đảo liên kết những tấm ảnh 360 độ lại với nhau tạo thành bản thiết kế 3D giúp người dùng sử dụng điện thoại hoặc máy tính truy cập đều dễ dàng quan sát Côn Đảo với đầy đủ góc nhìn, từ tổng quan đến chi tiết từng địa danh...
HÀNH TRÌNH BẮT ĐẦU BẰNG VIỆC TÌM KIẾM THÔNG TIN
Chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước thông qua việc ban hành các văn bản, nghị quyết, trong đó nhấn mạnh ưu tiên phát triển du lịch số, du lịch thông minh là những lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao. Theo ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện nay du lịch thông minh bước đầu đã và đang có những dấu hiệu tích cực giúp ngành du lịch hướng đến phát triển bền vững.
Theo đó, ngành du lịch, các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn từng bước ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra các sản phẩm mới, đa dạng, giúp nâng cao trải nghiệm của du khách. Đối với du khách, du lịch thông minh đã giúp du khách tìm thông tin, lên ý tưởng cho chuyến du lịch cho tới việc đặt và thanh toán chi phí các dịch vụ... Do vậy, du lịch thông minh trở thành một xu hướng tất yếu nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp và các điểm đến.
Mặc dù ngành du lịch đang rất nỗ lực trong việc triển khai các giải pháp phát triển du lịch thông minh, tuy nhiên vẫn còn tồn tại, hạn chế như mức độ sẵn sàng về công nghệ để phát triển du lịch thông minh ở một số địa phương chưa cao; trình độ khoa học và công nghệ, sự tiếp cận của doanh nghiệp với du lịch thông minh còn thấp, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc chi trả cho đầu tư ứng dụng công nghệ không cao…
Để phát triển du lịch thông minh theo hướng bền vững trong thời gian tới, theo ông Lê Anh Tuấn, cần chú trọng đến nguồn lực nội tại, cơ sở hạ tầng chung, cơ chế chính sách, nguồn nhân lực... đặc biệt là hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động du lịch.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần một bản đồ số quốc gia về du lịch, trong đó thể hiện toàn bộ tài nguyên về du lịch, điểm du lịch, dịch vụ để du khách có thể truy cập, các nhà điều hành dịch vụ du lịch kết nối thông tin, tăng hiệu quả kết nối, dự báo.
Tại cuộc họp về tìm các giải pháp cho du lịch mới đây, ông Nguyễn Huy Dũng, thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng gợi ý về một bản đồ số du lịch dành cho du khách vì hành trình du lịch bắt đầu bằng việc tìm kiếm thông tin. "Trong ngắn hạn, cần có một website quốc gia và một ứng dụng quốc gia chuyên nghiệp. Công nghệ chỉ là điều kiện cần và dễ giải quyết; còn dữ liệu, nội dung và những thứ khác thuộc về nghiệp vụ du lịch mới tạo nên điều kiện đủ", ông Huy Dũng nói.
Tuy nhiên, các website này không thay thế cổng thông tin du lịch của các địa phương mà liên kết các ứng dụng khác, làm sao cung cấp nhiều thông tin nhất cho du khách dựa trên sự tham gia, đóng góp của các cá nhân, tổ chức. Việc hình thành các nền tảng số du lịch ở tầm quốc gia, theo ông Huy Dũng, còn tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, hoạch định chính sách, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, khách hàng với điểm đến, nhất là hỗ trợ khách du lịch tiếp cận thông tin chính xác và trực quan.