Tuần vừa rồi, ông Trump tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa tại bang New Hampshire, trước Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley - đối thủ duy nhất còn lại trong cuộc đua giành ghế đại diện cho đảng này. Trong tuần trước đó, ông đã thắng giòn giã trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Iowa. Hai chiến thắng liên tiếp này đưa ông Trump tiến những bước quan trọng tới vị trí ứng cử viên Cộng hoà tranh cử trực tiếp với Tổng thống Joe Biden trong cuộc tổng bầu cử vào tháng 11/2024.
Đối với nhiều nhà đầu tư trên thị trường tài chính Phố Wall và cử tri Mỹ, khả năng ông Trump tái đắc cử là cao, bởi họ cho rằng vị doanh nhân tỷ phú này có khả năng quản lý nền kinh tế tốt hơn so với ông Biden. Tuy nhiên, một bài báo của tờ Wall Street Journal cho rằng chương trình nghị sự kinh tế mà ông Trump dự kiến mang đến trong một nhiệm kỳ thứ hai của ông sẽ rất khác so với lần cầm quyền trước. Trong nhiệm kỳ 2016-2020 và cả chủ trương hiện nay, điểm chủ đạo trong chính sách kinh tế của ông Trump là chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên, ở nhiệm kỳ trước, điều này kém nổi bật bên cạnh kế hoạch cải tổ thuế mạnh mẽ mà ông cùng các đồng minh Cộng hòa thúc đẩy để được Quốc hội Mỹ thông qua.
Nếu ông Trump tái đắc cử, sẽ không có một kế hoạch cải tổ thuế nào như vậy nữa. Thay vào đó, ông có ý định mở rộng cuộc chiến tranh thương mại mà ông khởi động cách đây 6 năm bằng cách áp thuế quan mạnh tay lên một loạt đối tác thương mại của Mỹ. Khả năng “ăn miếng trả miếng”, chi phí gia tăng và rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng từ chủ trương này sẽ dẫn tới một môi trường kém thuận lợi hơn so với những gì diễn ra trước khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu vào năm 2020.
CHỦ TRƯƠNG THUẾ MỜ NHẠT CỦA ÔNG TRUMP
Không ai có thể đoán trước nền kinh tế Mỹ sẽ như thế nào trong nhiệm kỳ của bất kỳ một vị tổng thống nào. Những sự kiện bất ngờ xảy đến như đại dịch hay chiến tranh, thậm chí có ảnh hưởng lớn hơn các chính sách mà ông Trump hay ông Biden theo đuổi. Đã từng có dự báo rằng nếu ông Trump trúng cử vào năm 2016, nước Mỹ sẽ đối mặt với thảm họa kinh tế, nhưng thực tế cũng đã cho thấy đó là một dự báo hoàn toàn sai. Vào đêm của ngày bầu cử năm đó, các chỉ số tương lai của thị trường chứng khoán Mỹ giảm chóng mặt, nhưng ngay trong ngày hôm sau thị trường đảo chiều và kết thúc phiên giao dịch trong sắc xanh rực rỡ.
Nhà đầu tư đã chuyển từ bi quan tột độ sang hưng phấn vì kế hoạch cải tổ thuế của Đảng Cộng hòa, với trọng tâm là cắt giảm mạnh thuế doanh nghiệp. Kế hoạch này đã được chuẩn bị sẵn cho trường hợp những người Cộng hòa giành quyền kiểm soát cả hai viện Quốc hội và Nhà Trắng - điều mà đảng này đã làm được trong cuộc bầu cử năm 2016.
Đạo luật cải tổ thuế mà ông Trump đặt bút ký chỉ một năm sau đó đã hạ thuế suất cao nhất của thuế doanh nghiệp ở Mỹ còn 21% từ mức 35% (thuộc hàng cao nhất thế giới), đồng thời giảm bớt thuế đánh vào lợi nhuận ở nước ngoài của các công ty Mỹ. Đây chính là hai mục tiêu mà doanh nghiệp mong muốn bấy lâu. Ngoài ra, đầu tư của doanh nghiệp vào máy móc được hưởng ưu đãi thuế và thuế suất thuế thu nhập cá nhân cũng hạ xuống.
Chương trình giảm thuế đã hỗ trợ nền kinh tế Mỹ theo ba hướng. Thứ nhất, triển vọng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp niêm yết tăng lên đưa thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh. Thứ hai, việc giảm thuế thu nhập cá nhân thúc đẩy người dân chi tiêu nhiều hơn. Thứ ba, đầu tư của doanh nghiệp cũng tăng, cải thiện triển vọng tăng trưởng kinh tế dài hạn.
Đến năm 2018, khi việc cải tổ thuế đã hoàn tất, ông Trump bắt tay vào một việc khác: áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu. Ban đầu, ông áp thuế quan lên các sản phẩm máy giặt và tấm pin mặt trời nhập khẩu vào Mỹ, rồi đến nhôm và thép từ Canada, Liên minh châu Âu (EU), Mexico và Hàn Quốc và tiếp đó là vô số hàng hóa từ Trung Quốc.
Ông Trump lập luận rằng thuế quan sẽ giúp giảm thâm hụt thương mại và vực dậy nền sản xuất của Mỹ. Các nhà phê bình lại cho rằng chính sách này đẩy chi phí tăng cao đối với người tiêu dùng Mỹ. Nhưng cả hai nhận định này đều không trở thành hiện thực. Theo lý thuyết kinh tế, thuế quan làm giảm nhu cầu hàng nhập khẩu, qua đó giảm bớt cả nhu cầu ngoại tệ, dẫn tới việc đồng USD tăng giá, bù lại ảnh hưởng của thuế quan. Lý thuyết kinh tế cũng cho thấy thâm hụt thương mại phản ánh khoảng cách giữa đầu tư và tiết kiệm, nên việc áp thuế quan cũng không thể làm giảm thâm hụt thương mại - theo Wall Street Journal.
Những gì đã xảy ra trên thực tế ít nhiều phù hợp với lý thuyết đó. Đồng USD tăng giá mạnh vào năm 2019. Giá cả một số mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ tăng, một số khác giảm, nhưng thuế quan hầu như không có ảnh hưởng rõ rệt đến tình hình lạm phát, thâm hụt thương mại, việc làm trong lĩnh vực sản xuất ở Mỹ. Dù vậy, việc ông Trump áp thuế quan đã thực sự làm xấu đi mối quan hệ giữa Mỹ với nhiều quốc gia đồng minh, kéo theo đó là sự đảo ngược của tiến trình toàn cầu hóa.
Ông Don Schneider, người từng làm việc với vai trò trợ lý trong Ủy ban Dự thảo Luật thuế tại Hạ viện Mỹ thời kỳ đầu nhiệm kỳ trước của ông Trump, và hiện là một nhà phân tích tại công ty Piper Sandler, cho rằng nếu ông Trump trúng cử thêm một nhiệm kỳ nữa, sẽ không có nhiều thay đổi về thuế mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Tại Hạ viện, ưu tiên của phe Cộng hòa sẽ là kéo dài chương trình cắt giảm thuế thu nhập cá nhân đã triển khai vào năm 2017 và dự kiến hết hạn sau năm 2025.
Trong chiến dịch vận động tranh cử lần này, ông Trump đã đề cập đến việc giảm thêm thuế doanh nghiệp, nhưng ý tưởng này chưa được đẩy mạnh. Dự định của ông về các quy chế giám sát cũng đang là một bức tranh hỗn hợp: các quy định về tài chính và môi trường đối với doanh nghiệp ở Mỹ dự kiến sẽ nhẹ nhàng hơn nếu ông Trump tái đắc cử, nhưng mặt khác ông cũng có một vài ý định cứng rắn. Chẳng hạn, ông đã cam kết sẽ điều tra hoạt động kiểm duyệt nội dung của các công ty truyền thông xã hội.
Dù vậy, các thay đổi về quy chế giám sát hiếm khi có ảnh hưởng rõ rệt đến tăng trưởng kinh tế Mỹ. Trên thực tế, ông Biden đã cứng rắn với ngành công nghiệp dầu khí hơn so với ông Trump, nhưng sản lượng khai thác đầu thô của Mỹ trong nhiệm kỳ này của ông Biden vẫn lập kỷ lục do giá dầu toàn cầu lên cao hơn so với thời ông Trump còn cầm quyền.
Vấn đề thực sự quyết định khác biệt giữa hai ứng cử viên sẽ là thương mại. Ông Biden không phải là một người chủ trương tự do thương mại, nhưng không thể hiện quan điểm bảo hộ một cách thẳng thừng như ông Trump. Nhà lãnh đạo đến từ Đảng Dân chủ chưa rút lui hay đe dọa rút lui khỏi các thỏa thuận tự do mậu dịch. Chính sách trợ giá ô tô điện của ông khuyến khích hoạt động sản xuất xe điện tại khu vực Bắc Mỹ, nhưng đã được điều chỉnh một chút để tạo điều kiện cho việc nhập khẩu mặt hàng này từ một số quốc gia.
Ông Biden giữ nguyên nhiều thuế quan có từ thời ông Trump, nhưng hầu như chưa áp thêm thuế quan mới nào, và đã rút lại một số, chẳng hạn thuế quan áp lên máy bay thương mại. Trong nhiệm kỳ của ông Trump, thuế quan bình quân của Mỹ tăng gấp đôi lên mức khoảng 3%, nhưng đã giảm nhẹ trong nhiệm kỳ của ông Biden.
KẾ HOẠCH ÁP THUẾ QUAN 10% VÀ NGUY CƠ BỊ TRẢ ĐŨA
Trong lần tranh cử này, ông Trump đã đề xuất áp thuế quan 10% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Nguồn tin thân cận với ông Trump cho rằng nếu trúng cử, ông sẽ đàm phán với các quốc gia cụ thể để giảm thuế quan, nhằm đổi lấy sự nhượng bộ của các quốc gia đó.
Ông Trump có thể hành động ngay và luôn nếu tái đắc cử. Vào năm 1971, Tổng thống Richard Nixon đã khiến thế giới bị sốc khi áp thuế quan 10% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu, rồi sau đó kích hoạt đạo luật có từ năm 1917 mang tên Giao dịch thương mại với địch thủ. Về phần mình, ông Trump cũng có thể sử dụng Khoản 338 của Đạo luật Thuế quan năm 1930 - điều khoản trao cho tổng thống Mỹ quyền gần như không giới hạn áp thuế quan lên bất kỳ quốc gia nào phân biệt đối xử với Mỹ. Ông Trump không thể đơn phương hủy bỏ đạo luật mở đường cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, nhưng có thể hành động tương đương bằng cách áp thuế quan lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Không ai loại trừ khả năng thuế quan mới của ông Trump sẽ vấp phải sự trả đũa, tương tự như những gì đã diễn ra trong nhiệm kỳ trước của ông. Nghiên cứu của Global Trade Alert, một tổ chức theo dõi thương mại, đã phát hiện thấy rằng kể từ năm 2018, các biện pháp thương mại mà Mỹ nhằm vào Trung Quốc hoặc EU, chẳng hạn thuế quan hoặc trợ cấp, đã bị đáp trả ở cấp độ dao động từ 54-86% trong vòng 24 tháng sau khi Mỹ có động thái.
Dự định áp thuế quan 10% của ông Trump, kèm theo đó là sự trả đũa từ các quốc gia bị áp thuế, có thể sẽ dẫn tới một mức độ biến động mới trong môi trường kinh doanh trên toàn cầu.
Trong bối cảnh như vậy, liệu lạm phát ở Mỹ có tăng cao? Câu trả lời có thể là “không” nếu đồng USD cũng tăng giá như hồi năm 2018. Tuy nhiên, ông Trump có thể đảo ngược sự tăng giá của đồng bạc xanh nếu ông gây áp lực đòi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất. Chủ tịch Fed Jerome Powell, người được chính ông Trump bổ nhiệm vào cương vị này, đã chống lại sức ép đó, nhưng nhiệm kỳ của ông Powell sẽ kết thúc vào năm 2026.
Nếu Fed không giữ được sự độc lập trước áp lực chính trị và các hàng rào thương mại dâng cao, đó sẽ là công thức cho lạm phát tăng. Điều đó không chắc chắn xảy ra, vì còn có nhiều yếu tố khác ngoài chính sách tiền tệ có thể ảnh hưởng tới lạm phát. Nhưng dù sao, nhiệm kỳ của ông Biden cũng mang đến một bài học rõ ràng cho ông Trump nếu ông tái đắc cử: không gì ảnh hưởng bất lợi đến thành tích kinh tế của một tổng thống hơn là lạm phát cao.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 05-2024 phát hành ngày 29-01-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam