Tạp chí Kinh Tế Việt Nam/VnEconomy/Vietnam Economic Times đã có cuộc phỏng vấn với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn xung quanh chủ đề của diễn đàn.
Qua hai năm phối hợp với Tạp chí Kinh Tế Việt Nam/VnEconomy/Vietnam Economic Times tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam – Vietnam Connect Forum, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về ý nghĩa và sức lan tỏa của sự kiện này?
Nhịp cầu phát triển Việt Nam do Bộ Ngoại giao phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy/Vietnam Economic Times tổ chức là một diễn đàn xúc tiến kinh tế có nhiều ý nghĩa, nhận được sự quan tâm của Chính phủ, thu hút sự tham dự và đáp ứng nhu cầu kết nối, hợp tác phát triển của các bộ, ngành, địa phương, các đối tác và doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế. Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tại Diễn đàn lần thứ nhất tổ chức vào tháng 4/2021 đã gợi mở những định hướng quan trọng cho sự phát triển của Diễn đàn. Sau Diễn đàn lần thứ nhất, nhiều cuộc gặp gỡ, giao lưu và kết nối hợp tác thương mại, đầu tư, khoa học - công nghệ, du lịch, văn hóa đã được thúc đẩy giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong nước và các đối tác quốc tế, mang lại những kết quả cụ thể, thiết thực.
Với chủ đề “Hội tụ nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”, Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2022 thu hút sự tham dự đông đảo các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, trong đó có 20 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Diễn đàn năm nay sẽ dành ưu tiên cho thảo luận các chiến lược, kế hoạch, cơ chế, chính sách, cơ hội hợp tác về huy động nguồn lực, nhất là đầu tư và công nghệ, trao đổi kinh nghiệm, cách làm, mô hình tốt về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Đây là những vấn đề đang thu hút nhiều quan tâm của các địa phương và doanh nghiệp.
XU THẾ CỦA THỜI ĐẠI
Chủ đề năm nay của Diễn đàn “Hội tụ nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”, theo Bộ trưởng, những nội dung được trao đổi tại Diễn đàn sẽ có tính thời sự như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ, dịch Covid-19 cho thấy rõ hơn yêu cầu cấp bách, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy xu hướng đổi mới tư duy, mô hình phát triển và quản trị ở tầm toàn cầu, khu vực, quốc gia và doanh nghiệp, các xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo, chuyển đổi số… Những quốc gia, doanh nghiệp nào nắm bắt và tranh thủ tốt các xu hướng này sẽ có cơ hội, thuận lợi lớn đẩy nhanh phục hồi và vươn lên sau đại dịch Covid-19, ngược lại sẽ gặp khó khăn và chậm phục hồi.
Nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề ra định hướng lớn là phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả Công nghiệp 4.0 gắn với quá trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số. Việc thực hiện tốt định hướng này của Đảng và Nhà nước sẽ tạo nên bước chuyển mạnh mẽ về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta cũng như các địa phương và doanh nghiệp.
Như vậy, định hướng chiến lược phát triển của nước ta hoàn toàn phù hợp với các xu thế phát triển của thế giới. Vấn đề cốt yếu là làm sao nắm bắt tốt cơ hội mới từ các xu hướng phát triển và cụ thể hóa các định hướng chiến lược đúng đắn.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đó, Nhịp cầu phát triển Việt Nam năm nay đã chọn chủ đề “Hội tụ nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” với mong muốn tạo một diễn đàn cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các đối tác quốc tế thảo luận các cơ chế, chính sách, dự án, cơ hội hợp tác, chia sẻ các kinh nghiệm, mô hình phát triển hướng tới sự phát triển bền vững của các địa phương, doanh nghiệp cũng như của cả nền kinh tế.
Bộ trưởng đánh giá như thế nào về bức tranh toàn cảnh của các địa phương về thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững?
Thực tiễn phát triển ở nước ta cho thấy nhiều địa phương, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang nỗ lực với quyết tâm cao thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Điển hình như nhiều địa phương hiện nay cơ bản đã chuyển trọng tâm thu hút đầu tư sang thu hút có chọn lọc, lấy hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là tiêu chí và thước đo chủ yếu trong thu hút, sử dụng và đánh giá đầu tư.
Trong công nghiệp, chú trọng các dự án sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, giảm phát thải; trong nông nghiệp, thích ứng, chuyển đổi cơ cấu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, sản phẩm sạch có giá trị giá tăng cao. Kết quả là đến nay, chúng ta đã có 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, trong đó 6 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD/năm…
Phát huy các thành tựu này và để tranh thủ tốt thời cơ, cơ hội, vượt qua thách thức, khó khăn, đòi hỏi cả nền kinh tế, các địa phương và doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực đổi mới tư duy và hành động, quyết tâm chuyển sang phương thức phát triển nhanh và bền vững chủ yếu dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Một điều đặc biệt tại Diễn đàn năm nay là có sự tham dự của đông đảo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Thông qua Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam, chúng tôi mong muốn đóng góp vào nỗ lực chung của cả nước và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển toàn diện vùng kinh tế trọng điểm này theo hướng sinh thái, văn minh và bền vững, phù hợp với quy luật tự nhiên; trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp hiện đại, năng động, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu và cũng là trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của cả nước.
ĐỒNG HÀNH ĐỂ TĂNG TRƯỞNG XANH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Với vai trò kết nối, Bộ Ngoại giao đã và sẽ có những hành động nào để giúp các địa phương huy động nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững?
Nhiều năm qua, ngoại giao kinh tế là một trụ cột quan trọng của ngành Ngoại giao, trong đó hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Phát huy mạng lưới hơn 90 cơ quan đại diện ở khắp các châu lục, ngành Ngoại giao đã chủ động, tích cực thúc đẩy kết nối các địa phương và doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp, đối tác quốc tế thông qua tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến kinh tế thực chất và hiệu quả.
Trước yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, ngành Ngoại giao đang triển khai đồng bộ, hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, trong đó tập trung “phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”, nỗ lực xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Bên cạnh các lĩnh vực truyền thống (thương mại, đầu tư, du lịch…), Bộ Ngoại giao chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh ngoại giao một số lĩnh vực có nhiều tiềm năng như: Môi trường, khí hậu, công nghệ, y tế, năng lượng…
Trên cơ sở bám sát chủ trương, chính sách, định hướng, nhu cầu và thực tiễn phát triển của các ngành, địa phương và doanh nghiệp, chúng tôi cố gắng đổi mới nội dung, hình thức hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại; tiếp tục triển khai các chương trình, đề án đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đối ngoại và hội nhập quốc tế cho cán bộ của các địa phương nhằm góp phần nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của các địa phương.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng”, chúng tôi rất mong các ngành, các địa phương và doanh nghiệp tăng cường phối hợp chặt chẽ với ngành Ngoại giao trong triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển bền vững của các ngành, các địa phương và doanh nghiệp nước ta.