Trong một thông cáo báo chí hồi đầu tháng, thương hiệu mỹ phẩm Anh cho biết công ty con ở Mỹ của họ không còn hoạt động từ ngày 1/3, khiến khoảng 400 người lao động gặp rủi ro công việc. Theo hồ sơ của tòa án, vào tuần trước, thương hiệu nổi tiếng có xuất xứ từ Anh đã nộp đơn xin phá sản dựa trên quy định tại Chương 7, Luật phá sản của Mỹ. Việc nộp đơn này có nghĩa là chi nhánh của công ty tại Mỹ sẽ bán bớt một phần tài sản nhất định để trả cho các chủ nợ.
Ngoài ra, 33 trong số 105 cửa hàng ở Canada sẽ bắt đầu thanh lý sản phẩm và "ngừng bán trên cửa hàng trực tuyến ở Canada", nhưng tất cả chi nhánh tại nước này vẫn đang mở cửa. Tại Australia - nơi công ty điều hành gần 100 cửa hàng và chịu trách nhiệm về hơn 20 chi nhánh khác ở New Zealand - tương lai của thương hiệu cũng u ám khi thiếu tiền mặt trả cho các nhà cung cấp, sau khi công ty mẹ tại Anh thông báo mất khả năng thanh toán.
Vào cuối tháng 2/2024, The Body Shop dự kiến sẽ đóng cửa 75 cửa hàng trên toàn Vương quốc Anh trong tháng 3, khiến 800 người mất việc, bao gồm cả những người làm việc tại trụ sở chính. 116 cửa hàng còn lại vẫn sẽ hoạt động bình thường. Trong khi đó, chi nhánh ở Ireland, Nhật Bản và một số quốc gia Châu Âu cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Cụ thể, các cơ sở ở Ireland đã thực hiện thanh lý toàn bộ 7 cửa hàng và phần lớn nhân viên từ chối làm việc sau khi có thông báo không được trả lương trong ba tuần làm việc cuối cùng.
Chi nhánh The Body Shop ở Đức, có khoảng 60 cửa hàng, đã rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán vào đầu năm nay. The Body Shop tại Đan Mạch đã tuyên bố phá sản. Phân nhánh tại Bỉ, với 16 cửa hàng và 50 nhân viên, cũng được cho là đã đóng cửa. Viễn cảnh của The Body Shop ở Tây Ban Nha, Thụy Điển, Pháp và Áo hiện vẫn tương đối "mù mờ". Một số địa điểm The Body Shop nhượng quyền khác được cho là không bị ảnh hưởng bởi vụ phá sản.
Còn ở Việt Nam, The Body Shop cũng có 35 cửa hàng. Tập đoàn InNature là đối tác nhượng quyền của The Body Shop ở Việt Nam. Trước những thông tin này, họ đã lên tiếng trấn an người tiêu dùng và cho biết nguồn hàng vẫn sẽ ổn định ít nhất tới năm 2025.
Theo CNN, lạm phát cao trong những năm gần đây đã gây tổn hại cho các nhà bán lẻ truyền thống, trong đó có The Body Shop - vốn chủ yếu hoạt động bên ngoài trung tâm thương mại và nhắm vào tầng lớp trung lưu đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, The Body Shop vốn được quảng bá với hình ảnh bền vững, đạo đức và không thử nghiệm trên động vật. Tuy nhiên, hầu hết các thương hiệu làm đẹp mới thâm nhập vào thị trường ngày càng đông đúc ngày nay đều được xây dựng dựa trên các giá trị tương tự, như không độc hại, thuần chay, có thể tái sử dụng, giảm phát thải...
The Body Shop đang thất bại trong một thị trường mà lẽ ra nó phải phù hợp nhất. Đó là một sự trớ trêu tàn nhẫn. Tuy nhiên, những rắc rối của The Body Shop không phải là mới đây. Thương hiệu đã không ở trạng thái kinh doanh tốt trong nhiều năm và bây giờ khi thị trường đã phát triển rất nhanh theo hướng vừa bền vững và kết hợp công nghệ, thương hiệu đơn giản là không có khả năng tận dụng vốn.
Có vẻ như đã qua rồi cái thời khách hàng xếp hàng dài trước cửa hàng The Body Shop vào tháng 12 để nhặt những giỏ quà gồm xà bông Dewberry, sữa tắm ngọc trai, nước hoa để làm quà Giáng sinh. Các cửa hàng The Body Shop hồi đó như là một không gian trải nghiệm niềm vui và đầy ắp tiếng cười của những bạn trẻ đi mua hàng. Nhưng rất tiếc, đối với những người trẻ bây giờ, The Body Shop được coi là “thương hiệu của bà, của mẹ”. Và dễ hiểu khi thương hiệu này rơi vào khủng hoảng.
Trong bài bình luận trên tờ Sunday Times, Mark Constantine – người đã biết, làm việc cùng và ngưỡng mộ nhà sáng lập Dame Anita Roddick quá cố – cho rằng dấu ấn của thương hiệu bắt đầu rơi xuống vực sâu, bắt đầu từ cuối những năm 90. Vợ chồng bà Roddick Roddicks đã bán The Body Shop vào năm 1984 (sau này họ thừa nhận hối hận về hành động này) và, như nhà báo Constantine đã chỉ ra, các công ty niêm yết vào thời điểm đó thường chỉ có chu kỳ hoạt động khoảng 15 năm.
Năm 2002, bà Roddicks rút lui khỏi việc điều hành công việc kinh doanh và sau đó vào năm 2006, thương hiệu đã được bán với giá 652,3 triệu bảng Anh cho gã khổng lồ mỹ phẩm Pháp L'Oréal. Dưới thời L'Oréal, thương hiệu này đã phát triển mạnh mẽ nhưng đã có các quyết định khác với định hướng ban đầu, chẳng hạn như sản xuất ở nước ngoài, khiến toàn bộ hoạt động dường như ít được thực hiện trong nước hơn và đặc biệt là ít đáng được người tiêu dùng Anh ủng hộ hơn.
Trong khi đó, hàng loạt các chuỗi cửa hàng nhập khẩu xuất hiện, chẳng hạn như Rituals từ Hà Lan, đang mở rộng với tốc độ nhanh chóng và mở các cửa hàng trên khắp Vương quốc Anh hàng tuần. Plus Boots đã nâng cấp lĩnh vực làm đẹp của mình với các định dạng dành riêng cho từng ngành, Sephora đã quay trở lại với các trải nghiệm trực tuyến về làm đẹp…
Theo trang The Industry Beauty, đây là bối cảnh rất khác so với thị trường mà The Body Shop từng thống trị. Để tìm được vị trí xứng đáng của mình, thương hiệu phải có tầm nhìn và cần phải tương tác với cả những người tiêu dùng có ý thức xã hội trong quá khứ và những người tiêu dùng mới, trẻ ngày nay.
Nhưng tin tốt là vẫn còn hy vọng. Có một nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi (không chỉ Gen Z mà cả Gen Alpha) có thể sẽ vẫn hào hứng với phiên bản hồi sinh của The Body Shop, như cái cách họ quay lại với đồ vintage và xu hướng Y2K. Hiện giới truyền thông nhận định The Body Shop có thể sẽ không biến mất hoàn toàn mà có thể sẽ thu hẹp quy mô lại và đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến.